Vì sao Triều Tiên đặc biệt quan tâm đến điện ảnh?

(Dân trí) - Còn rất nhiều điều ít biết về nền điện ảnh của Triều Tiên, ví dụ như tình dục là yếu tố cấm kỵ và nụ hôn là điều xa xỉ trên màn ảnh của họ...

Các Chủ tịch Triều Tiên đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật

Tầm ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo Triều Tiên đối với nền điện ảnh nước này vô cùng to lớn. Những nhà làm phim ở đây thậm chí đã thống kê lại chi tiết những con số ấn tượng như sau: Chủ tịch Kim Il-sung từng tới thăm xưởng phim 24 lần và đưa ra 640 chỉ đạo. Chủ tịch Kim Jong-il tới thăm xưởng phim 600 lần và đưa ra 2.400 hướng dẫn…

Điện ảnh Triều Tiên được cho là phát triển mạnh nhất hồi thập niên 1970-1980, dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, bởi ông đặc biệt quan tâm phát triển điện ảnh.

Bộ phim điện ảnh đầu tiên được sản xuất ở Triều Tiên là “Làng quê tôi” (1949). Về sau, đích thân Chủ tịch Kim Jong-il còn tham gia sản xuất hai bộ phim mà giờ đây được coi là kinh điển đối với điện ảnh nước này, gồm “Huyết hải” (1968) và “Cô gái bán hoa” (1972) đều xoay quanh ý chí kiên cường của người dân Triều Tiên. Ý tưởng kịch bản là của Chủ tịch Kim Il-sung.

25-05f40

Cố Chủ tịch Kim Jong Il đích thân tới thăm một đoàn làm phim.

Nhân vật phản diện trong phim Triều Tiên thường mang quốc tịch… Mỹ

Người xem điện ảnh không còn xa lạ gì với cách khắc họa Triều Tiên trong phim Mỹ. Tuy vậy, điện ảnh Triều Tiên cũng có cách “đáp trả” của họ. Tuy phim Triều Tiên không được đông đảo người xem điện ảnh thế giới biết tới, nhưng nếu được xem, người ta sẽ nhận thấy rằng nhân vật phản diện trong phim Triều Tiên luôn là… người Mỹ.

26-e14d3

Khi một phim cần có diễn viên nước ngoài để vào những vai phản diện, các đạo diễn Triều Tiên sẽ mời ngay những người phương Tây đang sinh sống, làm việc tại Triều Tiên. Tuy số lượng này không nhiều nhưng vẫn có, đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà làm phim.

Đối với người dân Triều Tiên, điện ảnh cũng là một sứ mệnh cách mạng, bất kỳ ai được huy động đi đóng phim đều không bao giờ từ chối.

Phim sẽ tự tìm đến với người xem

Điện ảnh là một phương thức giải trí rất phổ biến ở Triều Tiên vào mỗi buổi tối trong tuần và những ngày cuối tuần. Không có gì lạ nếu người dân nơi đây ai ai cũng nói điện ảnh là thú vui của họ trong cuộc sống.

27-f0fa9

Người Triều Tiên rất yêu điện ảnh. Mỗi quận ở thủ đô Bình Nhưỡng đều có rạp chiếu phim, trên khắp đất nước, nơi đâu cũng có rạp chiếu. Ở các vùng nông thôn, rạp chiếu có thể được đặt trong nhà máy, nông trại hoặc doanh trại quân đội. Đối với người Triều Tiên, các rạp chiếu phim là điểm đến thích hợp cho những buổi gặp gỡ, hẹn hò.

Sứ mệnh cách mạng của điện ảnh Triều Tiên

Ở Triều Tiên, những diễn viên, đạo diễn chuyên nghiệp đều bước ra từ Học viện Điện ảnh và Kịch nghệ Bình Nhưỡng. Điện ảnh Triều Tiên cũng có nhiều thể loại phim như chính luận, lãng mạn, hài kịch, hành động…, nhưng tất cả đều phục vụ một thông điệp lớn lao, chung nhất, đó là ngợi ca quê hương, đất nước, dân tộc, và các nhà lãnh đạo.

Một chi tiết thú vị trong phim Triều Tiên là dù mối quan hệ với người anh em láng giềng Hàn Quốc không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt” nhưng trong phim Triều Tiên, người Hàn Quốc không bao giờ là nhân vật phản diện.

Nếu có người Hàn Quốc xuất hiện trong phim, họ thường được khắc họa là những nhân vật có hiểu biết, có văn hóa, để rồi đến cuối phim sẽ đứng về phía những người anh em Triều Tiên.

28-67b31

Cổng vào một phim trường lớn tại Triều Tiên. Trên cổng có treo ảnh cố Chủ tịch Kim Il-sung.

Các nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn được khắc họa theo cách ẩn dụ

Dù rất nhiều phim Triều Tiên tôn vinh, ca ngợi các vị Chủ tịch, nhưng người xem sẽ không bao giờ thấy các vị này xuất hiện trong phim. Các vị Chủ tịch Triều Tiên luôn được khắc họa một cách gián tiếp thông qua các tình huống.

Ví dụ: Một quan chức nhà nước nhận được cuộc gọi trực tiếp từ Chủ tịch, trong cuộc gọi, những chỉ thị sáng suốt giúp giải quyết vấn đề khó khăn sẽ được truyền xuống cấp thực thi.

Trước khi nhận cuộc gọi quan trọng, tập thể các quan chức sẽ chỉnh đốn trang phục, sắp thành hàng ngũ, người được đón nhận điện thoại sẽ đỡ lấy ống nghe một cách kính cẩn, nghiêm trang.

29-27637

Trong phim Triều Tiên, khi nhận được vinh dự đến gần hoặc có những sự tiếp xúc dù là trực tiếp hay gián tiếp với Chủ tịch, các nhân vật thường bật khóc vì xúc động, chi tiết này hoàn toàn có thực ở Triều Tiên.

Báo chí thế giới đã từng có được những bức ảnh ghi lại cảnh những quân nhân, những người dân thường khi lần đầu được đứng cạnh lãnh tụ của họ, đều không khỏi xúc động đến rơi nước mắt.

Quân đội cũng được huy động đóng phim

Những bộ phim mang chủ đề vệ quốc là một nội dung lớn của điện ảnh Triều Tiên. Để làm phim vệ quốc, thường cần nhiều diễn viên vào vai người lính. Ở Triều Tiên, quân đội có thể được huy động để phục vụ môn nghệ thuật thứ 7. Thực tế, ngay trong quân đội cũng có bộ phận chuyên làm phim về đề tài chiến tranh - vệ quốc.

Đối với những phim cần huy động binh lính, đạo diễn chỉ cần đề xuất, rất nhanh chóng, họ sẽ có được số binh lính cần có để xuất hiện trong phim, hoàn toàn miễn phí. Đó là chưa kể những quân trang, quân dụng nếu đoàn phim muốn mượn, doanh trại cũng sẵn sàng cung cấp.

30-bf5cb

Những người lính trẻ trong quân đội Triều Tiên tham gia đóng phim trên phim trường. Họ đang cười đùa trong giờ nghỉ giải lao.

Phụ nữ trong phim Triều Tiên rất anh hùng, quả cảm

Một điều thú vị trong phim Triều Tiên, đó là phụ nữ anh dũng, quả cảm… hơn nam giới. Có thể thấy trong phim của họ những phụ nữ xuất chúng ở nhiều lĩnh vực, như nữ quân nhân, nữ điệp viên, nữ vận động viên, nữ cảnh sát, nữ công nhân… Tất cả họ đều được khắc họa là những con người kiên cường, dũng cảm, xứng đáng là hình mẫu để người dân Triều Tiên noi theo.

31-8105d

Nếu trong phim Hollywood, người ta chỉ thấy những “siêu anh hùng” là nam; thì ở Triều Tiên, phim về các nữ anh hùng không thiếu.

Phim nước ngoài vào Triều Tiên, phim Triều Tiên ra thế giới

Những bộ phim nước ngoài được chiếu ở rạp Triều Tiên chủ yếu là phim của Trung Quốc và Nga. Sự kiện đáng kể nhất trong điện ảnh Triều Tiên là Liên hoan phim Quốc tế bình Nhưỡng lần đầu được tổ chức vào năm 1989, từ đó, diễn ra định kỳ 2 năm 1 lần. Mỗi kỳ liên hoan diễn ra trong 10 ngày.

Những phim nước ngoài được chiếu tại Triều Tiên khá hạn chế. Tuy chưa có phim Hollywood nào được chiếu tại Triều Tiên nhưng điều đó không có nghĩa nhà chức trách không quan tâm tới tình hình điện ảnh thế giới.

32-0ab22

Năm 2014, khi bộ phim hài “The Interview” (Cuộc phỏng vấn) xoay quanh hành trình của hai nhà báo “trá hình” thực hiện nhiệm vụ ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên chuẩn bị ra rạp, ngay lập tức nhà cầm quyền Triều Tiên đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ.

Nhờ đó mà dù là một phim hài nhảm, không được giới phê bình khen ngợi, về sau còn bị lỗ nặng về doanh thu, nhưng “The Interview” đã liên tục được báo chí thế giới nhắc đến suốt một thời gian.

Việc hãng phim Sony - đơn vị sản xuất “The Interview” - bị “hacker” tấn công vào đúng thời điểm chuẩn bị đưa phim ra rạp đã khiến hãng này điêu đứng vì vô số hệ lụy. Cuối cùng, “The Interview” chỉ được chiếu rất hạn chế và nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Phía Triều Tiên khẳng định họ không đứng sau vụ tấn công mạng vào Sony, nhưng tất cả các hãng phim Hollywood từ giờ sẽ phải nhìn vào trường hợp của Sony khi muốn làm phim về Triều Tiên.

34-4e500

Năm 2012, bộ phim điện ảnh “Đồng chí Kim bay lên” là bộ phim đầu tiên có sự hợp tác giữa Triều Tiên với các nhà làm phim nước ngoài, đến từ Anh và Bỉ. Phim kể về cô gái Kim Yong-mi, một nữ thợ mỏ trẻ trung, xinh đẹp, ước mơ trở thành nghệ sĩ xiếc nhào lộn. Vượt qua mọi khó khăn, đồng chí Kim đã thực hiện được ước mơ.

Ở Triều Tiên, “Đồng chí Kim bay lên” đã từng “công phá” các phòng vé. Đây cũng là bộ phim Triều Tiên đầu tiên được công chiếu tại Mỹ, ở Liên hoan phim Trung tâm Truyền thông Mỹ Á và Liên hoan phim Quốc tế Miami. Ngoài ra, phim còn được chiếu ở Liên hoan phim Quốc tế Toronto (Canada) và Liên hoan phim Quốc tế Pusan (Hàn Quốc).

Người Triều Tiên xem phim là để học tập và tiến bộ

Điện ảnh Triều Tiên hướng mục tiêu cao nhất vào việc giáo dục lớp lớp thế hệ người dân Triều Tiên có được những tình cảm cao đẹp dành cho quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu lao động, tinh thần cống hiến, dựng xây nước nhà…

Trong phim Triều Tiên, tình dục là yếu tố cấm kỵ, nụ hôn là điều xa xỉ. Ở đây, điện ảnh không phải chỉ để giải trí, mà còn phục vụ sứ mệnh giúp người xem liên tục học tập và tiến bộ.

33-77084

Bên cạnh những phim chính luận, cũng có những phim tình cảm lãng mạn, tâm lý xã hội. Chẳng hạn như “Trên tấm thảm xanh” (2001) - một phim tình cảm lãng mạn, xoay quanh mối tình nên thơ của hai huấn luyện viên thể dục thể thao, cảm mến nhau trong quá trình hướng dẫn các vận động viên nhí chuẩn bị cho chương trình đồng diễn thể dục Arirang.

Về đề tài tâm lý xã hội có thể kể tới “Nhật ký nữ sinh” (2006) xoay quanh cuộc sống của một cô nữ sinh trung học, luôn cảm thấy không vui khi cha cô - một nhà khoa học - đã dành phần lớn thời gian cho công việc và xao lãng việc quan tâm tới gia đình, con cái.

Bích Ngọc
Tổng hợp

vanhoa-4fc8b