Vẫn chưa “chốt” được mẫu tượng vua Mai Hắc Đế

(Dân trí) - Ngày 10/6 vừa qua, Hội đồng Nghệ thuật Tượng đài Mai Hắc Đế đã tổ chức hội nghị lần I nhằm lựa chọn các phương án xây dựng tượng đài vua Mai Hắc Đế tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại buổi họp giới thiệu 06 phương án được lựa chọn từ các mẫu phác thảo gửi về của các nhà điêu khắc, họa sĩ, gồm nhóm 4 tượng của nhóm tác giả Nguyễn Kim Xuân và 2 tượng của nhóm tác giả Mai Khắc Kế (vốn là hậu duệ của vua Mai).

Theo đó, 4 tượng của nhóm tác giả Nguyễn Kim Xuân thiên về tả thực vua Mai, trong hình dung ông là một vị quan võ, tay nắm đốc kiếm, tay giơ cao lên hiệu triệu dân chúng hoặc cầm biểu, dáng vóc khỏe khoắn, thân hình đậm đà, đường nét mạnh mẽ vạm vỡ tới tư thế hướng ra phía biển.

2 tượng của nhóm tác giả Mai Khắc Kế “ôn hòa” hơn, với hình dáng một vị vua ung dung tự tại, tuy nhiên đường nét lại thiên về một vị quan văn hơn cả về trang phục, đường nét, vẻ mặt và dáng vóc…

6 mẫu tượng của 2 nhóm tác giả trình Hội đồng nghệ thuật. Ảnh: Nhân dân.
6 mẫu tượng của 2 nhóm tác giả trình Hội đồng nghệ thuật. Ảnh: Nhân dân.

Theo đánh giá của các họa sĩ trong Hội đồng nghệ thuật, cả 6 phương án đều có những ưu, nhược điểm, cần phải hoàn thiện hơn nữa để thể hiện được hình tượng nghệ thuật của một vị vua uy nghi và tài thao lược.

Ngoài ra, thiết kế mẫu tượng đài cũng cần có bố cục chặt chẽ, động tác đẹp, hợp lý và tạo sự khác biệt so với nhiều tượng đài khác hiện nay. Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn hai phương án đại diện cho hai nhóm tác giả, gồm các mẫu tượng số 1 và 4 của nhóm Nguyễn Kim Xuân và mẫu 5 của Mai Khắc Kế.

Hai phương án này sau khi chỉnh sửa theo những yêu cầu cụ thể sẽ được đưa ra thảo luận để lựa chọn mẫu cuối cùng vào ngày 24/6 tới. Tượng đài Mai Hắc Đế dự kiến được đặt tại khu du lịch biển Cửa Sót, dưới chân núi Bằng Sơn. Toàn bộ khu du lịch có diện tích khoảng 250ha. Công trình đã được khởi công, và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

“Vua đen” Mai Thúc Loan, sinh ra tại làng Mai Lâm, xã Mai Phú, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7. Sử sách kể lại rằng, ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại nhà Đường (Trung Quốc) ở Hoan Châu và được nhân dân suy tôn làm hoàng đế lấy niên hiệu là Mai Hắc Đế. Chính quyền của vua Mai Hắc Đế tồn tại được 10 năm (713-722) mới chấm dứt.

Bản phối cảnh vị trí đặt tượng đài vua Mai Hắc Đế. Ảnh: TL.
Bản phối cảnh vị trí đặt tượng đài vua Mai Hắc Đế. Ảnh: TL.

Tượng đài Mai Hắc Đế dự kiến được đặt tại khu du lịch biển Cửa Sót, dưới chân núi Bằng Sơn thuộc địa bàn xã Thạch Bằng và xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà với tổng diện tích 4,58ha. Tượng đài đúc bằng đồng liền khối chiều cao 10,8m…

Toàn bộ khu du lịch có diện tích khoảng 250 ha. Công trình đã được khởi công vào hôm 19/2 và dự kiến sẽ phải hoàn thành trong năm 2016. Kinh phí dự kiến khoảng 107 tỷ đồng, do tập đoàn Vingroup tài trợ hoàn toàn.

Ngoài ra, đền thờ Mai Hắc Đế cũng được quy hoạch ngay trên nền cũ ở làng Mai Lâm (xã Mai Phụ) với tổng diện tích 7.267m2, trong đó diện tích xây dựng 960m2. Gồm các hạng mục: nghi môn, tả vu, hữu vu và tiền bái, đền chính, các hạng mục phụ trợ như, cổng phụ, tường bao, lầu hóa vàng, nhà truyền thống, ban quản lý, nhà thủ từ, khu vệ sinh, sân vườn nội bộ, bãi đậu xe…

Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử nhằm tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân một vị vua đã để lại dấu mốc vàng son của dân tộc trong màn đêm ngàn năm Bắc thuộc và trang sử kiên cường đấu tranh dành độc lập của dân tộc.

Hà Tùng Long