1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ:

Vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”: Nốt trầm buồn trong bản nhạc văn hóa!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” giữa giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS, nhiều người yêu môn nghệ thuật thứ 7, giới luật sư, những người có chuyên môn về luật bản quyền chia sẻ: “Mọi tranh chấp giữa giới tác giả và các tổ chức đầu tư sẽ chỉ gây kìm hãm cho sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà”.

Trao đổi, đánh giá về vụ việc trên Luật sư Nguyễn Thì Quỳnh Anh, Thạc sĩ Báo chí học, Giám đốc Công ty Luật InvestPro, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Người vừa bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ đề tài liên quan đến vấn đề bản quyền đã có những nhận định thẳng thắn, khách quan với PV Dân Trí.

IMG_5394.JPG

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam.

 

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về căn cứ pháp lý trong vụ tranh chấp quyền chuyển giao chủ sở hữu, quyền tác giả kịch bản vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (CTCP TCHN) và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS (CTCP DS) (Do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là Tổng giám đốc)?

Vụ án này quả là nốt trầm buồn trong bản nhạc văn hóa, nghệ thuật hiện nay của nước ta. Mọi tranh chấp giữa giới tác giả và các tổ chức đầu tư sẽ chỉ gây kìm hãm cho sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà.

Nhà nước luôn vinh danh và bảo vệ quyền của các nghệ sỹ, tác giả. Tại Việt Nam, điều này đã được ghi nhận rõ ràng tại Luật Sở hữu trí tuệ (ban hành năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản pháp luật khác. Dư luận và xã hội luôn chung tay bảo vệ quyền lợi của các tác giả. Nhưng sẽ không thể là sự bảo vệ bất chấp luật pháp trong mọi trường hợp. Các tác giả không nên và trong nhiều trường hợp là không thể thiếu đi sự hỗ trợ của các tổ chức đầu tư, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Mối quan hệ này đã góp phần thúc đẩy, mang lại các tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao cho xã hội. Tôi cho rằng, nếu vụ án này kết thúc với mối quan hệ rạn vỡ của doanh nghiệp đầu tư và tác giả, thì người bị thiệt hại trước hết sẽ chính là khán giả, là xã hội… khi mà nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân đang ngày càng cao sẽ không còn được đáp ứng.

Tranh chấp giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (CTCP TCHN) và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS (CTCP DS) là tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm giữa một bên là tổ chức đầu tư kinh phí để sáng tạo tác phẩm và một bên là tác giả sáng tác. Trong nhiều loại hình nghệ thuật, nếu thiếu sự đầu tư vật chất hữu hiệu của nhà đầu tư thì e rằng giới tác giả khó mà đủ sức sáng tạo nghệ thuật.

Đặc biệt đối với loại hình nghệ thuật Biểu diễn thực cảnh, là một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc biệt. Trong loại hình nghệ thuật này, e rằng sẽ chẳng có cá nhân riêng lẻ nào có thể tự mình sáng tạo được mà thiếu đi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp với nguồn lực vật chất mạnh mẽ.

Trong vụ việc trên, sẽ không ai thắc mắc về quyền nhân thân của đạo diễn Việt Tú với tư cách là tác giả “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa”. Nhưng nếu đạo diễn Việt Tú đã được vinh danh tinh thần với những đứa con tinh thần đó, thì quyền công bố, sở hữu, khai thác, định đoạt tác phẩm đương nhiên phải thuộc về doanh nghiệp đã đầu tư vật chất hỗ trợ cho việc sáng tạo. Cụ thể, CTCP TCHN có quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” trong nhóm các quyền nhân thân (Khoản 3 điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ) và các Quyền Tài sản (tại Điều 20 Luật SHTT).

Tôi cho rằng trong vụ án này, đạo diễn Việt Tú không hiểu các quy định pháp luật về quyền sở hữu tác phẩm. Có thể, đạo diễn Việt Tú đã vô tình nhầm lẫn về quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các tác phẩm. Trong vụ án này, CTCP TCHN không đòi hỏi những gì thuộc về quyền nhân thân của tác giả. Họ chỉ đòi lại những gì thuộc về quyền sở hữu hợp pháp của họ đã được pháp luật ghi nhận.

Bà đánh giá thế nào về việc đạo diễn Nguyễn Việt Tú xin và được cấp chứng nhận quyền chủ sở hữu tác phẩm của “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa” cho Công ty DS của mình?

Trước hết cần nói rõ, Giấy chứng nhận quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp hoàn toàn không phải là căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm. Các quyền này mặc nhiên được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra dưới các hình thức vật chất nhất định theo quy định pháp luật.

tinh-hoa--1533222609330121488353.jpg

Người nông dân Quốc Oai thành những nghệ sĩ trên sân khấu thực cảnh.

 

Nói thẳng thắn, việc đạo diễn Nguyễn Việt Tú xin cấp chứng nhận quyền chủ sở hữu cũng như quyền tác giả của “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa” là hành động thiếu thiện chí, nếu không muốn nói là trái pháp luật. Cục Bản quyền Tác giả VHNT chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, xét duyệt và cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. Cơ quan này không thể biết được hoạt động sáng tạo thực tế cũng như việc hỗ trợ vật chất cho sự sáng tạo. Các tác giả phải tự kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về sự kê khai trong Tờ khai đăng ký quyền tác giả.

Bà đánh giá thế nào về văn bản thẩm định của Hội nghệ sĩ sân khấu gửi Tòa án nhân dân, trong đó đánh giá vở “Tinh hoa Bắc Bộ” không phải tác phẩm độc lập mà là tác phẩm phái sinh từ “Ngày xưa”?

Trước hết, tôi thấy rằng việc khởi kiện đòi quyền sở hữu giữa TCHN đối với vở “Ngày xưa” không liên quan gì đến việc tranh chấp bản quyền giữa vở “Ngày xưa” và vở “Tinh hoa Bắc Bộ”. Việc tranh chấp bản quyền giữa 2 kịch bản này nên thuộc về một vụ kiện khác.

Tôi được biết rằng tác giả vở “Tinh hoa Bắc Bộ” là đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã có đơn khởi kiện đối với đạo diễn Việt Tú vì hành vi cố tình xúc phạm danh dự của anh ta khi “vu cáo” tác phẩm của Nhật Nam là sao chép, phái sinh từ tác phẩm của Việt Tú. Chắc chắn, vụ án này sẽ rất thú vị trong giới nghệ thuật khi cả 2 bên cùng trưng ra các kịch bản chi tiết, các thiết kế cụ thể cùng các cảnh quay đầy đủ. Lúc đó, các Hội đồng giám định tư pháp hoặc giám định viên tư pháp sẽ thực hiện chức trách giám định theo đúng thủ tục trưng cầu giám định tại Luật Giám định tư pháp để có kết luận thỏa đáng.

Việc Tòa án có văn bản hỏi ý kiến Hội Nghệ sỹ Sân khấu trong vụ án của TCHN và đạo diễn Việt Tú không phải thủ tục giám định tư pháp theo luật định, do đó văn bản thẩm định của Hội Nghệ sỹ sân khấu hiện nay chỉ mang tính tham khảo cho Hội đồng xét xử mà thôi. Bên cạnh đó, việc đánh giá của Hội Nghệ sỹ sân khấu đã dựa trên video quay lại vở diễn “Tinh Hoa Bắc Bộ”, làm lộ bí mật kinh doanh, vi phạm bản quyền của vở diễn, khi mà tại sân khấu đã có biển cấm ghi chụp hình tại sân khấu là tình tiết mang tính hài hước. Hành vi tự ý lén lút quay video vở diễn “Tinh Hoa Bắc Bộ” dù đã có biển cấm chụp hình đã nói lên sự khuất tất và trái phép của hành động này. Không thể viện dẫn tính cao đẹp của mục đích để biện minh cho sự trái phép của phương pháp.

Thế nên tôi đánh giá việc thẩm định tính độc lập giữa vở “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Ngày xưa” là không có tính thực tiễn và không có nhiều ý nghĩa trong vụ án này.

Bà đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nghiệp đầu tư đối với hoạt động sáng tác của các tác giả.

Với các thông tin trên báo đài và từ nhiều tác giả nổi tiếng như NSND Trần Bình và Nhà thơ Trần Nhuận Minh, từ những năm 2007, ông Đào Hồng Tuyển – ông chủ của doanh nghiệp Tuần Châu đã từng đưa nhiều đoàn đạo diễn, (có cả Nguyễn Việt Tú) sang Trung Quốc để học hỏi, nghiên cứu loại hình nghệ thuật sân khấu thực cảnh, với mong muốn áp dụng vào Việt Nam. Đây là biểu hiện đầu tiên của vai trò quan trọng của các doanh nghiệp đối với hoạt động sáng tác.

Trong thời đại mà hoạt động sáng tạo có sự gắn bó mật thiết với công nghệ, thiết bị kỹ thuật thì nguồn lực tài chính đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sáng tạo nghệ thuật. Thấu hiểu điều này, Nhà nước Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới ghi nhận và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân trong sáng tác nghệ thuật. Trong vụ án này, việc Nhà nước thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm “Ngày xưa” là điều phù hợp.

Bà đánh giá gì về môi trường văn hóa nghệ thuật từ vụ kiện này, thưa bà?

Tôi mong rằng, vụ án sẽ có kết thúc êm đẹp giữa các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Dư luận hiện đang có nhiều làn sóng bênh vực thái quá đối với tác giả hoặc vùi dập không thương tiếc, bất chấp quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này là không phù hợp trong môi trường sáng tạo văn hóa nghệ thuật.

Tôi mong các nghệ sỹ và các doanh nghiệp đầu tư có thể nhìn rõ hơn về quyền và lợi ích của mỗi bên trong việc hợp tác. Mỗi bên đều có vai trò của mình trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Bất cứ quan điểm nào coi nhẹ, hạ thấp vai trò của tác giả hay nhà đầu tư đều là sai lầm. Mỗi chúng ta cũng đều cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện để cùng tạo dư luận chung đúng đắn.

Hãy cùng nắm chặt tay nhau vì sự phát triển của một môi trường văn hóa nghệ thuật Việt Nam!

Trân trọng cảm ơn bà đã có những chia sẻ thẳng thắn, khách quan về vụ việc trên!

Song An