1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

3 thói quen của nhân viên làm việc kém hiệu quả

(Dân trí) - Bạn có phải là một nhân viên làm việc kém hiệu quả? Câu trả lời là có nếu bạn có 1 (hoặc nhiều hơn) trong 3 thói quen dưới đây:

1. Chậm trễ

Sự chậm trễ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt khi bạn không hoàn thành dự án đúng hạn. Bạn có thể lí luận rằng mỗi nhân viên làm những nhiệm vụ riêng biệt nên chỉ mình mình chậm một vài hạn chót cũng không phải là vấn đề gì to tát. Hãy cùng xem một ví dụ: nếu nhân viên A có 4 ngày để hoàn thành phần đầu tiên của dự án, nhân viên B có khoảng 3 ngày để hoàn thành phần còn lại. Nhưng nếu nhân viên A không hoàn thành đúng thời hạn và yêu cầu thêm một vài ngày nữa để làm xong phần việc của mình. Như vậy, nhân viên B cũng phải hoãn lại một vài ngày vì chờ nhân viên A. Tiếp sau đấy là nhiều người khác nữa. Điều này gây ảnh hưởng đến nhiều người và chất lượng công việc. Và tất cả là lỗi của bạn. Do đó, bạn hãy nhanh chóng chấm dứt nếu có thói quen này.

2. Hay phàn nàn

Quả thật, hầu hết ai cũng phàn nàn. Mọi người có thể kêu ca nhiều hơn khi mọi việc không diễn ra được như ý mình. Nhưng điều đó vẫn có thể chấp nhận được trong một giới hạn nhất định. Ngược lại, nếu bạn là người thường xuyên kêu ca, bất mãn dù chỉ là một việc nhỏ nhất, sẽ không ai chấp nhận tình trạng đó. Công việc của bạn là đem lại giá trị cho công ty. Nếu bạn là người thường xuyên phàn nàn, làm việc trong tâm trạng không tốt, bạn sẽ không có thời gian và tâm trí để đem lại giá trị cho công ty. Thêm vào nữa, nếu phàn nàn quá nhiều, bạn sẽ đánh mất sự tín nhiệm của mọi người. Họ sẽ thấy thật nhàm chán và phiền toái khi phải làm việc với một người dường như chỉ biết ca thán như bạn.

3. Nhiệt tình thái quá

Đây có thể là một dạng đối lập với những người hay phàn nàn. Tuy nhiên, nó cũng không phải là một điều hay. Bạn là người luôn giúp đỡ mọi người? Là người mà mọi người trong công ty biết chắc bạn sẽ không từ chối việc họ nhờ dù biết bạn rất bận rộn và bạn nghĩ rằng mọi người sẽ thực sự đánh giá cao việc này? Câu trả lời có thể là không. Người quản lý sẽ coi bạn là người không biết sắp xếp những ưu tiên và thiết lập ranh giới. Khả năng thiết lập ranh giới, phân chia trách nhiệm công việc là thứ bạn cần phải có nếu muốn phát triển trong công ty. Nói chung giúp đỡ mọi người là việc tốt. Nhưng nếu bạn chỉ chăm chăm đi giúp đỡ mọi người, bạn sẽ không có thời gian dành cho công việc của mình. Khi có quá nhiều việc, chắc chắn bạn sẽ chậm hạn định. Và cuối cùng, kết quả là hiệu quả công việc của bạn không cao.

Vũ Vũ

Theo Techrepublic