Vụ đấu giá báu vật cổ triều Nguyễn tại Pháp:

Vận động đóng góp đưa “báu vật” chiếc xe kéo vua Thành Thái về nước

(Dân trí) - Ngày 28/6, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết đang nỗ lực vận động tiếp tục các cá nhân và tổ chức ở trong, ngoài nước nhằm đưa chiếc xe kéo của vua Thành Thái tặng mẹ về nước.

Theo đó, ông Hải cho hay, sau thời gian thương lượng với Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris, Pháp), bảo tàng này đã đồng ý không dùng “quyền ưu tiên mua” do Pháp ban hành để tranh mua chiếc xe kéo có giá trị đặc biệt này.

Dự tính, sau khi đưa được xe kéo “báu vật” này về Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế dự định sẽ trưng bày chiếc xe tại nhà Tả Trà (thuộc cung Diên Thọ, Đại Nội Huế). Nơi đây xưa kia từng là nơi các hoàng thái hậu triều Nguyễn từng ăn ở, sinh hoạt - có ý nghĩa về mặt trưng bày hiện vật.

Vận động đóng góp đưa “báu vật” chiếc xe kéo vua Thành Thái về nước

Chiếc xe kéo - báu vật độc bản triều Nguyễn cuối cùng được phía Huế mua nhưng đang thiếu một phần kinh phí

Tuy nhiên, vấn đề kinh phí lớn vẫn đang là một trở ngại và Trung tâm này vẫn đang tiếp tục vận động các cá nhân, tổ chức nhằm đưa xe về. Ông Hải cho biết, hiện số tiền mà phía địa phương có để mua xe chừng 46.000 euro (gồm 33.000 euro do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế duyệt mua đấu giá, 10.000 euro do các Việt kiều tại Pháp đóng góp và 3.000 Euro do ông Hải vận động được tại Huế).

Nhưng giá trúng lên đến 55.800 euro, chưa kể thêm khoản tiền vận chuyển từ TP Tours (Pháp) về Huế. Do đó, phía địa phương còn thiếu khoảng hơn 10.000 euro nữa mới đủ tiền để xe kéo về Việt Nam.

Như Dân trí đã đưa tin, chiếc xe kéo là 1 trong 2 cổ vật độc bản (cùng với chiếc long sàng đã bị 1 người Pháp đấu trúng với giá rất cao mà phía Huế mua không được là 100.000 euro, chưa kể 24% lệ phí đấu giá) rất có giá trị. Sau khi được người đại diện của tỉnh Thừa Thiên - Huế mua thành công, nhưng đã bị một thời gian “thót tim” khi Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet đề xuất mua theo giá của tỉnh theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” của nước sở tại. Sau đó phía Pháp đã nhường lại, không tranh mua chiếc xe kéo nữa.

Chiếc long sàng của vua Thành Thái và xe kéo của vua tặng mẹ

Chiếc long sàng của vua Thành Thái và xe kéo của vua tặng mẹ. May mắn, 1 trong 2 cổ vật này đang thuộc về phía Việt Nam

Theo hồ sơ đấu giá, đây là chiếc xe kéo do vua Thành Thái (1 trong 13 vua Nguyễn trị vì triều đại phong kiến cuối cùng tại Huế) tặng cho mẹ mình là bà Từ Minh hoàng thái hậu để dạo chơi trong vườn ngự uyển. Chiếc xe kéo, cao toàn bộ: 136 cm; dài 230 cm (kể cả phần tay kéo); rộng: 102cm, làm chủ yếu bằng kim loại và gỗ.

Phần gỗ được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài, khảm xà cừ, một loại hình phổ biến ở các vật dụng bằng gỗ ở hoàng cung xưa. Đặc biệt, các loại hoa văn chạm khảm xà cừ cho thấy đây là các hoa văn thuần Việt và phổ biến dưới thời Nguyễn. Chiếc ghế trên xe kéo được bọc nỉ với phong cách kiểu dáng Luis (như nhiều ghế khác cùng thời- thường gọi là phong cách Tân cổ điển, hiện còn ở hoàng cung Huế). Ngoài ra trên xe kéo còn ghi các chữ Hán 廣興 : Đông Kinh, Hà Nội, Quảng Hưng tạo nghĩa là hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội, Bắc Kỳ chế tạo. 

“Hai cổ vật long sàng và xe kéo là rất có giá trị, gắn liền với vị vua  yêu nước Thành Thái  (ông là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, làm vua từ năm 1889 đến 1907). Do có tư tưởng chống Pháp nên vào nǎm 1916, vua Thành Thái bị thực dân Pháp  đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân. Cả 2 hiện vật có thể nằm trong số rất nhiều các cổ vật của triều Nguyễn bị thực dân Pháp cướp đoạt trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, hoặc cũng có thể là những vật dụng gắn liền với gia đình vua Thành Thái trong thời gian nhà vua sống ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion” – TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế







 
 
 
 
 
Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh chiếc xe kéo vua Thành Thái tặng mẹ:

Toàn cảnh chiếc xe kéo quý giá và rất đẹp

Toàn cảnh chiếc xe kéo quý giá và rất đẹp
Chiếc xe kéo nhìn từ trước

Chiếc xe kéo nhìn từ trước
Bánh xe và phần để tay, đèn soi đường gắn vào thân xe

Bánh xe và phần để tay, đèn soi đường gắn vào thân xe
Hoa văn tinh xảo trên chiếc xe quý bị lưu lạc

Hoa văn tinh xảo trên chiếc xe quý bị lưu lạc

Đại Dương