1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bạn đang bị bắt nạt ở công sở?

(Dân trí) - Theo một điều tra được tiến hành tại Mỹ, khoảng 37% số nhân viên văn phòng đã hoặc đang bị bắt nạt tại nơi làm việc; thậm chí bị ngược đãi gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Tỉ lệ này trên thực tế có thể còn cao hơn nữa.

Tình trạng này tất nhiên không chỉ xảy ra ở Mỹ. Ở đâu cũng vậy, thậm chí ngay trong cơ quan bạn, ngay với bạn. Vấn đề là bạn có nhận ra mình đang bị bắt nạt hay không.

 

Các chuyên gia cho rằng phần lớn những người đang bị sếp hoặc đồng nghiệp bắt nạt không nhận ra sự thiệt thòi của mình. Một phần vì bản thân tính cách họ mềm yếu, nhút nhát, một phần vì họ xấu hổ và hèn nhát.

 

Bắt nạt còn tệ hơn cả quấy rối tình dục

 

Nghiên cứu mới của đại học Ontario cho biết, tình trạng bắt nạt nơi công sở còn làm tổn thương người lao động hơn cả nạn quấy rối tình dục, nó gây căng thẳng nhiều hơn, ít tận tuỵ với công việc hơn và mức độ lo lắng cũng cao hơn.

 

Những triệu chứng đáng lo ngại

 

Không kể tới luật pháp hay những chính sách riêng của công ty, các nhân viên phải biết nhận ra những vấn đề đáng lo ngại trước khi tình hình có thể thay đổi phần nào. Nếu đêm trước khi bắt đầu một ngày làm việc của tuần mới bạn cảm thấy mệt mỏi rã rời thì hãy nghĩ xem đó có phải là vì bạn bị bắt nạt hay không.

 

Bên cạnh những dấu hiệu rất rõ rệt như bạn có ông sếp thường thích la hét vào mặt bạn ngay trước các đồng nghiệp khác hoặc đưa ra những lời nhận xét làm giảm giá trị của bạn trong cuộc họp thì còn rất nhiều những hành vi khác xảo quyệt hơn nhiều. Bạn đã từng bị loại khỏi nhóm đi ăn cơm trưa họp trong cuộc họp rồi hả? Đó có thể cũng là một kiểu bắt nạt nơi công sở vậy.

 

Dưới đây là 10 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị bắt nạt tại nơi làm việc:

 

Bị la hét quá nhiều: Những kẻ bắt nạt trắng trợn nơi công sở thường bộc lộ cảm xúc của họ bằng cách la hét. Nếu bạn thường xuyên bị mắng mỏ, lăng mạ hoặc bị lấy làm trò cười trước mặt người khác thì rất có thể bạn đang bị bắt nạt.

 

Công việc đồng nghĩa với sự khổ ải: Nếu bạn thường xuyên cảm thấy căng thẳng và đặc biệt lo lắng vào đêm trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới thì đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang rơi vào tình trạng bị bắt nạt ở nơi làm việc. Mặc dù rất ít người trông ngóng đến ngày thứ hai nhưng nói chung những ngày đó cũng không khiến họ cảm thấy mệt mỏi về thể chất tới mức như vậy.

 

Để bụng những sai lầm của bạn: Nếu sếp hay đồng nghiệp của bạn có vẻ như luôn “găm” sẵn một mớ những vụ việc sai lầm của bạn trong đầu và thường xuyên nhắc đến nó vì những lý do thiếu tinh thần xây dựng thì có lẽ bạn đang bị bắt nạt. Vô lý đổ lỗi cho bạn cũng là một “chiêu thức” bắt nạt khác khá phổ biến.

 

Tung tin đồn và nói dối: Một kiểu bắt nạt khá phổ biến khác ở công sở là phát tán những tin đồn và thông tin sai, thất thiệt cho bạn cũng như công việc của bạn thay vì la thét bạn trước mặt những đồng nghiệp khác. Không ngăn chặn hành vi phát tán tin đồn cũng có thể coi là một hành động bắt nạt.

 

Bạn không được rủ đi ăn trưa hoặc hội họp: Nếu bạn cảm thấy mình bị tách biệt/hay cô lập bởi đồng nghiệp và sếp thì bạn cũng đang bị bắt nạt. Đó có thể là bàn làm việc của bạn bị di chuyển hoặc bạn không được rủ đi ăn trưa hay hội họp với cả nhóm.

 

Bạn luôn muốn những ngày nghỉ ngơi, an dưỡng tinh thần: Nếu gần như tất cả thời gian được nghỉ của bạn đều dành cho các kỳ nghỉ ngơi, an dưỡng tinh thần để thoát khỏi công việc khổ ải tại công ty thì có thể đó là vì bạn đã bị bắt nạt.

 

Chọc gậy bánh xe: Một kẻ bắt nạt nơi công sở cũng có thể cố tìm ra những cách khiến bạn thất bại trong công việc. Họ có thể tạo ra những tình huống, những thay đổi gây khó dễ cho bạn trong việc hoàn thành trách nhiệm được giao.

 

Lên kế hoạch không thể thực hiện được: Một kẻ chuyên bắt nạt người khác nơi công sở sẽ không ngần ngại thay đổi kế hoạch làm việc của bạn để tạo thêm khó khăn. Nếu sếp luôn lên kế hoạch họp hành kéo dài tới tận phút cuối cùng trong ngày vì anh ta biết bạn sẽ phải tham gia lớp học tối hoặc bạn phải đi đón con thì đích thị là ông ta/bà ta đang bắt nạt bạn.

 

Cướp công: Bạn làm việc vất vả ngày đêm để hoàn thành một nhiệm vụ sếp giao. Nhưng kết quả là sếp lại ngợi khen người đồng nghiệp của bạn mà chẳng đếm xỉa đến bạn cả. Có thể sếp không thiên vị, mà chính người đồng nghiệp đã cố tình cướp công của bạn đấy.

 

Đỗ Dương

Theo Askmen