8X Việt khởi nghiệp ở nước ngoài

Khác hẳn các thế hệ trước, thế hệ 8X có nhiều hơn hẳn những ước mơ xây dựng cơ đồ ở ngoài đường biên giới. Những ước mơ thật đáng khâm phục và trân trọng. Tuy nhiên có phải chỉ cần gói ghém đồ đạc là ra đi không?

Hành trang có phải chỉ là một va li quần áo, một tấm passport du lịch và tiền để có thể sống sót trong vài tháng không?

 

Bước nhảy số phận

 

Hoàng Lan, Q.1, TPHCM, là một cô gái ưa mạo hiểm. Lan không có người quen, chưa có manh mối nào về công việc ở Hồng Kông, nhưng Lan quyết định sau khi đặt chân xuống Hông Kông mới bắt đầu thử vận may và nghênh chiến với tất cả khó khăn.

 

Đầu tiên là vấn đề thủ tục. Lan cần phải có một visa làm việc và phải mất 2 tháng để có loại giấy tờ này. Thật không may trong khi đợi visa làm việc thì visa du lịch của Lan lại hết hạn. Lan đã phải xì nốt những đồng cuối cùng ra mua vé về nước rồi quay trở lại lần nữa!

 

Nhiều bạn có thể gọi là may mắn hơn khi bước lên máy bay để tới Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ làm việc khi họ đã được biết ông chủ mới là ai và mức lương tới đây của họ là bao nhiêu. Tuy nhiên có được một công việc đúng như mơ ước ở một vùng đất mới thì thực sự là khó.

 

Trước khi đi, để chắc ăn bạn có thể lên mạng tìm việc và nhớ “mặc cả” với nhà tuyển dụng dành thêm cho bạn khoảng thời gian để bạn có thể bay qua dự phỏng vấn nhé!

 

Con đường tình nguyện

 

Bùi Hoàng Nga, 18 tuổi, cựu bí thư Đoàn, với một trái tim thực sự nhiệt tình và cái đầu cũng khá thực tế thì lại chọn cho mình một cách đi khác hẳn. Cô bạn xuống sân bay nước bạn, tự tin sải những bước chân đầu tiên trên đất nước xa lạ này trong màu áo tình nguyện viên.

 

Nga công nhận rằng đây là một cách sử dụng thời gian có ý nghĩa, và mục đích lúc đầu rất vô tư nhưng công nhận rằng công việc đã giúp bạn ghi một dòng quý giá vào hồ sơ của mình là “có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài”.

 

Nhiều 8X ở nước ngoài mail về kể rằng làm tình nguyện viên có thể là nấc thang vững chắc đưa bạn đến một công việc tốt, và tạo được những mối quan hệ giá trị. Ví dụ làm việc cho một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phát triển bạn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà tài trợ, các thành viên uỷ ban liên quan và nhiều chuyên gia giỏi.

 

Nhưng nếu bạn ra đi theo con đường tình nguyện với một suy nghĩ rằng đó là cách dễ dàng giúp bạn thực hiện giấc mơ sự nghiệp đầy ích kỷ của mình thì lầm to rồi đấy. Tình nguyện luôn là một công việc khó khăn đòi hỏi ở bạn một sự hi sinh to lớn. Bạn phải là người cởi mở, dễ tiếp thu những kinh nghiệm mới mẻ và phải học cách thích nghi.

 

Trước khi bạn nói đồng ý

 

Để khởi đầu, bạn phải luôn biết được mình muốn gì và tại sao. Bạn muốn một cuộc sống dễ dàng, toàn ánh nắng mặt trời và những ngọn sóng hay bạn muốn ra đi để học hỏi những điều mới mẻ từ một nền văn hoá khác hoặc để nếm trải gian khó? Dựa trên mục đích của mình bạn hãy xây dựng một chiến lược phát triển.

 

Hãy cân bằng giữa tính lạc quan và thực tế. Nhiều quốc gia hiện nay trở nên không còn hào phóng đối với vấn đề visa nữa do nền kinh tế xuống dốc. Bạn nên tìm một lối đi có thể có nhiều cơ hội hơn như các ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nghiên cứu công nghệ sinh học hay truyền thông.

 

Khi có cơ hội, đừng vội vàng nhận ngay. Hãy tìm hiểu tình trạng tài chính của công ty đó. Một số công ty không có khả năng trả lương cho lao động nước ngoài.

 

Hãy đọc kỹ những điều khoản trong hợp đồng lao động liên quan đến vấn đề vi phạm hợp đồng. Có người đã nhận được khoản bồi thường do một công ty ở Đài Loan vi phạm hợp đồng lên tới 40 ngàn đô la.

 

Bạn cũng phải kiểm tra kỹ các điều khoản về mức lương, các khoản thanh toán đi lại hàng năm, bảo hiểm y tế, sức khỏe…

 

Theo Sinh Viên Việt Nam