1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Trang phục APEC 2017 biến hoa sen thành “sứ giả văn hóa"

(Dân trí) - Điểm chung của hai mẫu thiết kế trang phục lãnh đạo cấp cao APEC 2017 được Hội đồng lựa chọn đều lấy hoa sen làm điểm nhấn trong tạo hình và như một sứ giả văn hóa để chuyển tải thông điệp truyền thống về đất nước, con người Việt Nam.

Hoạ sỹ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) cho biết, từ tuần trước cơ quan này đã trình Ủy ban Quốc gia APEC 2017 hai mẫu thiết kế để lựa chọn trang phục cho các lãnh đạo 21 nền kinh tế trong sự kiện APEC 2017.

Theo ông Vi Kiến Thành, ngay từ đầu việc thiết kế trang phục APEC 2017 đã được xác định là trang phục phục vụ cho sự kiện APEC 2017 chứ không phải là lễ phục, quốc phục. Các nhà lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ mặc những bộ trang phục này trong một số hoạt động như: chụp ảnh lưu niệm, các hoạt động nghi lễ mang tính ngoại giao, văn hóa…

Mẫu trang phục của nhà thiết kế Thu Hà. Ảnh: Cục Mỹ thuật.
Mẫu trang phục của nhà thiết kế Thu Hà. Ảnh: Cục Mỹ thuật.

Vì vậy, các mẫu thiết kế phải thể hiện được tính truyền thống nhưng cũng phải mang hình ảnh Việt Nam năng động, đổi mới. Ngoài ra, tính trang trọng và không trùng lặp với các trang phục đã được sử dụng tại những hội nghị quốc tế hoặc các thành viên khác của APEC cũng được chú trọng. Trang phục phải phù hợp với khí hậu và đáp ứng yêu cầu trở thành quà tặng của nước chủ nhà Việt Nam tặng các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.

Bộ VHTT&DL đã mời 5 nhà thiết kế tham gia công việc thiết kế trang phục gồm: NTK Sỹ Hoàng, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, NTK Thuỷ Nguyễn, PGS. TS Đỗ Thu Hà – Phó hiệu trưởng trường sân khấu điện ảnh và Công ty Thái Tuấn.

Cuối cùng Hội đồng (gồm các nhà khoa học, văn hoá, lịch sử, ngoại giao…) đã chọn mẫu của nhà thiết kế Thu Hà và Công ty Thái Tuấn. Mẫu trang phục Thái Tuấn dùng kỹ thuật dệt Jacquard như thêu làm hoa sen nổi bật trên nền vải tạo điểm nhấn hoa văn chính cho phần thân áo. Đặc biệt, các đường dọc ngang đan chéo vào nhau ở phần nẹp đô dọc thân và tay áo được lấy ý tưởng từ chiếc khăn rằn của người Nam Bộ mang ý nghĩa thân thiện, hiếu khách, đồng thời nhắc nhở về kỹ thuật đan lát của Việt Nam. Form dáng áo được may theo kiểu veston cách điệu với cổ áo lãnh tụ, phần nút áo được làm từ gỗ xà cừ đảm bảo tính thẩm mỹ và mang yếu tố thiên nhiên.

Mẫu trang phục của nhà thiết kế Thu Hà được làm từ tơ tằm truyền thống với thiết kế dáng vest. Chất liệu lụa tơ tằm thiên nhiên được dệt, nhuộm thủ công theo bí quyết gia truyền. Lụa tơ tằm thiên nhiên phù hợp với khí hậu nhiệt đới, mang lại sự thoải mái, mát mẻ, dịu êm cho người mặc.

Mẫu trang phục của công ty Thái Tuấn. Ảnh: Cục Mỹ thuật.
Mẫu trang phục của công ty Thái Tuấn. Ảnh: Cục Mỹ thuật.

Điểm chung của hai mẫu thiết kế trang phục lãnh đạo cấp cao APEC 2017 là lựa chọn hoa sen làm điểm nhấn trong tạo hình, trang trí và như một sứ giả văn hóa để chuyển tải thông điệp truyền thống về đất nước, con người Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hai mẫu thiết kế này thiếu hồn dân tộc. NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng, theo nhận định của anh thì vì các mẫu thiết kế này có dáng ngắn mà trong dân gian thì hình ảnh áo dài quá gối đã là hình ảnh truyền thống của mỗi người dân. Bản thân nhà thiết kế này cũng cho rằng, Hội đồng áp đặt luôn những ý kiến của mình thành đặt hàng các nhà thiết kế để sản xuất theo yêu cầu, còn sáng tạo của các nhà thiết kế chỉ mang tính tham khảo.

“Tôi xin nhấn mạnh rằng, đây không phải trang phục dân tộc mà là quà tặng của Việt Nam cho các lãnh đạo cấp cao APEC, đó chính là nguyên nhân khiến dư luận có phản ứng cho rằng trang phục không mang hồn cốt của dân tộc”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói.

NTK Sỹ Hoàng lại cho biết, ông cùng một số nhà thiết kế đã rút tên khỏi thành phần được mời tham dự thiết kế trang phục APEC 2017 sau những buổi làm việc với Hội đồng tuyển chọn trang phục APEC 2017 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì tại Hà Nội. Vì vậy, cá nhân nhà thiết kế này không muốn chia sẻ hay bình luận bất kỳ điều gì liên quan đến chuyện này.

Hà Tùng Long