1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

6 tháng đầu năm 2017: Hơn 340.000 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp

Đến tháng 6/2017 số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 11,2 triệu người, số tiền thu BHTN hơn 5.000 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tiếp nhận hơn 340.000 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp.

6 tháng đầu năm 2017: Hơn 340.000 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp - 1

Tăng số hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo khảo sát của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XHXH), trong 6 tháng đầu năm 2017, các Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận 340.858 lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Thế Hà, Phó Giám đốc Trung tâm, một số nguyên nhân tăng vì: Số người tham gia BHTN tăng so với cùng kỳ năm 2016 dẫn đến số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng; Tại nhiều địa phương, người lao động đi làm việc tại những địa phương khác khi thất nghiệp về địa phương nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, một số địa phương số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng còn do tình hình sản xuất kinh doanh chưa ổn định, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi loại hình kinh doanh, tái cơ cấu, thu hẹp sản xuất và một số doanh nghiệp phải di dời tới địa phương khác nên cắt giảm lao động.

Ông Lê Quang Trung - Cục phó Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá về chính sách thực hiện bảo hiểm thất nghiệp qua 6 tháng đầu năm 2017.

Xét về khu vực, một số vùng đồng bằng có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn, như: Đông Nam Bộ chiếm 44,2%, Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 17,5%, Đồng bằng Sông Hồng chiếm 15,5%.

Trong khi đó, các địa phương miền núi và vùng sâu lại có số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, như: Lai Châu chỉ có 179 lao động nộp hồ sơ, Điện Biên: 203 lao động, Kon Tum: 640 lao động...

Nhận định của Trung tâm cho thấy, các vùng trên có kiện kinh tế - xã hội còn gặp khó khăn, ít khu công nghiệp, các doanh nghiệp. Người lao động tại đây hoạt động chủ yếu trong ngành nông và lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, sự khó khăn về điều kiện địa lý và khí hậu đã cản trở đến việc tham gia cũng như nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Cần tháo gỡ khó khăn

Theo ông Nguyễn Thế Hà, quá trình triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát sinh nhiều khó khăn.

Đơn cử trong quá trình giải quyết hồ sơ, cơ quan LĐ-TB&XH và cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương chưa có sự thống nhất về giải quyết việc sai số chứng minh nhân dân, xác nhận việc tham gia BHXH (chốt sổ) không đúng thời gian quy định.

Nguyên nhân thất nghiệp

Theo Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, có nhiều nguyên nhân như:

Người lao động thất nghiệp do hết hạn hợp đồng lao động hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 42,3%.

Người lao động thất nghiệp do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 37,1%.

Người lao động thất nghiệp do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu chiếm 4,9%.

Điều đã làm ảnh hưởng đến việc hoàn tất hồ sơ, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ của cán bộ, nên việc ban hành các quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động chậm so với tiến độ.

Về chính sách, quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định thành phần hồ sơ gồm bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc gây khó khăn cho người lao động.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng chữ ký scan, in hoặc khắc sẵn chữ ký khiến việc chứng thực không thực hiện được.

Nhận định của Trung tâm còn cho thấy, công tác tư vấn việc làm, học nghề vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Nguyên nhân một phần do chất lượng trong công tác tư vấn việc làm thấp, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có nhu cầu quay trở lại thị trường lao động.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Quý 1/2017: Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm 2,3 %

Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức họp báo công bố thông tin thị trường lao động quý 1/2017. Theo đó, một trong những điểm nhấn là tình hình thất nghiệp có xu hướng giảm nhẹ ở mức 2,3 % so với trước đó.

6 tháng đầu năm 2017: Hơn 340.000 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp - 2
Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tỷ lệ thất nghiệp của người thuộc độ tuổi lao động trong trong quý I/2017 đã giảm nhẹ, còn 2,3%. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, giảm đáng kể. Số người lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 138.800 người, giảm 80.000 người so với quý 4/2016. Tình hình thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng cũng giảm tới 20.600 người, còn 104.200 người trong quý I/2017. Trong báo cáo quý 1/2017, duy nhất có nhóm trình độ trung cấp có số người thất nghiệp tăng trong quý I/2017 với 83.200 người thất nghiệp (tăng 13.000 người), tỷ lệ thất nghiệp là 3,08%. Phát biểu tại buổi họp, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH cho biết, những tín hiệu tốt của nền kinh tế cũng là nguyên nhân tác động phần nào, làm giảm tỉ lệ thất nghiệp ...“Hàng năm, cả nước có khoảng 400.000 sinh viên đại học, trên đại học tốt nghiệp ra trường, tạo sức ép lớn cho việc giải quyết việc làm. Tuy vậy, thời gian gần đây tỷ lệ này có giảm, cho thấy thị trường lao động và nền kinh tế đã có những khởi sắc nhất định" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá.

P.L

Lùi hạn trình đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Nghị quyết số 379/2017/UBTVQH14 ngày 4/5/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động.

Đồng thời chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động.

6 tháng đầu năm 2017: Hơn 340.000 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp - 3

Trước đó, Tờ trình số 78/TTr-CP của Chính phủ ngày 10/3/2017, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 4.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ trước đó đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 4869/VPCP-PL: Giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ Đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời gian thích hợp.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

H.M