1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

50% trẻ em phải làm việc trong môi trường độc hại

(Dân trí) - Khoảng 50% trẻ được khảo sát phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Trung bình trẻ phải làm việc 4-5h/ngày, thậm chí đến 10-12h/ngày.

Theo khảo sát mới được tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện (LĐ- TB &XH)ở 8 tỉnh thành trọng điểm (bao gồm Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Rai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và Hồ Chí Minh) vào năm 2009 ở Việt Nam cho thấy, tình trạn lao động trẻ em diễn ra phổ biến ở cả 8 tỉnh thành được khảo sát. Ở khu vực nông thôn, trẻ em chủ yếu tham gia sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nhỏ ở quy mô hộ gia đình, trẻ em làm thuê trong các các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Một số lượng nhỏ hơn các trẻ em ở khu vực nông thôn tự kiếm việc như đánh giày và bán vé số. Còn ở khu vực thành thị, chủ yếu trẻ em lao động trong các ngành dịch vụ và công nghiệp thủ công.

Đối tưọng trẻ em làm thuê hoặc làm riêng chủ yếu là các em trên 10 tuổi. Trong đó, hơn 90% trẻ làm việc trong các ngành tự do . Tỷ lệ cao nhất là các em làm trong ngành nông nghiệp, sau đó là dịch vụ thương mại và công nghiệp thủ công.

Khảo sát cho kết quản, rrung bình, trẻ em làm việc 4-5 giờ một ngày và thậm chí đôi khi đến 6 giờ hoặc cao hơn. Trong một số trường hợp đặc biệt, trong các cơ sở sản xuất như may mặc, chế biến thực phẩm, trong mùa cao điểm, các em phải làm 8-9 giờ, thậm chí 10-12 giờ một ngày.

50% trẻ em phải làm việc trong môi trường độc hại - 1
Trẻ em cần được bảo vệ. (Ảnh: CTV)
 
Đáng lo ngại là có khoảng 50% các em được khảo sát phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Những yếu tố này bao gồm độ ẩm, ánh sáng, bụi bẩn, các chất độc hại, tiếng ồn, không gian làm việc chật hẹp. Và các em cũng phải chịu nhiều sức ép tâm lý như tiền công thấp, chậm thanh toán hoặc bị chủ nhục mạ, buộc phải sống xa gia đình, chứng kiến hành vi không lành mạnh của người lớn.

Theo ILO, mặc dù Luật pháp Việt Nam cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng trên thực tế, trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình cả ở nông thôn lẫn thành thị. Nghèo đói, sự gia tăng dân số nhanh ở các thành phố lớn, công nghiệp hoá, đô thị hoá, gia tăng tự do thương mại, thái độ của gia đình đối với giáo dục, chất lượng giáo dục kém và vấn đề di cư đến các đô thị phát triển là những nhân tố góp phần làm gia tăng lao động trẻ em.

Chuyên gia ngành lao động nhận định, mặc dù các vấn đề liên quan đến lao động trẻ em đang ngày càng được thảo luận công khai hơn trên các phương tiện truyền thông nhưng nó lại ít được quan tâm ở cấp cộng đồng và hộ gia đình do quan điểm phổ biến rằng lao động có tác dụng tích cực đối với trẻ em. Vấn đề cốt lõi nằm ở nhận thức hạn chế của xã hội và các thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ, gia đình, cộng đồng, người sử dụng lao động và chính quyền địa phương về lao động trẻ em, nguyên nhân và hậu quả của nó. Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng làm việc  cũng là một quá trình học hỏi và nó sẽ đóng góp cho sự phát triển của trẻ. Quan điểm này càng được củng cố khi một số bậc phụ huynh nghĩ rằng giáo dục tiểu học hoặc trung học cơ sở về căn bản không gia tăng cơ hội việc làm cho con em họ. Nói cách khác, việc đầu tư vào giáo dục không còn được coi là cần thiết. Nhiều trẻ em cũng đi làm chỉ vì trường học không có sẵn, thiếu hụt hoặc quá đắt đỏ.

Về vấn đề lao động trẻ em, ILO cho rằng, những lao động trẻ em còn nhỏ tuổi này cần nhiều chính sách quan tâm đặc biệt, bởi lẽ các em là những người dễ bị lạm dụng tại nơi làm việc nhất và dễ gặp phải bệnh tật và tai nạn thương tích liên quan đến việc làm nhất.

P. Thanh