Kon Tum:

Vinh danh 43 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Liên hoan văn nghệ dân gian Tây Nguyên gắn liền với Tuần văn hóa - du lịch tỉnh Kon Tum (18/3-23/3), diễn ra lễ vinh danh “nghệ nhân ưu tú” do Chủ tịch nước trao tặng đến các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Các nghệ nhân Tây Nguyên trình diễn cồng chiêng tại lễ hội đường phố trong Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên
Các nghệ nhân Tây Nguyên trình diễn cồng chiêng tại lễ hội đường phố trong Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên

Theo đó, toàn tỉnh Kon Tum có 43 nghệ nhân được vinh danh. Đồng thời, còn có 4 nghệ nhân ở Gia Lai và Đắc Nông đang dự Liên hoan cũng đón nhận danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”. Thứ trưởng Bộ VH - TT & DL Đặng Thị Bích Liên đã trao tặng danh hiệu của Nhà nước phong tặng đến các nghệ nhân.

Dịp này, Bộ VH - TT & DL cũng trao tặng bằng khen đến 5 tập thể và 8 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Nói về các nghệ nhân - những người được xem như linh hồn của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh nói riêng và kho tàng di sản nghệ thuật dân gian ở vùng đất huyền thoại này nói chung, bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Kon Tum ghi nhận: “Các nghệ nhân dân gian đang nắm giữ nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng là những “báu vật sống", sẽ là người trao truyền nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng theo nghệ thuật dân gian đã được bảo lưu trong trí nhớ của các nghệ nhân. Các nghệ nhân đã và đang là nhân tố đóng góp tích cực đối với công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng”.

Được biết, trong đợt xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất vào năm 2015, đã có 52 người thực hành cồng chiêng tại 5 tỉnh Tây Nguyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, vì là đợt đầu tiên triển khai Nghị định cho nên một số địa phương còn lúng túng. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn nhưng việc áp dụng còn chậm. Mặc dù vậy, trong thực tế đã sớm xuất hiện mô hình chung tay giúp đỡ nghệ nhân cồng chiêng, sử thi với sự tham gia hỗ trợ, đóng góp của những cá nhân, tổ chức quan tâm tới di sản.

Khánh Hiền