Về thăm vùng đất tổ nghề may Việt Nam

(Dân trí) - Tháng Giêng, Trạch Xá tưng bừng tổ chức Lễ hội truyền thống 3 năm một lần, nơi đây được biết đến là vùng đất có nghề may nức tiếng cả nước. Những thợ may giỏi từ nơi đây tỏa đi khắp muôn phương đều nhớ như in kĩ thuật đặc trưng “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”.

Người Trạch Xá đi làm thợ may khắp muôn phương

Những vần thơ được trưng bày tại Đền thờ bà Nguyễn Thị Sen - Tổ nghề may.
Những vần thơ được trưng bày tại Đền thờ bà Nguyễn Thị Sen - Tổ nghề may.

PV Dân trí về làng Trạch Xá (Xã Hoài Lâm, huyện Ứng Hoà (Hà Tây cũ) nay thuộc TP Hà Nội) vào ngày 14 âm lịch tháng Giêng này, đúng vào chính hội truyền thống 3 năm một lần của làng. Ngôi làng này cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km.

Con cháu Trạch Xá và khách thập phương khắp nơi đổ về nơi đây để tham dự lễ hội của ngôi làng được coi là vùng đất tổ nghề may Việt Nam. Năm nay lễ hội làng truyền thống của Trạch Xá càng vui hơn khi Đền thờ Tổ nghề may (bà Nguyễn Thị Sen) mới được phục dựng thành công.

Hình ảnh tại Lễ hội truyền thống làng Trạch Xá.
Hình ảnh tại Lễ hội truyền thống làng Trạch Xá.

Truyền thuyết và lịch sử đều ghi nhận bà Nguyễn Thị Sen là Đức Thánh Tổ nghề may Việt Nam. Ngày 12 tháng chạp cũng là ngày mất của bà được lấy làm ngày giỗ tổ nghề nghề may Việt Nam và ngày 4 tháng Giêng là ngày khai kim, khai kéo, để các con cháu đi làm ăn ở nơi xa.

Mặc chiếc áo cập truyền thống, cụ Lê Xuân Hinh (75 tuổi) vui mừng, phấn khởi trong ngày vui của làng. Cụ cho biết, hiện nay ở Trạch Xá còn 70% số gia đình theo nghề may, số thanh niên theo nghề cũng rất nhiều. Bản thân gia đình cụ Hinh cũng có nhiều đời theo nghề may.

Cụ Lê Xuân Hinh thắp nhang tại Đền thờ bà Nguyễn Thị Sen trong ngày Lễ hội của làng.
Cụ Lê Xuân Hinh thắp nhang tại Đền thờ bà Nguyễn Thị Sen trong ngày Lễ hội của làng.

“Thời các cụ tôi sang Từ Sơn, Bắc Ninh mở hiệu may, ngày nay con cháu tôi lên Hà Giang mở cửa hàng trên đó. Trước đây thời các cụ tổ thì chủ yếu may áo vua, áo quan, áo tứ thân,... ngày nay bên cạnh các sản phẩm áo cổ truyền cho các cụ cao niên thì chúng tôi cũng đáp ứng mẫu mã thời trang phù hợp thị hiếu người tiêu dùng”, cụ Hinh nói.

Một bậc cao niên khác là cụ Lê Hữu Vĩnh (84 tuổi) đã có thâm niên 74 năm theo nghề may cho biết, cụ theo nghề từ năm 13 tuổi. Gia đình hiện có tiệm may áo dài nổi tiếng ở phố Cầu Gỗ (Hà Nội). Cụ mới chỉ nghỉ làm nghề 7 năm nay khi thị lực giảm.

“Tôi may mắn có nhiều thời điểm mỗi ngày có tới 180 khách đến đo áo dài, đứng phù chân theo đúng nghĩa đen, ngủ một giấc, sáng hôm sau lại đứng cắt may bình thường. Đến nay, tôi đã truyền nghề cho 15 cháu”, cụ Vĩnh khẳng định.

Người Trạch Xá đi các tỉnh làm nghề may và thành danh rất nhiều. Ông Tạ Duy Mạnh, làng Trạch Xá vừa dẫn PV đi tham quan khu Đền thờ vừa thông tin, đã là người dân làng, dù có làm nghề hay không ai cũng thuộc nằm lòng kĩ thuật “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không được nhìn thấy. Các chất liệu vải may áo dài ở Trạch Xá chủ yếu dùng là lụa Hà Đông, gấm,...

Thanh niên làng Trạch Xá luôn giữ nghiệp tổ tiên

Phương Ly (áo dài trắng) cùng các bạn về làng trong ngày Lễ hội.
Phương Ly (áo dài trắng) cùng các bạn về làng trong ngày Lễ hội.

Cô gái trẻ Phương Ly (18 tuổi, quê ở làng Trạch Xá, hiện gia đình mở cửa hàng ở phố Quốc Tử Giám, Hà Nội) đang theo nghề may áo dài cho biết: “Tôi theo học may áo dài từ năm 17 tuổi, đến nay đã có thể tự tay hoàn thiện được một chiếc dài. Nghề may áo dài cần nhất là sự kiên trì. Những bạn trẻ bằng tuổi tôi ở Trạch Xá, cả con trai lẫn con gái theo nghề nhiều lắm”.

Theo Phương Ly, nếu như 2015, khách hàng chuộng áo dài trơn hai lớp thì sang năm 2016, những mẫu áo dài kỉ hiếu, cách tân vải gấm, ngắn tà được ưa chuộng đặc biệt trong dịp Tết. Và thay bằng đính khuy, bây giờ áo dài sử dụng khóa kéo nhiều nhưng tà áo vẫn khâu tay để giữ được sự mềm mại.

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới

Ông Nghiêm Văn Đạt - Chủ tịch HTX Làng nghề May áo dài truyền thống Trạch Xá cho biết, ở làng số đàn ông theo nghề may nhiều hơn phụ nữ do truyền thống từ xa xưa người phụ nữ chỉ được phụ việc cho nam giới, đến thay khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ đã được bình đẳng làm nghề như nam giới.
Ông Nghiêm Văn Đạt - Chủ tịch HTX Làng nghề May áo dài truyền thống Trạch Xá cho biết, ở làng số đàn ông theo nghề may nhiều hơn phụ nữ do truyền thống từ xa xưa người phụ nữ chỉ được phụ việc cho nam giới, đến thay khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ đã được bình đẳng làm nghề như nam giới.

Tại Trạch Xá, người dân cũng chịu khó tìm tòi để phát triển thêm các dòng sản phẩm may thủ công khác ngoài áo dài.

Ông Nghiêm Văn Đạt - Chủ tịch HTX Làng nghề May áo dài truyền thống Trạch Xá cho biết, gia đình ông không chỉ may đo áo dài, áo bông, áo kép mà còn làm khăn, chăn, ga, gối,... để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số nước châu Á. Để đủ điều kiện xuất hàng vào thị trường châu Âu khó tính, gia đình ông phải tuân thủ nghiêm ngặt về mặt chất liệu và kỹ thuật. Toàn bộ hàng phải làm bằng chất liệu thuần Việt với các họa tiết và kỹ thuật thủ công là chủ yếu.

Chăn thêu họa tiết họa sen - một trong những mặt hàng xuất khẩu được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng.
Chăn thêu họa tiết họa sen - một trong những mặt hàng xuất khẩu được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng.

“Thời chưa có máy ảnh, chúng tôi phải làm tay bo, đối tác xem mẫu, yêu cầu mình làm thực tế, kiểm tra, hoặc gửi hàng mẫu rồi mới đặt hàng”, ông Đạt kể về những ngày đầu chập chững đưa sản phẩm thương hiệu Trạch Xá ra thế giới.

Năm 2011, Trạch Xá thành lập Hợp tác xã làng nghề. Hiện, Trạch Xá đang hướng tới phát triển làng nghề thành một tour tuyến du lịch nối từ Vạn Phúc về Trạch Xá rồi đến chùa Hương. Bước đầu trong việc xây dựng thương hiệu, năm qua làng đã xây dựng được logo và từng bước cố gắng huy động kinh phí xây dựng nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề.

Theo thần tích, bà Nguyễn Thi Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng được Quý Minh Đại Vương là thần tướng dưới thời Hùng Vương lập lên). Gia đình bà có nghề tầm tang canh cửi. Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã lãnh đạo quan đội , dẹp tam 12 sứ quan là lên làm vua, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử đất nước cần nhiều người hiền tài, tướng giỏi, vùng đất Sơn Tây nổi tiếng có nhiều người giỏi, Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt và bà Nguyễn Thị Sen đã trở thành thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng. Trở về kinh đô Hoa Lư, bà được vua phong là Tứ Phi (năm 969).

Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã làm nên các mẫu quần áo của hoàng tôn, quốc thích, hoàng đế, cung phi,... Bà dạy các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.

Năm 979, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã hoàng cung về Trạch Xá sau khi Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễu bị sát hại. Bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng.

Phương Nhung