1001 chuyện “khao” ở công sở

Liên hoan, tiệc tùng từ lâu đã trở thành cái lệ của nhiều công ty lớn, bé, từ những vị chức sắc lãnh đạo đến những nhân viên kinh doanh bình thường nhất. Lý do có thể là: lễ tết, hoàn thành dự án, được thưởng, giải đen hay đơn giản là có… kiểu đầu mới.

1. Tùng có một công ty riêng chuyên sản xuất và kinh doanh đồ ăn nhanh. Dù là giám đốc nhưng anh lại quan hệ khá thân thiết và tự nhiên với nhân viên của mình. Việc kinh doanh tại công ty của Tùng đang khá phát triển.

 

Thời gian gần đây, công ty liên tiếp có được những hợp đồng lớn. Để ăn mừng cho những thành công đó, với cương vị là giám đốc, Tùng đứng ra tổ chức những bữa party cho toàn thể anh chị em trong văn phòng. Ban đầu chỉ là những bữa tiệc nho nhỏ, nhưng sau dần có “tập hai, tập ba”.

 

2. Cuối tháng vừa được lĩnh lương, nhưng lương tháng này của Tuấn và vài cậu nữa trong nhóm kinh doanh có vẻ ít hơn hẳn do cả tháng nay mới có được một hai cái hợp đồng nhỏ. Cả nhóm kháo nhau: “Tháng này đen quá, chẳng làm ăn buôn bán được gì cả. Đi giải đen thôi”.

 

Nói là làm, Tuấn và mấy cậu đồng nghiệp rời công ty là bước ngay vào quán thịt chó. Không hiểu thịt chó có giúp họ làm ăn khấm khá hơn không, nhưng trước mắt, lương đưa về cho vợ lại thiếu hụt đi vài trăm.

 

3. Huế vừa bước vào phòng, cả phòng ồ lên “Giặt áo đi!”. “Luật” bất thành văn ở phòng Huế: ai có đồ mới là phải “giặt”. Phòng Huế toàn chị em, đa phần đều có gia đình hết rồi nên thời gian tụ tập khao nhau chính là bữa trưa hoặc mua cái gì đó đến văn phòng ăn với nhau.

 

Hôm nọ, Hoài Trang cũng chỉ bấm khoảng 2 - 3 phân đuôi tóc thôi mà cũng phải khao cả phòng một bữa mỳ vằn thắn. Trang vô tư: “Tkhi vào làm ở đây, mọi người đã coi đây là nội quy trong phòng rồi. Ăn uống thì mất là mấy, tụ tập vui là chính. Một tháng mà không tụ tập nhau dăm ba lần là buồn thiu”.

 

4. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có những lý do chính đáng để tổ chức những bữa tiệc nhỏ, hay những lúc tụ tập vui vẻ. Những buổi liên hoan nhỏ đó làm cho mọi người gần nhau hơn, mà từ đó cùng nhau lao động làm việc tốt hơn.

 

Bản thân những người lãnh đạo công ty cũng hiểu được đó. Ông Xuân Nam, giám đốc công ty xuất nhập khẩu dưới Hải Phòng cho biết: “Việc tổ chức những buổi liên hoan nhỏ hay một chuyến đi du lịch sẽ gắn kết nhân viên trong cùng một doanh nghiệp lại với nhau. Nhân viên của mình có đoàn kết thì họ mới cùng chung sức lao động phát triển vì công ty. Nhưng nếu việc đó xảy ra thường xuyên, thậm chí chỉ vì những lý do không ra đâu quả thực là mất thời gian và vô cùng tốn kém”.

 

Như Huế, Hoài Trang, nếu thu nhập không cao thì có lẽ chẳng bao giờ dám diện đồ mới. Hoặc phải đợi đầu tháng lĩnh lương mới dám mặc cái quần mua từ giữa tháng trước.

 

Điệp khúc “liên hoan đi”, “đạp phá đi”, “tụ tập đi”,… đang len lỏi ngày càng sâu và tìm được một chỗ đứng vững chắc ở các doanh nghiệp, cơ quan, văn phòng. Điều này không những gây tốn kém và lãng phí về mặt tiền bạc mà còn gây mất thời gian, đôi khi cả ảnh hưởng tới công việc.

 

Cứ tưởng việc tụ tập nhau lại sẽ càng làm cho mối quan hệ đồng nghiệp khăng khít, nhưng sẽ không tránh khỏi xích mích, va chạm khi rượu vào lời ra. Và hơn nhất, việc thường xuyên tụ tập ăn khao sẽ tạo nên một hình ảnh xấu nơi công sở.

 

Theo JobVN