15 bài học khởi nghiệp từ nữ CEO 25 tuổi

Theo nhà sáng lập, CEO 25 tuổi Kanika Agarwal của công ty Passion Peers, việc không ngừng theo đuổi ước mơ và đam mê sẽ giúp người trẻ nhận ra những bài học quý giá trong công việc lẫn cuộc sống.

15 bài học khởi nghiệp từ nữ CEO 25 tuổi - 1

Passion Peers là một startup chuyên tư vấn hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số, được thành lập từ năm 2015, hoạt động với 20 nhân viên dưới sự dẫn dắt của nữ CEO người Pakistan Kanika.

Dưới đây là 15 bài học khởi nghiệp được rút ra từ kinh nghiệm của nữ CEO 25 tuổi này:

1. Đừng sợ thất bại

Đam mê là động lực thúc đẩy người trẻ tiến lên phía trước nhưng cũng dễ khiến họ nản chí hoặc thoái lui nếu sớm gặp thất bại. Theo Kanika, ai cũng từng ít nhất một lần đối mặt với thất bại, do đó, bạn sẽ chẳng đơn độc nếu vấp ngã trong hành trình theo đuổi đam mê.

Đừng sợ gặp thất bại nếu muốn thành công với đam mê của mình. Hãy tự đứng dậy và bắt đầu lại từ nơi bạn đã ngã trước đó.

2. Có sự đồng cảm

Việc xây dựng đội ngũ nhân viên đã dạy Kanika một bài học quan trọng về cách để có thể đồng cảm với người khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường startup bởi mỗi một cá nhân chọn làm việc cùng bạn nghĩa là họ đã chấp nhận hy sinh cảm giác thoái mái hay cơ hội phát triển bản thân mà họ có thể có được nếu "đầu quân" cho một công ty lớn hơn.

Nữ CEO 25 tuổi Kanika Agarwal Họ ở đó với bạn vì tin vào mục tiêu chung mà bạn đã vạch ra và muốn cùng sẻ chia niềm đam mê với bạn.

3. "Nhúng tay" vào mọi việc

Trở thành CEO của công ty startup đồng nghĩa với việc bạn không thể hiểu biết một cách qua loa về kiến thức nhân sự, tài chính hay chiến lược kinh doanh. Nhiều lúc để hiểu hơn về khách hàng, bạn phải dành thời gian đọc những bài đăng, bình luận cá nhân của họ trên mạng xã hội, quan tâm đến sở thích, mong muốn của họ.

Nhà lãnh đạo đừng do dự nhảy vào những lĩnh vực khác nhau bởi không có công việc nào là to lớn hay lặt vặt. Mặc dù công việc khó khăn có thể khiến bạn đau đầu nhưng chúng cũng tạo ra nhiều "trái ngọt" và giúp hành trình lãnh đạo của bạn trở nên đáng giá.

4. Đừng tìm cách cân bằng cuộc sống và công việc

Với Kanika, cô không cần tìm cách cân bằng công việc và cuộc sống trong lúc theo đuổi đam mê, bởi vì khi đó công việc đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.

5. Thành công = được mọi người tôn trọng

"Tôi từng nghĩ thành công được xác định dựa trên số tiền kiếm được, tuy nhiên sau này tôi nhận ra đó chỉ là một cách đo lường chứ không phải bản chất thực sự", Kanika nhớ lại.

Nữ CEO này nhận định, chính sự tôn trọng từ nhân viên và khách hàng mới là phần thưởng quý giá cho quá trình nỗ lực của mình. Phải mất một chặng đường dài cô mới có được sự tôn trọng đầy khích lệ đó, nó thúc đẩy cô tiến lên phía trước và ra những quyết định đúng đắn.

6. Dành thời gian với những người chung chí hướng

Khởi nghiệp là một hành trình đơn độc nhưng tất yếu với những người chọn cách nghĩ khác và làm khác với số đông. Do đó, hãy dành thời gian với người có chung chí hướng, người thực sự tin vào những việc bạn đang làm thay vì rời bỏ bạn.

7. Cẩn trọng và kiên trì trong tuyển dụng

Ngân sách eo hẹp và hạn chế về mặt thời gian là hai yếu tố gây khó khăn cho các startup trong việc tìm kiếm nhân tài. Dù vậy, nhà lãnh đạo vẫn nên sáng suốt trong quá trình tuyển dụng thay vì "làm liều" bằng cách tuyển cho đủ người hay chấp nhận chi nhiều tiền để giữ chân người giỏi.

Bạn có thể phạm sai lầm khi tuyển nhầm người và cách sửa sai duy nhất là để những người không phù hợp đó ra đi, đừng miễn cưỡng níu kéo kẻo "xôi hỏng bỏng không" mọi thứ. Hãy kiên trì tìm kiếm, lựa chọn người phù hợp với yêu cầu của bạn và có thể hòa hợp với các nhân viên.

8. Vượt qua nỗi sợ bị thua thiệt

Khi mới thành lập Passion Peers, Kanika thừa nhận từng có rất nhiều thứ khiến cô bất an, một trong số đó là nỗi sợ bị thua thiệt. Kết quả là Kanika đã gần như luôn gật đầu đồng ý với cả những thứ thực sự không xứng đáng. Đây là một trong những bài học đắt giá mà nữ CEO trẻ tuổi nhận ra sau này.

9. Chia nhỏ mục tiêu

Trong kinh doanh, mục tiêu luôn thay đổi và sẽ chẳng bao giờ có một mục tiêu cuối cùng cho bạn. Hãy chia nhỏ các mục tiêu thành từng cột mốc nhỏ tùy theo thời điểm và cố gắng đạt được chúng theo kế hoạch đề ra.

10. Học cách kiên nhẫn

Mọi việc đều cần có thời gian. Điều kỳ diệu không thể đến với bạn chỉ sau một đêm, trừ khi đó là một vụ khủng hoảng truyền thông hay hậu quả từ sai lầm của dự án. Và tất nhiên, những công việc bình thường như xây dựng đội ngũ nhân viên, tìm kiếm khách hàng, tăng doanh thu hay tạo sức ảnh hưởng... càng đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn hơn nữa.

11. Đừng bao giờ hối hận

Khi được hỏi điều gì khiến cô hạnh phúc nhất trong cuộc sống, Kanika đã không do dự trả lời rằng, là việc được làm điều mình thích mỗi ngày và không hề hối hận về những chuyện đã qua. "Tôi luôn cố gắng tìm những thứ mới mẻ khiến tôi tò mò, từ đó giúp tôi học hỏi những điều mới", cô nói.

12. Vận động hằng ngày

Hãy tìm một hoạt động để giải phóng năng lượng cơ thể và dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho nó, Kanika khuyên. Một trong những môn thể thao yêu thích của nữ CEO 25 tuổi này là Muay Thai và cô đã mở một lớp dạy bộ môn này hồi đầu năm nay.

13. Khuyến khích tinh thần cạnh tranh

Nhiều người cho rằng cạnh tranh trong kinh doanh vốn không lành mạnh. Tuy nhiên, miễn sự cạnh tranh đó không ảnh hưởng đến đạo đức hay nhân cách của bạn thì đó là một điều tốt, "nó thúc đẩy tôi tiếp tục tiến lên và khiến bản thân trở nên tốt hơn so với trước", Kanika nhận định.

Bên cạnh đó, đừng chán nản nếu bạn thua người khác, hãy thất vọng nếu bạn thua chính mình. Cố gắng phấn đấu để bản thân ngày hôm nay tốt hơn hôm qua. Điều này cũng giống như lời dạy của huấn luyện viên Muay Thai từng nói với Kanika, "Đừng đấu như thể con muốn chiến thắng trong trận chiến, hãy đấu để chiến thắng chính mình và để bản thân trận đấu tự định đoạt kết quả".

14. Đầu tư vào bản thân

Đọc sách, du lịch, tham gia các hội nghị và làm hàng tá thứ mà bạn biết chúng sẽ giúp bạn thành công, ngay cả khi chúng khiến bạn không thoải mái.

Đồng thời, hãy kết giao với các chuyên gia để học hỏi kiến thức. Học cách lắng nghe nhân viên và khách hàng đồng thời đọc thật nhiều sách trước khi áp dụng những thứ đọc được ra thực tế.

15. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Thế giới startup luôn biến động không ngừng, do đó, đừng để bản thân cảm thấy tuyệt vọng trước những thay đổi đó. Hãy bước ra ngoài, tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người, từ đối tác, bạn bè cho đến người thân, gia đình.

"Bố mẹ tôi luôn dang rộng vòng tay mỗi khi tôi cần giúp đỡ. Họ cũng là những người giỏi nhất trong việc chia sẻ quan điểm và đưa ra nhận định chung về mọi thứ", Kanika cho hay.

Theo Doanh nhân Sài gòn/Tech in Asia