Game online – Đâu là vai trò quản lý của gia đình?

Không thể phủ nhận Game online (GO) chính là một động lực quan trọng thúc đẩy ngành CNTT Việt Nam phát triển “thần kỳ” trong hơn 13 năm qua.

Trong đó lĩnh vực thông tin, giải trí trên mạng bao gồm nhạc số, phim ảnh, GO, blog hay mạng xã hội là món ăn tinh thần không thể thiếu với cuộc sống hàng ngày hàng triệu nguời dân Việt Nam. GO đã và đang làm phong phú hơn đời sống giải trí cộng đồng xã hội nhưng nó lại đang bị nhiều người nhìn như tội đồ, nguồn cơn của những thói hư, tật xấu.

Tinh hoa của ngành CNTT

Khi phát triển một sản phẩm GO, nhà sản xuất đã tính đến rất nhiều yếu tố như kỹ thuật lập trình, đồ họa, âm nhạc, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… Với nhiều giá trị tích cực được tích hợp trong cùng một sản phẩm, GO trở thành hình thức giải trí hấp dẫn và hàm chứa trong đó những tinh hoa của ngành CNTT cũng như các yếu tố văn hóa, lịch sử. Khi bước chân vào trò chơi, game thủ sẽ được hóa thân thành nhiều nhân vật như một vị thần, vị vua, hiệp sĩ, phù thủy, pháp sư, nàng tiên, hoàng tử hay một chiến binh quả cảm… và thực hiện những nhiệm vụ theo một cốt truyện nào đó. Trong game họ có thể giao lưu, gặp gỡ và tương tác với những người chơi khác để gắn kết thành một cộng đồng đông đảo và gắn bó.
 
Game online – Đâu là vai trò quản lý của gia đình? - 1
Game online là tinh hoa của sự phát triển Công nghệ thông tin
 
Từ nội dung đến cách chơi, GO giúp game thủ rèn luyện độ khéo léo, sự tính toán giúp trí óc nhanh nhạy và thông minh hơn. Những trò chơi thú vị này cũng góp phần phát triển kỹ năng sử dụng máy tính, phản xạ nhanh nhạy cho người chơi. Theo một nghiên cứu từ đại học New York thì những người chơi game điều độ sẽ có thị lực tập trung và nhận thức cao hơn hẳn người bình thường. Chưa kể trong game, khi đối mặt với những con quái hùng mạnh, xấu xí, người chơi sẽ thêm khả năng vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. GO còn giúp game thủ khám phá khả năng của bản thân. Họ có thể vượt qua sự rụt rè bên ngoài để lãnh đạo cả một tổ đội, bang hội lên đến hàng trăm người. Xét ở góc độ giải trí, những trò chơi này còn giúp con người thư giãn sau những giờ học và làm việc mệt mỏi…
 
Game online – Đâu là vai trò quản lý của gia đình? - 2
Game giúp trẻ thông minh và hiếu động hơn

Một xã hội thu nhỏ

Không chỉ là một loại hình giải trí hấp dẫn, GO còn có thể khơi dậy mong muốn thể hiện bản thân của bất kỳ cá nhân nào. Đằng sau mỗi nhân vật ảo chính là một người thật với đầy đủ tính cách và cảm xúc. Từ trong game, các nhân vật ảo có thể nỗ lực để gặt hái những thành quả nào đó hay tìm kiếm sự tự tin, nhờ đó có thể giành lấy những cơ hội để thành công ngoài đời.

Cộng đồng game thủ đã lên tới hơn 10 triệu người - những người được cho là “cầm chuột, phím còn thạo hơn cầm đũa” không thiếu những tấm gương thành công từ trong game đến ngoài đời. Như trường hợp chàng sinh viên đại học FPT TP.HCM Hà Nhựt Cường cùng lúc đoạt cả hai giải thưởng: huy chương bạc giải Vovinam Học sinh – Sinh viên TP.HCM mở rộng 2010 và giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc chủ đề cho game Võ Lâm Truyền Kỳ 2010 mang tên “Võ Lâm Tuyệt Khúc”; Game thủ Bùi Xuân Long sở hữu nhân vật Excavator nổi tiếng trong game võ hiệp cũng là một doanh nhân thành đạt ngoài đời,…

Nhưng ngoài những tấm gương tích cực như Cường và anh Long cũng còn một bộ phận giới trẻ vì quá “mê” chơi game mà bỏ bê học hành, các hoạt động ngoài trời, gia đình, thầy cô, bạn bè… Gần đây, có nhiều phản ánh từ dư luận cho rằng, GO chính là “thủ phạm” gây nên những thói hư, tật xấu cho người chơi, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nhưng có vẻ như vai trò của gia đình đã bị bỏ quên trong cuộc chiến hạn chế những mặt trái của GO. Nhìn nhận một thấu đáo, nhiều chuyên gia tâm lý và xã hội cho rằng giáo dục gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình nhân cách con trẻ cũng như hướng dẫn và quản lý các em chơi game sao cho hiệu quả.
 
Game online – Đâu là vai trò quản lý của gia đình? - 3
Bố mẹ hãy luôn làm bạn cùng con

Vai trò quản lý của gia đình rất quan trọng

Trong buổi trò chuyện với nhiều bậc phụ huynh tại chương trình “Ngày Hội Yêu Thương” diễn ra vào ngày 18/9/2010 vừa qua tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh - Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc cho rằng không ai có thể quản lý con mình tốt cho bằng bố mẹ. Bố mẹ cần đặt ra những yêu cầu rõ ràng trong việc chơi game của các em và theo đó là giám sát chặt chẽ để hình thành một thói quen chơi game hợp lý. Không nên để các em chơi game quá độ thâu đêm suốt sáng, để rồi đến một lúc nào đó lại kêu lên rằng “con tôi bị nghiện game”. Mọi việc xấu tốt không phải từ game ra, mà chính là từ việc con người có thể làm chủ bản thân mình hay không. Thạc sĩ Phúc Thịnh cũng đã tư vấn cách sử dụng các phầm mềm quản lý trẻ em Salfeld Child Control như là một giải pháp hạn chế sự đam mê của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó phụ huynh cũng cần thường xuyên hướng trẻ đến các hoạt động ngoại khóa, tham gia công tác xã hội để bảo đảm sức khỏe và sự phát triển lành mạnh cả thể chất lẫn tinh thần.
 
Game online – Đâu là vai trò quản lý của gia đình? - 4
Các đề tài về game luôn được nhiều phụ huynh quan tâm

Góp ý kiến vào các giải pháp giúp trẻ chơi game hợp lý, thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: “Gia đình cần tìm hiểu về các thể loại GO để thẩm định và chọn ra cho các em những trò chơi phù hợp với lứa tuổi của mình. Một điều quan trọng nữa là cha mẹ cần hiểu tâm tư tình cảm của con cái, cho các em những mục tiêu phấn đấu vừa sức của mình, các định hướng cho tương lai và nhiều ước mơ, hoài bão trong cuộc sống. Với những điều đó, trẻ sẽ dễ dàng nhận thức rằng GO chỉ là những trò chơi giải trí sau những giờ học tập mệt mỏi. Các em sẽ có nhiều sở thích, mối quan tâm hơn và cân đối được thời gian giữa việc học tập và giải trí”.

Trong trường hợp có một đứa trẻ đến 23 giờ còn ngồi chơi game trong tiệm internet, vấn đề đặt ra là lỗi của game, của tiệm internet hay còn là lỗi của gia đình không kiểm soát em? Với đứa trẻ không được quan tâm ấy, nếu không ngồi trong tiệm internet lúc 23 giờ, thì em có lang thang ở những nơi còn nguy hiểm hơn thế nhiều lần không?

Đức Thanh