5 câu nói từ các doanh nhân thành đạt

(Dân trí) - Họ là những CEO, chủ tịch HĐQT của các tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới. Kinh nghiệm và sự thông thái của họ đã được khẳng định. Những lời nói của họ vì thế luôn là những bài học rất quý giá với bất kỳ ai muốn tạo dựng một sự nghiệp lớn. Hãy lắng nghe và ghi nhớ!

“Chúng ta liên tục đối mặt với những cơ hội lớn được ngụy trang một cách khéo léo trong lớp vỏ những vấn đề không thể giải quyết được”

Lee Iacocca,

CEO, tập đoàn Chrysler, 1978 - 1992

 

Sau khi được nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới Ford Motor vào năm 1978, Lee Iacocca quyết định gia nhập tập đoàn Chrysler với vai trò CEO cho tới năm 1992. Ông rất tin tưởng vào lợi ích của việc truyền cảm hứng cho nhân viên. Câu nói này khích lệ chúng ta coi vấn đề là cơ hội. Không có gì là không thể vượt qua được nếu bạn nhìn nhận nó một cách sáng tạo và tích cực. Hãy chấp nhận thách thức và mạnh mẽ vượt lên phía trước.

 

Chúng ta áp dụng câu nói này như thế nào?

 

Hãy lèo lái công ty hay nhóm làm việc của bạn vượt qua bất kỳ một trở ngại nào. Nếu nhà cung cấp thông báo với bạn rằng có một cuộc đình công xảy ra khiến quá trình vận chuyển hàng của bạn bị trì hoãn, hãy trình bày những lựa chọn của bạn. Có thể bạn sẽ tìm một nhà cung cấp khác có cùng một mặt hàng. Hoặc bạn và các thành viên khác sẽ trực tiếp gọi điện đến từng khách hàng để giải thích sự cố. Hãy sáng tạo. Luôn luôn có giải pháp với mọi vấn đề và những kết quả cuối cùng có thể còn vượt xa sự mong đợi cao nhất của bạn.

 

“Thị trường không bao giờ bị bão hòa với một sản phẩm tốt, nhưng nó sẽ bị bão hòa rất nhanh với một sản phẩm tồi”

Henry Ford,

Nhà sáng lập tập đoàn Ford Motor., 1903 - 1945

 

Trong câu nói này, nhà thiết kế kiểu mẫu xe ôtô mang tính cách mạng T Ford của năm 1908 cho chúng ta thấy rằng các sản phẩm chất lượng sẽ luôn tạo được sức mạnh lâu bền trước những sản phẩm “mì ăn liền”. Trong bất kỳ lĩnh vực sản xuất nào, sẽ luôn có ít “những sản phẩm tốt” và sự phát triển của những mặt hàng nhái được sản xuất hàng loạt. Ông Ford thúc giục chúng ta cần chắc chắn rằng những gì chúng ta đưa tới người tiêu dùng phải có chất lượng cao để có thể đánh bật mọi sự cạnh tranh.

 

Chúng ta áp dụng câu nói này như thế nào?

 

Khách hàng luôn chú trọng đến chất lượng. Nếu bạn sản xuất máy tính, hãy làm ra những chiếc máy tính tốt nhất và bạn sẽ luôn có thị trường. Nếu bạn thiết kế ván trượt tuyết, hãy đảm bảo rằng chúng có chất lượng cao nhất và có thể chịu đựng được những pha nhảy tinh vi phức tạp nhất của những người trẻ ham thể thao. 

 

“Giá cả là cái bạn chi ra. Giá trị là cái bạn nhận về”

Warren Buffett

Chủ tịch kiêm CEO công ty Berkshire Hathaway (Thuộc tốp 500 công ty hàng đầu ở Hoa Kỳ)

 

Nói cách khác, bạn sẽ nhận được những gì mà bạn đã phải trả tiền. Dành thêm một chút vốn để tạo ra các sản phẩm chất lượng luôn luôn là một cách tiêu tiền hợp lý. Bạn có thể đặt ra mức giá cao hơn bởi khách hàng của bạn sẽ coi trọng chất lượng và giá trị. Người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi thêm cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nếu họ cảm thấy rằng đồng tiền họ bỏ ra là đúng giá trị.

 

Chúng ta áp dụng câu nói này như thế nào?

 

Khi giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của bạn với những người mua tiềm năng, hãy nhấn mạnh giá trị. Dù sản phẩm của bạn là gì, nó có thể không phải có giá thấp nhất, nhưng nếu bạn chỉ rõ với khách hàng về những lợi ích khi sử dụng nó, họ sẽ hiểu được giá trị của sản phẩm ấy.

 

“Một nhà quản lý luôn căng lên vì công việc là nhà quản lý tốt nhất, bởi họ sẽ không có thời gian để can thiệp, để tham gia những cuộc tầm phào, để làm phiền người khác”

Jack Welch

CEO, tập đoàn General Electric, 1981 - 2001

 

Ở tuổi 44, Jack Welch là CEO trẻ nhất của tập đoàn General Electric. Câu nói này có ý rằng bạn cần phải luôn bận rộn và năng suất. Một nhà quản lý luôn dò xét người khác sẽ là lãng phí thời gian của người khác và của chính họ.

 

Chúng ta áp dụng câu nói này như thế nào?

 

Nếu bạn chịu trách nhiệm quản lý một nhóm, hãy cố gắng không quản lý ở tầm vi mô. Giao phó nhiệm vụ và trao quyền cho nhân viên của bạn được hành động và chắc chắn họ sẽ làm việc hiệu quả và năng suất hơn.

 

“Phục hồi sau khi thất bại thường dễ dàng hơn là xây dựng sau khi thành công”

Michael D. Eisner

Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Disney, từ năm 1984 đến nay. 

 

Những thay đổi và tiến bộ thường dễ nhận thấy hơn rất nhiều đối với một công ty bắt đầu sự nghiệp so với một công ty đã có tiếng tăm nhất định. Ông Eisner muốn nói rằng khi bạn tạo lập công ty từ con số 0 và mắc sai lầm, việc khôi phục lại dễ dàng hơn nhiều do tiền vốn còn thấp, và bạn chẳng có gì để mất.

 

Ngược lại, sẽ là rất khó khăn đối với một công ty đã có uy tín. Sự kỳ vọng của khách hàng dành cho họ là cao hơn rất nhiều. Ví dụ như, hành khách có thể dễ dàng tha thứ cho việc trì hoãn chuyến bay đối với một hãng hàng không non trẻ hơn là đối với hãng hàng không Air France hay United Airlines bởi họ sẵn sàng đưa ra những ngoại lệ và chấp nhận ở hãng vận chuyển mới một vài sự chậm trễ.

 

Chúng ta áp dụng câu nói này như thế nào?

 

Nếu bạn bắt đầu khởi nghiệp, bài học của Eisner sẽ khiến bạn yên lòng. Những sai sót trong sản xuất và việc trễ hẹn sẽ có thể được bỏ qua bởi khách hàng của bạn hiểu rằng bạn là “vai mới” trong cuộc chơi. Có thể không công bằng nhưng những công ty nổi tiếng thậm chí phải làm việc chăm chỉ hơn so với những công ty thất bại. Cũng như tập đoàn Disney, nếu công ty của bạn đang dẫn đầu cuộc chơi, bạn sẽ phải không ngừng sáng tạo ra các cách thức cải thiện sản phẩm dịch vụ của bạn.

 

Phước Đại

Theo Askmen