“Báo động đỏ” của người tìm việc

Có nhiều người cứ thắc mắc không hiểu sao “số kiếp” mình lận đận, xin việc ở đâu cũng bị từ chối. Chả phải “số má” gì đâu, rất có thể họ đang có một trong những “báo động đỏ” dưới đây.

Không địa chỉ nhà, không số điện thoại và chẳng email. Không biết liên lạc với bạn bằng cách nào, làm sao họ có thể tuyển dụng bạn được. Có thể đây là một sơ suất nhỏ trong quá trình viết CV nhưng cũng chỉ vì cái “nhỏ” này mà cơ hội sẽ chẳng bao giờ đến với bạn.

 

Thời gian thất nghiệp quá dài. Bạn đi làm nửa năm, nghỉ 1 năm rồi lại đi làm chỗ khác 7 tháng, sau đó bạn lại thất nghiệp 14 tháng. Chà, nếu bạn kê rõ điều này trong CV, chắc chắn 100% bạn sẽ không được tuyển dụng. Phải thế nào thì bạn mới hay bị thất nghiệp lâu đến vậy chứ.

 

Những câu trả lời không thống nhất. Sự thiếu thống nhất trong những câu trả lời tố cáo sự dối trá của bạn. Bạn đang che giấu điều gì không hay chăng?

 

Những mong đợi không thực tế. Không ai thích một nhân viên luôn mơ mộng, ảo tưởng kiểu “bắt cua trong hang”. Không biết cách va chạm thực tế, bạn sẽ không thể đối mặt và vượt qua những khó khăn.

 

Không có mục đích nghề nghiệp. Nếu như bạn không thể đưa ra mục tiêu cho cuộc đời mình thì chí ít bạn cũng phải biết trong vòng 2 đến 5 năm tới, sự nghiệp của bạn sẽ đến đâu. Hãy chia sẻ những ước mơ và hoài bão của bạn khi nhà tuyển dụng tạo điều kiện để bạn bày tỏ. Thậm chí đưa ra những kế hoạch kinh doanh mà bạn ấp ủ từ lâu.

 

Thái độ bi quan và “phản động”. Mỉm cười thân thiện, bắt tay lịch sự và luôn nhìn thẳng đối phương được cho là những cử chỉ cần có trong một buổi phỏng vấn.

 

Thiếu sự chuẩn bị. Đi phỏng vấn cũng giống như đi thi vậy, đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị từ ở nhà. Hãy nghiêm túc với công việc của chính bạn, cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã mong đợi công việc này như thế nào.

 

Theo Vietbao.vn