1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

3 tháng đầu năm 2017: Hơn 3.000 lao động Nghệ An nhận bảo hiểm thất nghiệp

“Công tác phổ biến chính sách học nghề, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cần quan tâm hỗ trợ cho Nghệ An trong công tác dự báo thông tin thị trường lao động, qua đó trợ giúp tốt hơn tới lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp”.


Người lao động tìm việc tại TT DVVL Nghệ An

Người lao động tìm việc tại TT DVVL Nghệ An

Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An trao đổi với PV Dân trí về công tác triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương thời gian qua.

Hơn 3.000 lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, từ đầu năm 2017 tới nay, tỉnh đã giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 3.000 lao động. Người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn được Trung tâm dịch vụ việc làm (TT DVVL) tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề chuyển đổi nghề nghiệp.

Chỉ riêng trong tháng 3, Nghệ An đã có 1.249 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó: 866 người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng, 10 người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 97 người tạm dừng trợ cấp thất nghiệp…Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm cũng tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 1.200 lao động.

Ông Đặng Cao Thắng - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, nói về công tác thực hiện chính sách BHTN.

Trong quá trình thực hiện chính sách, Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội Nghệ An trong việc nghiệp vụ kiểm soát tình trạng việc làm tham gia BHTN của người lao động.

TT DVVL Nghệ An đã tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo việc rà soát phát hiện đối tượng lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm mới và tham gia BHXH, BHTN.

Đồng thời, TT DVVL Nghệ An còn phối hợp thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong các đơn vị nợ đóng BHXH nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

“Người lao động thất nghiệp đến Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An được hỗ trợ tư vấn về chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giới thiệu đến doanh nghiệp để phỏng vấn trực tiếp hoặc qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng. Từng người lao động đã được nhận tờ rơi hướng dẫn về chế độ chính sách việc làm và học nghề…” - ông Đặng Cao Thắng nói.

Tăng cường công tác thông tin

Nhận định về quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết: “Có một số người lao động sẵn sàng thực hiện việc tiếp cận công việc mới. Nhưng còn một số người lao động có tâm lý chờ đợi, kén chọn công việc mới. Do đó, quá trình tạo việc làm cũng còn có một số khó khăn”.

“Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, cần quan tâm ưu tiên xét chuyển, tuyển dụng vào các vị trí viên chức. Bố trí thêm nguồn kinh phí để phục vụ học tập kinh nghiệm, nâng cao chất trình độ nghiệp vụ” - ông Đặng Cao Thắng nói.

Về công tác dạy nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết nhu cầu học nghề của người lao động còn ít. Nguyên nhân bởi họ đã quen làm việc ở nơi cũ với đặc thù công việc mới. Do đó, việc học nghề mới cũng không thể triển khai nhanh và đại trà được.

Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ học nghề còn thất và chưa phù hợp với tình hình thực tế cũng là một nguyên nhân khiến việc dạy nghề cho lao động hưởng thất nghiệp chưa cao. Đây là một thực trạng chung ở nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An.

Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An kiến nghị Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cần quan tâm đầu tư hỗ trợ hơn nữa cho TT DVVL Nghệ An trong công tác dự báo, thu thập thông tin thị trường lao động để Trung tâm thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu, tìm việc làm mới.

Về việc xác định tình trạng việc làm, tham gia BHXH, BHTN của lao động, TT DVVL Nghệ An kiến nghị cần được hệ thống hóa, hòa mạng nhằm tạo điều kiện để có dữ liệu truy cập nhằm phục vụ quá trình thẩm định, xét duyệt chế độ trợ cấp thất nghiệp đảm bảo kịp thời, chính xác.

Trong đó, cơ quan bảo hiểm xã hội cần thống nhất áp dụng phương thức thanh toán qua thẻ ATM cho người lao động thất nghiệp.

Phan Minh

Tin liên quan:

TP HCM: Xu hướng tuyển dụng tăng hơn 34 %

Thống kê của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi, Sở LĐ-TB&XH), nhu cầu tuyển dụng quý I/2017 tăng 34,96% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung ở các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động.

3 tháng đầu năm 2017: Hơn 3.000 lao động Nghệ An nhận bảo hiểm thất nghiệp - 2

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Falmi, nhân sự thuộc các nhóm ngành được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều, như: Cơ khí tự động hóa, điện tử - cơ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, dệt may, giày da, kế toán - kiểm toán, kinh doanh tài sản…

Về lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng chiếm 40,74% tăng 45,01% so với cùng kỳ năm 2016, tăng gấp 3 lần so với quý IV/2016, tập trung ở các nhóm ngành như: Nhân viên bán hàng, dịch vụ du lịch - nhà hàng khách sạn. Nhu cầu tuyển dụng trình độ Trung cấp (chiếm 19,60%) giảm 29,5% so với quý IV/2016; tập trung ở các nhóm ngành dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, điện - điện lạnh - điện công nghiệp…Về nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trên đại học - đại học - cao đẳng chiếm 19,71%; nhu cầu tuyển dụng chủ yếu ở các nhóm ngành như: công nghệ thông tin…

Nhận định của Falmi, một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng là tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tính tới tháng 3/2017, thành phố có hơn 4.400 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 57.199 tỷ đồng.

L.T

Thanh Hoá: “Ngày hội tuyển dụng” với hàng trăm chỉ tiêu ngành du lịch

Theo Trung tâm dịch việc làm Thanh Hoá (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá), chương trình tuyển dụng với hàng trăm chỉ tiêu tuyển dụng thuộc lĩnh vực du lịch sẽ được tổ chức từ ngày 13 - 14 /4.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đây là những chỉ tiêu được tập đoàn FLC thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hoá tuyển dụng lao động địa phương cũng như các tỉnh lân cận. Số lượng tuyển dụng khoảng hơn 500 vị trí việc làm, như: Lễ tân, kế toán, nhân sự, bàn - bar - buồng, bảo vệ, bếp…theo chế độ làm việc lâu dài. Công ty cũng tuyển hơn 200 lao động làm hợp đồng thời vụ. Nhân viên được tuyển dụng còn được công ty hỗ trợ đào tạo các kỹ năng làm việc và nâng cao nghiệp vụ. Về mức lương và chế độ đãi ngộ, công ty sẽ trả lương theo năng lực với những ứng viên có kinh nghiệm lâu năm trong ngành du lịch. Ngoài ra, các chế độ BHXH, BHTN, BHYT đều được công ty đảm bảo. Theo đánh giá của Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hoá, đây là cơ hội việc làm hấp dẫn, giúp lao động địa phương có thể tìm việc tại quê nhà.

T.H