10 điều “lính mới” nên biết

“Lính mới” tò te vừa đến cơ quan, có quá nhiều điều bỡ ngỡ và xa lạ. Những “ma cũ” im lìm với khuôn mặt lạnh băng. Có rất nhiều điều lính mới phải nên tự hiểu, đừng chờ người khác phải nói ra.

Câu 1: “Bạn sẽ chỉ được thanh toán mức lương thấp nhất có thể”

 

Đúng là so với những “ma cũ” tràn đầy kinh nghiệm và thâm niên cống hiến, lương của người mới dĩ nhiên phải thấp hơn. Bạn nên tự biết điều đó chứ đừng tỏ ra khó chịu khi sếp đưa ra một mức lương quá thấp. Đừng bao giờ có ý định phàn nàn, bởi:

 

- Nhân viên mới có rất ít khả năng và “quyền lực” để tranh cãi về mức lương.

 

- Để có được mức lương “thấp” như thế, trước đó bạn đã mất hẳn 6 tháng hoặc 1 năm không có việc làm.

 

- Có rất nhiều người ở ngoài kia sẵn sàng nhảy vào vị trí này của bạn để có một mức lương thậm chí còn “thê thảm” hơn.

 

Câu 2: “Cứ đi làm thuê thế này chẳng bao giờ giàu đâu”

 

Bạn thử tính xem, có cả thảy bao nhiêu vị quản lí tại công sở của bạn, và số lượng người có mặt ở đó là bao nhiêu? Ở một nơi nào đó, tỉ lệ tương ứng là rất nhỏ bé, có thể dao động từ 1/40 đến 1/200.

 

Vì thế, làm thuê cho người khác là cách tất  yếu để bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, bạn nên hiểu điều này để có ý chí phấn đấu ngay từ đầu, để xác định rằng đây không phải là bến đỗ cuối cùng của bạn.

 

Câu 3: “Tham công tiếc việc không phải là tốt”

 

Lính mới thường rất chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Sếp và những người cũ thích điều đó, nên họ không bao giờ khuyên bạn làm việc ít thôi. Có điều bạn nên tự hiểu, công việc cũng giống như thực phẩm, phải điều độ thì mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Đừng ôm đồm, “ngập ngụa” trong công việc để chứng tỏ mình.

 

Bạn có thể tích lũy cho mình một số kinh nghiệm nhằm làm việc nhanh nhẹn và có hiệu quả, chẳng hạn như:

 

- Nắm bắt được những vấn đề trọng tâm trong công việc.

 

- Hãy tìm cách để hệ thống hóa công việc nhỏ để không bỏ sót và không mất thời gian vì chúng.

 

- Đừng để những “ma cũ” trút công việc lên đầu bạn. Nếu nhận thấy công việc đó không thuộc chuyên môn của mình, nên lịch sự từ chối. Tập trung làm việc để người khác không có cớ dồn việc cho bạn.

 

- Hãy biết cách tranh thủ sự giúp đỡ của mọi người và đề nghị được phân công nhiệm vụ cùng đồng nghiệp.

 

- Nếu có bất kì điều gì mà bạn không rõ hoặc không biết, bạn cần học hỏi người khác. Im lặng giấu dốt là cách nhanh nhất để tụt hậu.

 

Câu 4: “Ý của họ không phải là vậy đâu!”

 

“Họ” ở đây là những vị quản lí của bạn. Khi họ nổi giận hoặc tỏ ra phiền lòng, thì bạn không nhất thiết phải lo sợ bởi cơn thịnh nộ của các sếp. Người lãnh đạo có quá nhiều việc phải lo, vì vậy, đôi khi họ có xả giận một trút, đừng nghĩ rằng đó là họ đang bắt nạt người mới.

 

Câu 5: “Thu hút sự chú ý và nắm bắt cơ hội thăng tiến”

 

Sau một thời gian ngắn làm việc, điều quan trọng đối với bạn là phải nhận ra những ai có thể giúp bạn trên con đường thăng tiến nghề nghiệp của bạn. Hãy xác định họ là những ai và quan trọng hơn nữa là họ nhìn nhận, đánh giá bạn như thế nào?

 

Tôi không muốn khuyên rằng bạn phải tỏ ra là kẻ sống xu nịnh và luồn lách, tuy nhiên đã đến lúc bạn phải làm quen, tạo dựng mối quan hệ với những người có đủ tiếng nói và quyền lực để giúp bạn thăng tiến. Dù sao đi nữa thì bạn vẫn có thể nhận ra được hai lợi ích nhất định trong vấn đề “tế nhị” mà không ai nói ra này: 

 

1. Thu thập được những thông tin hữu ích và tự tạo nên vận may cho chính bản thân.

 

2. Nâng cao trình độ chuyên môn.

 

Nên học cách thu hút sự chú ý của nhà quản lí và nâng cao khả năng thăng tiến của mình:

 

- Hãy thực hiện phương châm “đi sớm về muộn”! Nhưng đừng đến sớm để ngồi chơi hoặc ăn sáng. Làm việc thật tâm mới là điều chúng tôi muốn nói ở đây.

 

- Hãy “bỏ túi” sẵn một vài câu hỏi để đưa ra thắc mắc với sếp mỗi khi vô tình gặp.

 

- Tìm lý do thật chính đáng để xin được tham gia một khóa đào tạo nghiệp vụ.

 

- Thu thập và tìm hiểu thêm các hoạt động của công ty bạn, kể cả những nội dung, vấn đề không hoàn toàn liên quan đến chuyên môn và trách nhiệm của bạn.

 

Câu 6: “Chọn đồng nghiệp mà chơi!”

 

Trong công sở luôn tồn tại rất nhiều loại người, tốt xấu lẫn lộn, lính mới rất khó phân định. Hãy biết lựa chọn và nhìn nhận những con người tích cực để có được thái độ đúng đắn và sự hợp tác thiện chí, đồng thời không thoả hiệp với những kẻ xấu.

 

Hãy dành thời gian tạo dựng mối quan hệ với những con người có nhiệt huyết, năng nổ làm việc, sống lạc quan và hoà nhã với mọi người. Bạn nên nhớ “Gần đèn thì rạng”, những đồng nghiệp có biểu hiện tích cực như vậy sẽ là những người hữu ích để bạn học hỏi.

 

Câu 7: “Mọi người nhìn nhận về bạn thế nào, đó là do bạn!”

 

Mọi người trong nơi bạn làm việc sẽ nhìn nhận về bạn theo đúng cách mà bạn đã thể hiện với họ hàng ngày. Nếu bạn thường đến công ty trong bộ dạng xộc xệch, họ sẽ nghĩ bạn là một kẻ cẩu thả. Nếu lời nói của bạn có vẻ mang tính “ra lệnh” và điều khiển người khác (mặc dù ý định của bạn không hề như vậy), người ta sẽ cho rằng bạn là kẻ thích sai khiến và điều khiển. Còn một nhân viên mới đến như bạn, tỏ ra luôn kĩ lưỡng, hiệu quả trong mọi công việc được giao, bạn cũng sẽ được ghi nhận xứng đáng. Và, nếu bạn có được những tố chất hứa hẹn về khả năng lãnh đạo và quản lí tốt, bạn sẽ được chú ý ngay!

 

Câu 8: “Thông tin là thế mạnh của mỗi người!”

 

Nào, các bạn trẻ! Những nhà quản lí của các bạn đã biết rõ về điều này từ rất lâu rồi! Quyền lực và sức mạnh tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, mà trong đó, thì việc nắm giữ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên của thông tin. Những công ty và cá nhân biết thu thập và khai thác thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả sẽ là những người nắm trong tay lợi thế cạnh tranh vượt trội so với đối thủ của họ. Bạn nên nhận thức rằng, cứ mỗi lần bạn tiết lộ một thông tin nào đó, xem như bạn đã “công hữu hoá” nguồn kiền thức “độc quyền” của bạn, và vì thế mà nguồn thông tin ấy đã mất đi giá trị của mình.

 

Câu 9: “Đó chỉ là một ván bài!”

 

Khi bạn gọi công việc của bạn là một ván bài, điều đó có nghĩa là bạn đã nắm bắt thông thạo được hết những tính chất chuyên môn của công việc mà bạn phải làm. Đồng thời, bạn nhận ra rằng, chẳng có gì là sai khi chúng ta có một chút lừa lọc, gian dối và đánh tráo một vài lá cờ trong những ván bài ấy cả! Nếu như có một vài lỗ hổng trong cả một hệ thống tạo cơ hội cho bạn làm trò “ảo thuật”, hãy tận dụng cơ hội ấy! Nếu như có một số cách thức nào đó để bạn có thể làm cho công việc của bạn có kết quả “có vẻ tốt” mà không phải tốn quá nhiều công sức, hãy sử dụng những cách thức ấy!

 

Câu 10: “Đừng tin vào một ai!”

 

Mỗi con người chúng ta, ai cũng có một thế giới phong phú và bí ẩn, với những sở thích riêng tư nằm sâu trong trái tim mình. Bởi vậy mà mỗi người đều nhìn nhận mọi thứ theo những phương diện khác nhau và đều vì mình nhiều nhất. Đừng hoàn toàn đặt niềm tin ở những chỗ bạn không thể kiểm chứng được độ thật của nó. Hãy cảm nhận và sàng lọc những gì từ bên ngoài thế giới ngay trước khi chúng ập đến với bạn.

 

Thời gian tới đây, mỗi lần sếp gọi bạn đến và nói với bạn những điều mà bạn cảm thấy thật quan trọng, bạn hãy tự hỏi mình là ông ấy nói cho bạn nghe vì bản thân bạn hay vì ai? Liệu bạn có thể hoàn thành thật nhanh và thật xuất sắc mọi công việc mà vẫn luôn làm hài lòng sếp hay không? Liệu có phải họ muốn bạn tập phản xạ nhanh với mọi thứ hay gây áp lực cho bạn? Bạn sẽ được lợi gì khi thực hiện công việc này? Và còn có nhiều, thật nhiều những yêu cầu và thắc mắc khác nữa trong suốt cả quá trình bạn làm việc.

 

Theo Trịnh Quang Dũng
Dịch từ Career-dynamics (Bwportal)