Trang phục phim Tấm Cám gây tranh cãi, Ngô Thanh Vân lên tiếng

(Dân trí) - Những hình ảnh của bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” do công ty của Ngô Thanh Vân chịu trách nhiệm sản xuất đang gây nhiều tranh cãi vì không thuần Việt, quá hiện đại. Sự việc này buộc lòng “đả nữ” họ Ngô phải lên tiếng phân trần.

Những hình ảnh đầu tiên về bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” trong các teaser trailer mới được êkíp sản xuất tung lên mạng đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất là trang phục của các nhân vật.

Nhiều ý kiến cho rằng, trang phục của các nhân vật trong phim không có sự thuần Việt, không tương ứng niên đại và chất điện ảnh. Ngoài ra, một số ý kiến còn cho là các trang phục quá diêm dúa, cầu kỳ, kiểu cách… không phù hợp với bối cảnh làng quê Việt trong câu chuyện.

Trang phục của nhân vật Dì ghẻ.
Trang phục của nhân vật Dì ghẻ.

Trả lời câu hỏi, trang phục của phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đang gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn. Nhiều người cho rằng, Tâm Cám là một câu chuyện lấy bối cảnh chủ yếu là làng quê nhưng các nhân vật lại có trang phục quá diêm dúa, cầu kỳ, không phù hợp với bối cảnh?", Ngô Thanh Vân cho rằng, trong truyện gốc thực chất chỉ có phần đầu là bối cảnh làng quê nhà Tấm, phần sau là chuyện diễn biến tại hoàng cung khi Tấm làm vợ và sau đó hóa thân thành nhiều thứ để vẫn ở bên chồng.

“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” thuộc thể loại giả tưởng thần thoại - cổ tích lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám quen thuộc của người Việt. Dù truyện không thuộc bất kỳ triều đại lịch sử nào nhưng phim vẫn bám theo trang phục truyền thống Việt Nam, trên tinh thần phim của người Việt nhưng vẫn mang tính điện ảnh hóa, có sự thiết kế và cách tân mới, lạ và hấp dẫn.

“Với teaser vài giây ê-kíp vẫn chưa kể những câu chuyện đầy đủ của nhân vật đang ở bối cảnh nào nên quá sớm để nói trang phục có phù hợp không cho đến khi khán giả xem trọn phim. Hơn nữa với ngôn ngữ điện ảnh, đẹp là một câu chuyện cần thiết, làng quê cũng phải đẹp, dân làng cũng phải đẹp, lấm lem bùn đất bắt tôm cá cũng phải đẹp, vấn đề là mình làm đẹp hợp lý với bối cảnh, ví dụ không cần phải mặc toàn bộ áo màu nâu để bắt tôm tép nhưng hiển nhiên chúng ta không được mặc áo đầm trắng như thiên thần để thể hiện sự thánh thiện trong bối cảnh đó. Ê-kíp vẫn tôn trọng trang phục trong phim theo truyền thống trang phục Việt, mang tính thuần Việt, chỉ làm mới theo xu hướng đẹp hiện nay đang nhìn nhận, không phải sáng tạo quá mức lạ lẫm vì phim mục đích làm cho khán giả Việt", Ngô Thanh Vân nói.

Đại diện nhà sản xuất, "đả nữ" họ Ngô chia sẻ thêm, phim ảnh là một tác phẩm nghệ thuật nên mọi thứ phải nghệ thuật ở mọi chi tiết. Từ kịch bản, hình ảnh, ngôn ngữ, diễn viên, trang phục... hỗ trợ nhau tạo nên tổng thể hoàn hảo đến khán giả vì thế không lo trang phục phim quá đẹp sẽ phản tác dụng điện ảnh.

Trang phục của các nhân vật Tấm, Cám. Ảnh: NTV.
Trang phục của các nhân vật Tấm, Cám. Ảnh: NTV.

“Đả nữ” họ Ngô cũng cho biết thêm, toàn bộ phim, tính luôn diễn viên chính, phụ và hầu nữ, quân lính, dân làng... thì tổng cộng phải hơn 300 bộ trang phục cần phải chuẩn bị.

"Quá trình thực hiện trang phục phải mất nhiều tháng chuẩn bị, từ khâu phác thảo thiết kế, chọn chất liệu,vải, phụ kiện đính kèm và kỹ thuật làm họa tiết của trang phục, đến may thử từng bộ xem thiết kế có phù hợp yêu cầu nhân vật. Khó nhất là phần thiết kế, đội ngũ thiết kế vẽ hơn 100 bản phác thảo mới ra được thiết kế cuối cùng ưng ý, vừa phù hợp với yêu cầu đạo diễn, nhân vật và cả diễn viên mặc, các thiết kế may theo số đo của diễn viên. Có những trang phục phải may thử đến 6 lần mới ưng ý chất liệu và thiết kế phù hợp. Nhiều trang phục chọn vải gấm họa tiết phù hợp rất hiếm, ê-kíp phải đi hết tất cả chợ chuyên bán gấm để tìm ra, chưa kể các trang phục dùng các chất liệu đặc biệt khác như lụa tơ tằm... cũng được đoàn phim tính đến cho các trang phục của diễn viên. Nhiều khán giả nghĩ áo trên phim không được thấy tận mắt hoặc chỉ vài giây không cần chất lượng chất liệu, thật ra chất liệu ảnh hưởng nhiều đến trang phục, nó tạo sự bồng bềnh mềm mại hay mạnh mẽ, ví dụ vải lụa giúp trang phục nhẹ nhàng, tuy nhiều lớp tạo sự uyển chuyển khi di chuyển nhưng không làm diễn viên cảm giác bị gò bó nhiều lớp vải và mất form dáng", nữ diễn viên Ngô Thanh Vân cho biết.

Trang phục bị cho là quá màu mè, diêm dúa... Ảnh: NTV.
Trang phục bị cho là quá màu mè, diêm dúa... Ảnh: NTV.

Chia sẻ thêm cùng PV, NTK Thủy Nguyễn nói: "Khi làm phim có trang phục cổ xưa thì không chỉ là áo yếm, mấn, tứ thân… mà còn nhiều loại trang phục khác nữa". Phục trang sử dụng nhiều kỹ thuật may thêu cổ truyền của Việt Nam như thêu ruy băng, thêu chỉ nhưng được làm mới lại bằng chất liệu, màu sắc và hình họa tiết, bắt kịp xu thế thời trang thế giới.

Stylist Hoàng Anh khẳng định: "Dù đó là ý kiến trái chiều hay đồng thuận, thì chúng tôi vẫn chấp nhận và mong muốn được phát triển và khám phá, sáng tạo trong thế giới nghệ thuật".

Ê-kip phim cho biết phải mất hơn 3 tháng để nghiên cứu trang phục của các triều đại xưa qua tài liệu lịch sử, cộng thêm cố vấn của các chuyên gia. Mỗi nhân vật trong phim đều có thiết kế mang dấu ấn riêng qua màu sắc, kiểu cách, chất liệu phù hợp với tính cách và câu chuyện nhận vật. Chẳng hạn như nhân vật Dì ghẻ thể hiện tính cách độc ác qua trang phục đen, thái tử là người của hoàng gia nên trang phục chủ đạo là màu vàng hay Tấm nhu mì thì trang phục tông màu nhạt. Êkíp cũng phải nghiên cứu vẽ hơn 100 phác thảo thiết kế và chọn vải phù hợp cho tất cả các nhân vật trong phim từ vai chính đến quân lính, quần chúng.

“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được Ngô Thanh Vân tiết lộ mức đầu tư lên đến 20 tỷ đồng. Phim có sự tham gia của NSND Ngọc Giàu, NSUT Hữu Châu, NSND Thành Lộc, diễn viên Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Hạ Vi, nhóm 365, Ngọc Trai, Hiếu Hiền… Phim dự kiến phát hành vào 19/8.

Hà Tùng Long