1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Trong chiến tranh, âm nhạc chính là vũ khí”

(Dân trí) - Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ về giá trị của âm nhạc ở khả năng truyền cảm hứng qua nhiều thế hệ tại sự kiện tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ bằng sự ra mắt Tập ca khúc “Đồng đội ơi!”

Ngày 27/7, Hội âm nhạc Hà Nội đã tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ bằng sự ra mắt tập ca khúc hơn 200 bài hát chủ đề “Đồng đội ơi!”, viết về thương binh - liệt sĩ trong 70 năm qua.

Đây là tập ca khúc được thực hiện với mục đích tri ân những thương binh - liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng đã góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tập ca khúc “Đồng đội ơi!” in các ca khúc có nhạc và lời được xếp theo thứ tự tên tác giả. 227 bài hát trong tập này có nhiều tác phẩm nổi tiếng, thường xuyên được biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn của đất nước như “Màu hoa đỏ” (Thuận Yến), “Cháu yêu chú thương binh” (Phạm Tuyên), “Đưa chú thương binh qua đường” (Trần Đức), “Bế Văn Đàn sống mãi” (Huy Du), “Đồng đội ơi” (Nguyễn Giang), “Khúc tráng ca Thành cổ” (Quang Hiển), “Cỏ non Thành cổ” (Tân Huyền), “Mẹ” (Phan Long)…

Hội Âm nhạc Hà Nội ra mắt tuyển tập ca khúc Đồng đội ơi! tri ân các anh hùng thương binh- liệt sĩ. (Ảnh: Thanh Tú)
Hội Âm nhạc Hà Nội ra mắt tuyển tập ca khúc "Đồng đội ơi!" tri ân các anh hùng thương binh- liệt sĩ. (Ảnh: Thanh Tú)

Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách ý nghĩa này, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội cho biết Hội có gần 500 thành viên thì 1/3 trong số đó cũng là những người lính.

"Chúng tôi cũng đã đi qua những năm tháng “vào sinh ra tử” cùng nhiều đồng đội. Con người quý nhất mạng sống nhưng những chiến sĩ anh hùng đã hi sinh khi họ còn rất trẻ. Tôi nghĩ rằng những người đã mất, có lẽ chỉ có một nguyện vọng là đừng quên họ. Vì thế, “Đồng đội ơi!” là một tiếng gọi, là lời tri ân, là sự biết ơn từ tấm lòng nhỏ bé của chúng tôi gửi đến những người lính”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, chàng sĩ quan lục quân khóa 5 thuở nào giờ tuổi cao sức yếu nhưng khi nhớ lại những năm tháng hào hùng, giọng nói vẫn tràn đầy nhiệt huyết. “Trong chiến tranh, âm nhạc chính là vũ khí”, ông nói.

Ông chia sẻ thêm: “Tôi còn nhớ, năm 1973 khi mới về Đài tiếng nói Việt Nam làm việc, tôi trao đổi với mọi người về kế hoạch hát những ca khúc trữ tình để động viên tinh thần quân và dân. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ TP.HCM gọi điện ra nói với tôi: “Ở trong đấy, mọi người chỉ ngủ có một mắt thôi đấy. Sức mạnh của âm nhạc là thế”

Cho đến nay, khi chứng kiến những em nhỏ hát ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” một cách say sưa, tôi lại càng thấy giá trị của âm nhạc ở khả năng truyền cảm hứng qua nhiều thế hệ.”

Nguyễn Hằng