Tiến hành khai quật khảo cổ phía Bắc Thành nhà Hồ

(Dân trí) - Bộ VH,TT&DL đã ký quyết định cho phép Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa, phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thực hiện việc khai quật khảo cổ khu vực Hào thành phía Bắc tại Di tích Thành nhà Hồ thuộc xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Long từ ngày 15/4 đến ngày 15/8/2016.

Chủ trì khai quật do ông Hà Văn Cẩn, Viện Khảo cổ học thực hiện. Diện tích khai quật trong phạm vi 2000m2 tại Hào thành phía Bắc thuộc Di tích Thành nhà Hồ, xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa.

Thành nhà Hồ ở Thanh Hoá. Ảnh: TL.
Thành nhà Hồ ở Thanh Hoá. Ảnh: TL.

Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397, theo lệnh của Phụ chính Thái sư nhiếp chính nhà Trần là Hồ Quý Ly. Thành được xây dựng trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397). Cùng năm đó Hồ Quý Ly cho di chuyển kinh đô từ thành Thăng Long (Hà Nội) vào Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá). Khu di tích Thành Nhà Hồ bao gồm một phức hợp các thành phần kiến trúc được xây dựng có tính toán, kết hợp giữa các kiến trúc nhân tạo với hình thế tự nhiên, để đảm bảo chức năng làm một kinh đô mới thay cho kinh đô Thăng Long.

Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi lập ra triều đại Hồ, Thành Nhà Hồ trở thành quốc đô, nước Đại Việt được đổi tên thành Đại Ngu. Đến năm 1407, cùng với sự thất bại trong việc chống lại cuộc xâm lược của nhà Minh, Thành Nhà Hồ thất thủ, cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng triều đình Đại Ngu bị quân nhà Minh bắt. Kể từ đó, Thành Nhà Hồ không còn vai trò là kinh đô nữa.

Ngày nay, sau hơn 600 năm thăng trầm của lịch sử, tòa thành vẫn hiện diện uy nghi với các tường thành và cửa thành còn khá nguyên vẹn. Các kết quả khai quật khảo cổ học đã bước đầu làm xuất lộ nhiều thành phần kiến trúc của kinh đô cổ này. Ngoài thành trong với tường thành có hào nước bao quanh, dấu tích của các cung điện, đền miếu của vương triều bên trong, phức hợp di sản Thành Nhà Hồ còn có La thành và Đàn tế Nam Giao.

Với những giá trị nổi bật, ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc diễn ra tại thủ đô Paris của nước Pháp, Thành nhà Hồ đã chính thức trở thành Di sản văn hoá thế giới. Sau nhiều lần tổ chức các cuộc khảo sát và tiến hành khai quật, nhiều hiện vật có giá trị đã được tìm thấy trong khu vực Thành nhà Hồ.

Tuy nhiên những dấu tích tại đây cho thấy vẫn còn rất nhiều hiện vật đang nằm dưới lòng đất, chính vì thế việc tiến hành khai quật khảo cổ sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm tìm ra lời giải chính xác nhất cho Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Hà Tùng Long