Kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập.

Vùng đất nổi tiếng nhất về xác ướp chính là Ai Cập. Theo các nghiên cứu của giới khảo cổ học, kỹ thuật ướp xác đã được người Ai Cập cổ đại hoàn thiện vào khoảng năm 3500 TCN. Cụ thể, trong phương pháp này, trước tiên một chiếc que sẽ được sử dụng để xuyên qua hộp sọ, đánh nhuyễn các mô não, nhằm giúp chúng chuyển sang thể lỏng và chảy hết qua lỗ mũi. Tiếp theo, các khoang rỗng trên thi thể, đặc biệt là bụng, sẽ được làm sạch bởi một hỗn hợp gồm hương liệu và rượu cọ dầu. Sau công đoạn này, xác của người chết sẽ nhanh chóng được đặt vào một hòm chứa “Natro”- hỗn hợp muối đặt biệt có thành phần chính gồm: natri cacbonat ngậm nước, natri bicacbonat, natri clorua và natri sulfat, trong suốt 40 ngày để cái xác khô lại. Kết thúc công đoạn ướp muối, các bắp thịt của xác chết sẽ bị rút hết nước, người ta tiếp tục sử dụng vải lanh để quấn nhiều lớp quanh thi thể. Ngoài ra, trong quá trình này, thầy cúng cũng sẽ đặt vào giữa các lớp vải một tấm bùa, để người chết có thể bước sang thế giới bên kia. Được biết, một lớp nhựa cây cũng sẽ được dùng để phủ phía ngoài cùng của xác ướp, nhằm tránh việc nó bị hấp hơi ẩm. Cuối cùng, xác ướp hoàn chỉnh sẽ được đặt trong quan tài và đậy kín nắp.