“Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình”

(Dân trí) - Khác với những cuốn tản văn thông thường, sự đắt giá của cuốn sách nằm ở chuỗi “bài tập” tâm lí nhẹ nhàng mà thấm thía dành cho những ai muốn đối thoại với trái tim và tâm hồn mình.

Từ tác phẩm “Đến lượt em tỏ tình”, “Giá quay ngược được chiều năm tháng” đến tản văn “Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình” là một hành trình trưởng thành của Dương Thùy. Đi qua những câu chuyện dành cho những trái tim độ tuổi đương xuân là những trải lòng về hành trình kiếm tìm bản thân, về nguồn cảm hứng để mỗi người hành động trong cuộc sống vô thường.

Khác với những cuốn tản văn thông thường, sự đắt giá của cuốn sách nằm ở chuỗi “bài tập” tâm lí nhẹ nhàng mà thấm thía dành cho những ai muốn đối thoại với trái tim và tâm hồn mình.

“Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình” - 1

Đọc “Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình” là bạn đang theo dõi một phần nhật kí của Dương Thùy ba năm về trước, ở thời điểm những người trẻ luôn tự vấn bản thân về hạnh phúc, về đích đến muốn theo đuổi trong cuộc đời này. Cuốn sách không quá dày, chưa đến 200 trang với 30 mục nhỏ nhưng hội tụ tất cả quan điểm sống và thông điệp đẹp qua những trích dẫn rất “đắt”.

“Để hiểu rõ mình, trước tiên chúng ta cần cho bản thân cơ hội để bộc lộ”

Giống như cây non phải phát triển từ gốc rễ, hiểu bản thân là bước đầu tiên bạn cần làm nếu muốn phát triển. Nhưng làm cách nào để hiểu mình cho đúng? Làm sao để đào sâu cái “tôi” và chăm sóc tâm hồn mình? Nếu đang cầm cuốn sách trên tay, bạn sẽ tìm ra câu trả lời hữu ích.

Tựa như một tấm gương vô hình, đôi lúc người xem sẽ ngạc nhiên vì thấy hình ảnh của mình đang phản chiếu chân thực trong trang sách. Để nhận ra điều này, ta cần can đảm và thành thật đối diện với chính mình. Bởi, “Đối diện với chính mình nhiều khi chẳng dễ như ta tưởng. Bởi lẽ ta thường mong mình vui vẻ, đẹp đẽ, thông minh, tốt bụng, mạnh mẽ, giỏi giang hơn người… Nhưng ta có thực sự như vậy không?”.

Dù bạn đang ở tuổi hai mươi đầy kiêu hãnh hay mấy chục năm về sau đi chăng nữa, câu hỏi: Tôi là ai? có thể khiến bạn mất cả cuộc đời để tìm đáp án. Muốn làm được, chúng ta cần biết đặt mình vào những tình huống cụ thể để bản tính sâu thẳm có đất để bộc lộ. Khi nhìn thấu ưu, nhược điểm của bản thân, bạn sẽ biết nên giữ lại và loại bỏ điều gì. “Không phải số phận mà tôi tin rằng chính những quyết định mới là điều làm nên mỗi con người”

Khác với những cuốn sách thông thường, sự đắt giá của cuốn tản văn còn nằm ở chuỗi câu hỏi tự vấn Dương Thùy đưa ra, giống như những “bài tập” tâm lí nhẹ nhàng mà thấm thía dành cho những ai muốn trò chuyện với trái tim và tự tạo hạnh phúc cho riêng mình.

“Nếu muốn tương lai như hình dung của chính mình thì bản thân phải cố gắng ở hiện tại, để đạt tới tương lai đó”

Ở độ “chín” của tuổi trẻ đầy sôi nổi, Dương Thùy đã đưa ra những trăn trở để vượt ra khỏi “vùng an toàn”. Tuổi trẻ phải gắn liền với hành động là thông điệp xuyên suốt từng phần cuốn sách, cũng là chất dính mỗi câu chuyện của cô. Để hiện thực ý tưởng, bạn cần bỏ lại sự an phận và sợ hãi đổi thay. “Hành động để biến ý tưởng thành sự thật, uớc mơ không gắn liền với hành động thì rất dễ chìm lẫn trong muôn vạn những mơ tưởng ”.

Không dùng những lời hô hào gân guốc, tác giả thuyết phục người đọc qua những câu chuyện gần gũi kể về những người bạn xung quanh và trải nghiệm của chính mình. Là chị bạn là người sáng lập chuỗi homestay nổi tiếng, là chị sếp giữ mãi niềm đam mê đợi đến ngày thành hiện thực hay trải nghiệm đến đất nước Bhutan thanh bình, tất cả qua lăng kính đa màu của Dương Thùy, trở nên đẹp bình dị mà đọng lại đầy cảm hứng.

Đến với cuốn sách cũng là dịp người đọc được khám phá óc quan sát và thế giới tâm hồn đa chiều của tác giả. Dương Thùy đặc biệt ý thức về trách nhiệm đối với bản thân, không đổ lỗi, cũng không áp đặt những suy nghĩ, những giấc mơ còn dang dở của mình cho thế hệ sau.

Chọn lựa một tuổi trẻ an phận hay một tuổi trẻ đầy trải nghiệm hay không là quyết định của bạn. Nhưng một khi bạn sẵn sàng dấn thân và hành động vì mơ ước, tất cả nguồn năng lượng của vũ trụ chắc chắn sẽ giúp bạn, bởi rằng, “vũ trụ luôn lắng nghe chúng ta”.

“Mỗi chúng ta là một dòng sông nhỏ trong một đại dương khổng lồ”

Đọc sách, bạn sẽ có cơ hội đặt cái “tôi” cá nhân trong một bức tranh rộng lớn gồm gia đình, cộng đồng và vũ trụ bao la. Sống giữa đời ta không chỉ có một., mà “chúng ta phản chiếu lẫn nhau trong quá trình giao tiếp, thu nhận thông tin, làm chung và ở cùng”.

Tự nhận mình là một gợn lăn tăn trong dòng chảy vạn năm triệu kiếp, Dương Thùy nhìn cuộc sống vô thường như một dòng chảy lớn. Dẫn dắt câu chuyện từ vị Thủ tướng đến từ Bhutan đến nhà phát minh trẻ Boyan Slat với những hành động lớn lao bảo vệ sự sống cho cả hành tinh, tác giả đặt ra những câu hỏi chung đáng suy ngẫm. Dù thế nào, để xây dựng một cuộc sống không lụi tàn, Trái đất luôn cần những “siêu nhân”, những hành động và cống hiến như những hạt giống đẹp lan tỏa khắp hành tinh.

Bằng cách kể giản dị đầy mạch lạc, giọng văn sâu sắc mà hài hòa, Dương Thùy đã nhẹ nhàng thổi vào từng trang sách nguồn năng lượng mà càng đọc ta càng muốn lật giở trang tiếp theo.

“Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình” là cuốn sách “gối đầu giường” bạn có mang ra đọc bất cứ khi nào cần truyền cảm hứng, hay những ngày sống chậm muốn lắng nghe chính mình. Tất cả sẽ biến thành nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy bạn hành động vì chính mình và những người xung quanh. “Miễn là bạn cho những “hạt giống” thời gian, những bông hoa cuối cùng cũng sẽ nở!”

Phương Nhung