Yên Bái: Vẫn thịt trâu tế nhưng quây kín bạt, không cho dân xem

(Dân trí) - Trước những luồng dư luận trái chiều, khi clip treo cổ trâu ở lễ hội đền Đông Công thuộc xã Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bái năm ngoái xuất hiện trên mạng, BTC lễ hội Đông Cuông đã vẫn duy trì tập tục làm thịt trâu trắng tế Mẫu nhưng quây bạt kín, không cho dân xem như trước.

Vào tối 12 tháng Giêng (tức 8/2), tỉnh Yên Bái tổ chức khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông tại Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Theo ghi nhận của nhiều khách hành hương là năm nay, BTC không công khai tập tục treo cổ trâu trắng trước cửa đền như trước mà quây bạt kín, lực lượng an ninh bảo vệ kỹ từ vòng ngoài, người dân không được chứng kiến. Nhiều người cũng cho biết, Lễ hội năm nay có sự giám sát của một số đông lực lượng công an.

Hình ảnh chú trâu trắng được chọn làm vật tế trong Lễ hội Đông Cuông năm nay. Ảnh: T.Đ
Hình ảnh chú trâu trắng được chọn làm vật tế trong Lễ hội Đông Cuông năm nay. Ảnh: T.Đ

Ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Đông Cuông khẳng định, theo chỉ đạo của Cục Văn hoá cơ sở Bộ VHTTDL và Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, năm nay BTC vẫn tiến hành thịt trâu trắng để tế Thánh Mẫu và các vị thần vì đó là vật tế không thể thiếu trong lễ hội Đông Cuông đã tồn tại từng hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, việc thịt trâu đã được quây bạt kín để tránh gây sự phản cảm cho du khách thập phương. Việc lựng lượng an ninh đứng bảo vệ cũng là để tránh sự dòm ngó của du khách hiếu kỳ.

Ông Lê Minh Đức quả quyết rằng, việc quây bạt là để tránh gây phản cảm chứ không phải quây bạt để treo cổ trâu như một số ý kiến. Ngoài ra, ông Lê Minh Đức cũng cho biết, từ năm nay trở về sau, việc giết thịt trâu trắng để làm vật tế sẽ được tiến hành bằng cách quây bạt kín như năm nay, theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Sở VHTTDL cũng như tránh những ồn ào không đáng có.

Phóng viên cũng đã liên lạc với ông Lê Xuân Định - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái để xác nhận thêm. Tuy nhiên, lúc đầu ông Định cáo đang bận việc, lúc sau phóng viên gọi lại thì máy đã không còn liên lạc được.

Theo tìm hiểu, đền Đông Cuông vốn tiền thân thờ Đông Quang công chúa (vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày ở Đông Cuông, được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi), sau này thì thờ Mẫu Đệ Nhị thượng ngàn và những vị thần vệ quốc là những người có công giúp dân chống giặc ngoại xâm giữ nước. Ngôi đền đã được Nhà nước xếp hạng Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 2009. Quần thể di tích đền Đông Cuông gồm: đền Mẫu, miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức ông.

Lễ rước tượng Mẫu Đệ Nhị thượng ngàn trong sáng 9/2 tức 12 tháng Giêng tại Đông Cuông - Yên Bái. Ảnh: T.Đ.
Lễ rước tượng Mẫu Đệ Nhị thượng ngàn trong sáng 9/2 tức 12 tháng Giêng tại Đông Cuông - Yên Bái. Ảnh: T.Đ.

Trong lễ hội Đông Cuông diễn ra hàng năm thường tập tục treo trâu trắng để tế Mẫu. Theo đó, cứ vào giờ Tý (24h) của ngày Mão đầu tiên của một năm, người dân đem đến đền Đông Cuông một con trâu trắng, tiếp đó họ dùng những sợi dây thừng dài buộc cổ trâu cột vào một cành cây to trước đền cho đến khi trâu chết hẳn mới đem làm thịt để tế Mẫu. Tập tục này theo lãnh đạo địa phương là thể hiện sự biết ơn của nhân dân các dân tộc, nhất là dân tộc Tày đối với Thánh Mẫu và các vị thần linh. Ngoài ra, nó cũng mang ý nghĩa cầu một năm mùa màng bội thu, đời sống sung túc.

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, tục treo trâu ở lễ hội Đông Cuông bắt nguồn từ tục của dòng họ Hà ở đây, là con cháu của Hà Chương, Hà Đẳng, Hà Bổng, Hà Khất là những thủ lĩnh chống giặc Nguyên Mông. Những thủ lĩnh này đã đánh tan quân Nguyên Mông. Vì thế, người ta dùng lễ hiến tế trâu để mừng chiến thắng. Trong lễ hiến trâu, tất cả người Tày đều treo trâu lên để báo cáo với Mẫu, với thần linh thổ địa rằng giặc đã bị đánh tan, quy hàng.

Hà Tùng Long