Thanh Hóa:

Xem người Mường thưởng hoa trong lễ hội Poồn Poông

(Dân trí) - Về với đồng bào Mường ở miền tây xứ Thanh vào mùa xuân không những được thưởng thức những tiếng chiêng trống, tiếng khèn rộn rã mà còn được xem những trò diễn đặc sắc trong lễ hội Poồn Poông.

Poồn Poông là một trong những nét văn hóa không thể thiếu của người Mường xưa. Lễ hội bắt nguồn từ “Sử thi đẻ đất đẻ nước” của người Mường. Poồn Pôông là lễ thưởng hoa, chơi hoa, thường được tổ chức vào mùa xuân.

Người Mường ở các huyện như Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước (Thanh Hóa) bao đời nay vẫn giữ nét truyền thống của dân tộc là mỗi độ xuân về, họ lại chuẩn bị gấp hoa, làm các đạo cụ, dựng cây bông để tổ chức trò diễn này. Qua lễ hội Poồn Pôông, người Mường mong muốn mùa màng bội thu, bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Lễ hội thường tổ chức từ tối đến sáng và kéo dài đến 2, 3 ngày. Với nét độc đáo riêng, trò diễn này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Xem người Mường thưởng hoa trong lễ hội Poồn Poông - 1
Người Mường ở Cao Ngọc, Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang chuẩn bị cho buổi lễ Pồn Poông
Người Mường ở Cao Ngọc, Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang chuẩn bị cho buổi lễ Pồn Poông

Theo quan niệm của người Mường, đây là lễ hội cầu chúc cho mối tình chung thuỷ của Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm- Bồng Hương, Út Lót- Hồ Liên, để họ có dịp về Mường vui vầy cùng dân bản. Đây là các nhân vật trong 4 truyện tình nổi tiếng của người Mường.

Chủ của buổi lễ là Ậu máy. Nhân vật Ậu máy phải là người có uy tín trong làng và phải được truyền nghề từ một Ậu máy đi trước. Ậu máy vừa là thầy cúng, vừa là người bốc thuốc chữa bệnh trong làng.

Trong lễ hội Poồn Poông cây bông là quan trọng nhất không thể thiếu
Trong lễ hội Poồn Poông cây bông là quan trọng nhất không thể thiếu

Trong lễ hội Poồn Poông không thể thiếu là cây bông- biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hoá đã ban cho con người. Trên cây bông bằng tre cao 3m treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng và các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất, những thành quả sáng tạo của con người... tượng trưng cho ấm no thịnh vượng. Tuỳ theo tài năng, thâm niên của Ậu máy mà cây bông có nhiều tầng hay ít, cao nhất là 12 tầng. Bên cạnh cây bông là bàn để rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp tết lễ như canh uôi, canh đắng.

Toàn buổi lễ Poồn Poông là quá trình cúng lễ, nhảy múa, diễn trò của những nghệ nhân gồm Ậu máy và các máy bạn (gồm năm người), các nghệ nhân đánh trống, chiêng, thào lài, diễn xướng xung quanh cây bông.

Xem người Mường thưởng hoa trong lễ hội Poồn Poông - 4
Xem người Mường thưởng hoa trong lễ hội Poồn Poông - 5
Người dân múa hát xung quanh cây bông thổ lộ nỗi lòng, khát khao cuộc sống ấm no hạnh phúc
Người dân múa hát xung quanh cây bông thổ lộ nỗi lòng, khát khao cuộc sống ấm no hạnh phúc

Những trò diễn trong lễ hội mô phỏng cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày như: cày bừa, đi cấy, sinh hoạt của người Mường thông qua vai bà “lắm” người sứ giả của vua trời dạy cho người Mường biết phát rẫy, chia đất, đào ao, thả cá, cấy lúa, đánh cá, săn thú.

Theo các cụ cao niên trong làng thì lễ hội Poồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò. Tùy từng trò diễn sẽ được cách điệu, tượng trưng hay là sử dụng các công cụ sản xuất hàng ngày. Ngoài những con giống được trang trí trên cây hoa, treo lẫn với các cành hoa được mô tả khá đầy đủ như cuốc, xẻng, dao rựa, ngựa, khỉ, lợn, gà, trâu, bò, cá…

Nét độc đáo trong lễ hội này đó là người ta còn làm cả một cái ao tượng trưng là một chậu nước, trong đó có đầy đủ các loại động vật thủy sản như: tôm, ốc, tép, cá, cua, ba ba, hến, tung tăng bơi lội.

Trò diễn Poồn Poông kết thúc trong màn múa hát giao duyên, họ hát lên bài ca hẹn ước, dặn dò rồi thổ lộ nỗi lòng. Qua các bài hát tâm tình, trao hoa, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng sau mỗi độ xuân về.

Nguyễn Thùy