Về Bến Tre, xem học sinh biểu diễn hát sắc bùa

(Dân trí) - Hát sắc bùa là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người dân xã Phú Lễ (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Sau thời gian mai một, đội hát sắc bùa tại địa phương được khôi phục. Trong đó, nhiều em học sinh được các nghệ nhân truyền dạy hát sắc bùa để giữ gìn nghệ thuật truyền thống của cha, ông.

Theo tài liệu, vào khoảng thê kỷ 18, có một người từ miền Trung vào đất Phú Lễ lấy vợ, ở rể nên mang theo hát sắc bùa vào đây. Đến năm 1985, hát sắc bùa gần như bị mai một do xuất hiện nhiều loại hình giải trí hiện đại. Năm 2000 hát sắc bùa được các nghệ nhân khôi phục lại. Hiện tại, ở xã Phú Lễ có 1 đội hát sắc bùa của người lớn và 3 đội hát sắc bùa của các em học sinh trường THCS Phú Lễ. Mỗi dịp lễ, tết đội hát sắc bùa được mời đi biểu diễn khắp nơi. Mới đây, nghệ thuật hát sắc bùa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên hy vọng trong thời gian tới các thế hệ tiếp theo sẽ bảo tồn, phát huy nghệ thuật độc đáo của cha ông.

Nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ

Năm 2014, trường THCS phú Lễ thành lập 1 đội hát sắc bùa với 6 em học sinh tham gia. Đến nay, đã tăng lên 3 đội với 21 em học sinh. Trung bình mỗi đội từ 6 đến 8 em học sinh cùng tập, hát những bài hát sắc bùa. Thầy Huỳnh Kim Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lễ cho biết: “Đội hát sắc bùa đang được nhà trường duy trì, tập cho các em vào dịp nghỉ hè. Khi địa phương có nhu cầu vào dịp cúng đình, lễ hội… các em đều tham gia. Hiện tại, nhà trường đang tuyển chọn mỗi lớp từ 5 đến 6 em có năng khiếu để tham gia vào đội để khi lứa học sinh ra trường sẽ có thế hệ trẻ kế cận biết, tham gia biểu diễn hát sắc bùa”.

Học sinh trường THCS Phú Lễ biểu diễn hát sắc bùa
Học sinh trường THCS Phú Lễ biểu diễn hát sắc bùa

Em Hồ Phú Vinh, học sinh lớp 7/2, Trường THCS Phú Lễ cho biết: “Hát sắc bùa là loại hình nghệ thuật truyền thống của cha, ông từ rất lâu đời. Là thế hệ con, cháu đang sinh sống ở xã Phú Lễ nên em muốn học thành thạo hát sắc bùa để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cha, ông để lại”. Còn em Đào Thị Cẩm Tiên, học sinh lớp 7/2 cũng rất vui khi học thuộc nhiều bài hát sắc bùa. Em Tiên tâm sự: “Ban đầu em cũng không cũng không biết gì về hát sắc bùa, khi được tuyển vô đội em hát được nhiều bài nghi lễ, giúp vui, lý nên em rất thích. Em thấy học hát sắc bùa rất bổ ích, nhiều ý nghĩa”.

Thấy trò trường THCS Phú Lễ học hát sắc bùa
Thấy trò trường THCS Phú Lễ học hát sắc bùa

Ông Lư Văn Hội, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Bến Tre cho biết: Hát sắc bùa có 2 phần là phần mang tính nghi lễ và phần giúp vui. Phần nghi lễ gồm trấn bùa, dùng lời cá tiếng hát và tấm bùa để trấn tà ma; hát giúp vui là chúc tụng nhau mang tính văn nghệ. Một đội hát sắc bùa ít nhất 4 nghệ nhân, nhiều nhất 12 người dưới sự điều khiển của một ông bầu. Mỗi nghệ nhân vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Nhạc cụ của đội gồm: Một đàn cò, một trống cơm và sanh tiền, sanh cái cho các nghệ nhân còn lại. Trong hát sắc bùa, người hát chính gọi là “Cái kể” cũng là đội trưởng mang trống cơm, những người còn lại hát hòa theo gọi là “Con xô”.

Học sinh trường THCS Phú Lễ biểu diễn hát sắc bùa

Nhằm khôi phục nghệ thuật hát sắc bùa, ngành văn hóa tỉnh Bến Tre đang thành lập các đội hát sắc bùa gồm nhiều nghệ nhân ở huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm. Đặc biệt, các nghệ nhân đang tích cực truyền dạy cho những em học sinh ở địa phương để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ.

Minh Giang