Toà có xử được “án thơ”?

(Dân trí) - Tranh chấp bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên” đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy phiền lòng với tất cả các bên. Liệu phán quyết của toà án có giải quyết được tình trạng loạn giá trị và cao hơn nữa là tâm thế của những người sáng tạo?

Nóng bỏng hai bờ chiến tuyến

Bắt đầu từ khi khởi phát cuộc tranh chấp, ý kiến của dư luận đã chia làm hai phe nóng bỏng, vô cùng căng thẳng. Một bên ủng hộ anh bộ đội yêu thơ, lên án nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, một bên tin tưởng vào tư duy và uy tín của một người làm sáng tạo, với những sáng tác được công bố rõ ràng và có tính hệ thống.

Ở Quế Mai, chị cho rằng mình bị xúc phạm ghê gớm, bởi vì chị đã trình ra tất cả những chứng cứ về bản quyền bài thơ và chị cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều ngoài một lời xin lỗi công khai. Còn anh bộ đội Ngô Xuân Phúc không có bất cứ lý chứng cứ nào, ngoài trí nhớ mong manh và một mực nhận bài thơ đó là của mình, nhất quyết không xin lỗi.

Một dòng tâm sự rất thật?
Một dòng tâm sự rất thật?

Ngay cả khi nữ nhà thơ Bàng Ái Thơ đứng ra làm chứng rằng bà đã từng đọc bài thơ đó, và tác giả là một anh bộ đội, bà cũng không trình ra được bất cứ chứng cứ pháp lý nào. Trí nhớ của một con người có được coi là bằng chứng pháp lý không? Hơn nữa, không có văn bản mà chỉ dựa vào trí nhớ, liệu có thể khẳng định giống nhau đến 80%? Cái gì là thước đo làm chuẩn để xác định sự giống nhau này?

Mới đây nhất, trong quá trình tìm kiếm tư liệu, một nhà báo đã phát hiện ra một bài thơ có tựa đề “Tổ quốc gọi tên mình”, do một anh bộ đội tên Trương Công Mùi, sáng tác vào tháng 6/1979, tại chiến trường K (Campuchia). Bản gốc bài thơ có trong quyển nhật ký của Trương Công Mùi, đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Nhưng bài thơ chỉ giống 100% cái tựa thôi còn toàn bộ 100% nội dung thì không liên quan chút gì đến bài thơ đang bị tranh chấp bản quyền. Ít nhất, cần có văn bản để đối chiếu, mới có thể xác định một cách khoa học về sự việc.

Bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của tác giả Trương Công Mùi viết ở chiến trường K
Bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của tác giả Trương Công Mùi viết ở chiến trường K

Thời điểm bà Bàng Ái Thơ cho rằng đã đọc bài thơ là tháng 4/2011, người mang đến cho bà đọc đã lấy từ trên mạng internet xuống, những người có chuyên môn công nghệ đã tìm kiếm hụt hơi nhưng không có bất cứ bản cache nào được lưu lại trên internet về bài thơ vào thời điểm đó. Đâu phải cứ nói đưa lên internet là không gian mênh mông và ảo nữa nên khi còn khi mất, chả ai nhìn thấy. Xin thưa rằng cảnh sát mạng, an ninh mạng hơi bị nhiều.

Văn hoá và mạo văn hoá

Anh Phúc cho rằng mình đã sáng tác bài thơ từ hồi năm 2008, đã công bố trên blog cá nhân và các trang mạng cá nhân khác, sau đó vì thay đổi công việc nên đã xoá blog cũ, chuyển sang dùng mạng xã hội facebook, những chuyên gia công nghệ thông tin cũng đã dùng nhiều công cụ để điều tra độc lập, nhưng kết quả là tất cả những trang mạng xã hội mà anh Phúc công bố đều mới được tạo lập từ đầu năm 2015 này. Không hề có bất cứ dấu vết nào của bài thơ và của anh Phúc cùng với bài thơ vào thời điểm 2008.

Đi ngược lại thời gian một năm trước, ngày 10/8/2014, anh Phúc post lên trang facebook cá nhân của anh đường link một bài báo trên báo Người Lao động, có đăng tải dưới bài báo viết về chị Quế Mai là bài thơ Tổ quốc gọi tên. Anh Phúc viết cho mình một status xúc động như sau: “Bài thơ hay, góc nhìn biển đảo có những điểm gần gũi với những điều tôi muốn diễn đạt trong thơ mình. Trong chia sẻ của tác giả về hoàn cảnh ra đời cũng vậy. Với tôi, bài thơ về biển đảo được phác thảo năm 2009, khi đang ở Nghệ An, chờ quyết định chuyển ct từ Hà Nội. Sự gặp gỡ cảm xúc đối với hình tượng đất nước thật thú vị…”

Về thời điểm, anh lại công bố thêm một con số khác – năm 2009? Nhưng dù sao, có thể đây vẫn là những suy nghĩ chân thành và thật thà nhất của anh bộ đội này? Anh ấy có những ý tưởng sáng tạo và hình tượng sáng tạo trùng với chị Quế Mai, và đã có lúc, anh từng rất tâm đắc với “sự gặp gỡ cảm xúc thú vị” này.

Vậy điều gì đã đứng đằng sau làm biến chuyển, thay đổi tâm lý và suy nghĩ của anh Phúc, khi mà bắt đầu từ tháng 1/2015, toàn bộ chứng cứ mới bắt đầu được tạo lập và anh Phúc bắt đầu liên lạc với giới văn chương, truyền thông, báo chí, khởi đầu từ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, sau đó là hàng loạt các tên tuổi trong làng văn?

Dứt đứt dây thần kinh xấu hổ mà sống

Anh Phúc cho rằng, với thu nhập ít ỏi và hoàn cảnh sống hiện tại, nếu phải theo toà, anh sẽ khó khăn. Nhiều người khác cũng đoán rằng nếu ra trước toà, chị Quế Mai sẽ thắng, vì chị đầy đủ chứng cứ pháp lý. Chưa ra toà, ai cũng biết kết quả sẽ thế nào, vậy có nhất thiết phải cần một phiên toà để “xử thơ”?

Nếu chị Quế Mai đưa anh Phúc ra toà, chị thắng và những người ủng hộ chị sẽ vui, nhưng một nửa còn lại, những người ủng hộ anh Phúc, sẽ la lối lên rằng nhà thơ quá ác, biết người ta sẽ thua nhưng vẫn kiên quyết đẩy người ta ra toà?

Nếu chị Quế Mai không đệ đơn, chính cái nửa còn lại đó sẽ thay đổi ý kiến, cười hả hê mà rằng: thấy chưa, doạ dẫm thôi chứ nào dám ra toà, cứ ra đi, trắng đen mới rõ, không ra toà thì cũng chìm lấp đi như bao nhiêu vụ việc dớ dẩn khác mà thôi. Người ta còn có thể nói nhiều hơn, dè bỉu nhiều hơn, vạch vòi nhiều hơn bằng những chứng lý khác, dù vu vơ đến mấy. Vậy nhà thơ biết phải làm sao? Đạp lên dư luận mà sống? Dứt đứt dây thần kinh xấu hổ mà sống?

Nhiều người nói, giới văn nghệ nước mình đứt hết dây thần kinh xấu hổ từ lâu rồi, hoặc làm gì có mà đứt? Qua sự việc lùm xùm, câu nói ấy không phải không có lý. Sự việc vừa bung ra, không ít các nhà thơ khác đã quăng lên facebook, đẩy lên blog, lao lên các trang mạng, diễn đàn vô vàn ý kiến, nhận xét ác ý, thậm chí thô tục, tỏ ra bênh vực lẽ phải nhưng thực chất lại là ném bom đồng nghiệp? Mỗi nhát dao chém xuống là một phận người, cao hơn thế, chung tâm thế viết lách, sáng tạo của những nhà thơ, có nên hành xử “giang hồ” như vậy hay không?

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tác giả “Tổ quốc nhìn từ biển” nói thẳng quan điểm của mình về sự việc: “Quanh việc tranh giành bản quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên, nếu Ngô Xuân Phúc không thể chứng minh được bất cứ bằng chứng nào thì công chúng có quyền nghi ngờ Ngô Xuân Phúc muốn ăn theo sự nổi tiếng của Quế Mai và bài thơ. Việc chị Bàng Ái Thơ cho rằng đã đọc bài thơ đó cũng cung cấp thêm một khía cạnh thông tin cho công chúng nhưng bằng chứng ở đâu? Dù sao, phía Ngô Xuân Phúc như vậy là rất dở, tại sao anh không thể đưa ra được bất bằng chứng nào về đứa con tinh thần của mình? Sự việc còn chưa ngã ngũ phân minh, các bạn thơ trẻ hãy bình tĩnh một chút và hãy cố gắng mỗi người đều có một bài thơ hay về Tổ quốc”.

Tác giả chết cả ngàn năm, tác phẩm vẫn sống

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mới đây xác nhận đầu năm 2015, anh Phúc có gọi điện và gửi thư cho nhà thơ để nhờ đòi bản quyền nhưng qua trao đổi với anh Phúc, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thấy đây là một câu chuyện vớ vẩn. Người có văn hoá ứng xử, khi gặp những chuyện tương tự sẽ hành xử thế nào? Một nhà thơ kể rằng có lần chị cũng bị vướng phải một sự nhầm lẫn bản quyền một bài thơ. Vì yêu thơ chị nên một người khác đã chép lên báo tường, đến khi một cơ quan đầu tư chi phí đem in tuyển tập các bài thơ biển đảo có chọn in bài thơ đó thì lại mang tên người kia vì họ lấy nguồn từ cô ấy. Vốn tính cẩn thận, nên tác giả đã tới gặp và hai bên vui vẻ viết giấy xác nhận rằng bài thơ đó đích thực là của ai.

“Tôi cũng hai lần bị người khác “đạo” thơ - Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến kể - Một người ở An Giang lấy bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi đăng lên số Xuân 2013 của tạp chí Văn nghệ Đồng Tháp, tựa đề bài thơ để nguyên chỉ thêm mỗi chữ “tôi”, trở thành “Tổ quốc tôi nhìn từ biển”; một số câu chữ thì bị đảo lên đảo xuống thay đổi trật tự. Sau khi tôi làm rõ vấn đề với cậu ấy, cậu ấy đã xin lỗi nên tôi cho qua. Lần khác, một nhà thơ ở hội văn nghệ Hải Phòng cũng đạo bài thơ này của tôi, đăng lên rồi còn được giải thưởng của tỉnh nữa. Sau khi người đó xin lỗi thì tôi cũng bỏ qua cho chị ấy. Hội Văn nghệ Hải Phòng rút lại giải thưởng đã trao”.

Nếu không phải là chuyện “đạo” với đầy đủ chứng cứ như những trường hợp kể trên mà ý tưởng trùng nhau thì là chuyện hết sức phổ biến, như cái tên bài trùng đến 100% trong trường hợp bài thơ của tác giả Trương Công Mùi viết ở chiến trường K nói trên. Hoặc như nhà thơ Ly Hoàng Ly kể lại: “Tác phẩm performance đầu tiên, Ly làm với nước. Ly bỏ nước vào trong bịch ny lông và cột lại. Vào cái thời thiếu thốn thông tin, không internet ấy, chỉ làm theo bản năng và làm những gì gắn với chính cuộc sống của mình. Vậy mà 2 năm sau, Ly gặp một nghệ sỹ Hồng Kong có biệt danh Frog King tại Busan Biennale năm 2002. Ông giới thiệu với Ly tác phẩm installation của ông, cũng cho nước vào bao nilon cột lại y như Ly làm. Mà ông đã làm tác phẩm đó cách hơn 10 năm, khi ông còn trai trẻ. Ly thảng thốt cho ông xem hình tác phẩm 'Nước' của Ly, bảo sao lại có thể giống như vậy. Không thể giống y chang như vậy được. Ly không hề biết ông trước đây và tác phẩm đó của ông cũng chưa xuất bản trong tạp chí nào. Ông cười sảng khoái: "Ý tưởng lớn gặp nhau là chuyện bình thường. Cô còn trẻ nên thấy sốc chứ tôi thì trải qua điều đó hoài. Tôi rất vui khi chúng ta gặp nhau theo cách này, hiểu về cuộc sống và thế giới giống nhau. Có nghĩa chúng ta không cô đơn" Những lời nói đó của Frog King, Ly không bao giờ quên”.

Từ góc nhìn của một người làm nghệ thuật rất trẻ nhưng đã qua nhiều trải nghiệm, nhà thơ Ly Hoàng Ly tự sự: “Dĩ nhiên sự thật ai là tác giả bài thơ mà rõ ra được thì hay. Cũng có thể ý tưởng lớn gặp nhau chăng? Có thể lắm đó. Khi trăm tuổi rồi các tác giả đâu đem cái gì theo mình được, và giả sử trái đất này đến một lúc nào đó bị nổ tung thì sao. Nói thật, Ly nghĩ Nguyễn Du chắc chẳng cần người đời biết ông là tác giả Truyện Kiều đâu. Ly cũng thấy sẽ là bình thường nếu một ngày kia Ly mất trí nhớ đến mức chẳng nhớ tác giả Truyện Kiều là ai. Quan trọng là những câu thơ trong Truyện Kiều đã đem lại điều gì, cho Ly học hỏi được điều gì... Ly sẽ chia sẻ những hiểu biết đó của mình với con Ly, học trò Ly, bạn bè Ly. Có phải đó mới là giá trị đích thực mà một tác phẩm đem lại cho xã hội?”

Minh Tuệ

Toà có xử được “án thơ”? - 3