1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

3 hạng giảng viên dạy nghề

Chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trình độ cao đẳng trong các trường cao đẳng công lập được đề xuất gồm 3 hạng: 1- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I), mã số: V.09.01.01; 2- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II), mã số: V.09.01.02; 3- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp (hạng III), mã số: V.09.01.03.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất trên được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra tại dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp.

Theo dự thảo, một trong những tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) là giảng viên dạy lý thuyết có bằng tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; giảng viên vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH. Đồng thời, có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc tương đương trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I).

Theo dự thảo, viên chức thăng hạng lên chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) phải có thời gian công tác giữ chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) tối thiểu là 2 năm.

Đối với giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II), giảng viên dạy lý thuyết có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; giảng viên vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành có bằng tốt nghiệp đại học hoặc đại học sư phạm trở lên chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc tương đương trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II).

Viên chức thăng hạng lên chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) phải có thời gian công tác giữ chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp (hạng III) hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp (hạng III) tối thiểu là 2 năm.

Đối với giảng viên giáo dục nghề nghiệp hạng III, giảng viên dạy lý thuyết có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; giảng viên dạy thực hành có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc tương đương trở lên.

Theo Chinhphu.vn