Thêm một bằng chứng về sự thiếu quan tâm đối với thế hệ trẻ

(Dân trí) - Dư luận xã hội vừa qua lại rộ lên xung quanh một số sách xuất bản cho thiếu nhi.

Những sách này lộ rõ hiện trạng đáng phê phán. Đó là sự phản cảm, và ít nhiều có thể nói là phản giáo dục, vẽ đường cho hươu chạy “dạy cho trẻ con những điều mà tuổi thơ non nớt của các cháu không cần thiết, chưa nên biết”. Điều đáng nói ở đây lại là ấn phẩm của hai nhà xuất bản có uy tín. Nhà xuất bản Kim Đồng- một đơn vị xuất bản lớn được đặc trách giao nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm cho thiếu niên, nhi đồng. Nhà xuất bản Văn Hoá thông tin- một nhà xuất bản đã từng được xem là nhanh nhậy trong lĩnh vực in các ấn phẩm văn hoá, tuyên truyền.

Với
tác phẩm “

Với tác phẩm “Truyện cổ tích Việt nam” , một loại sách sáng giá là tác phẩm chọn lọc. Nhưng khi tuyển chọn một trong những chuyện cổ tích nổi tiếng và đã đi vào tiềm thức của bất kì người Việt nam nào là Thạch Sanh các nhà soạn sách, biên tập lại cho ra những dòng văn và giọng kể hoàn toàn không phù hợp chẳng những với cốt chuyện truyền thống mà còn với lứa tuổi thiếu nhi khi thay đổi không hợp lý nhân vật bố bằng nhân vật mẹ trứơc khi chết cởi khố cho Thạch Sanh với những lời thoại thô thiển, rồi Thạch Sanh lại xé nửa khố mặc vào cho mẹ. Ngoài ra trong đoạn kể lại chiến công đánh trăn tinh lại không kể theo phong cách cổ tích mà lại mô tả kĩ càng hành vi của Thạch Sanh với chất bạo lực khó chấp nhận cho tuổi thiếu nhi “trăn tinh bị búa bổ vỡ đầu, phọt óc”. Hay như đối với chuyện Tấm Cám- một chuyện có thể xếp vào loại chuyện cổ tích kinh điển của dân ta mà cốt chuyện đã được định hình từ xa xưa, gần đây cũng bị sửa chữa một cách chủ quan và thô bạo đoạn kết kiểu như :

….Cám hỏi “ chị làm thế nào mà đẹp thế ?”. Tấm hỏi “có muốn làm đẹp không để chị giúp?”. Sau đó Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun nồi nước sôi .Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố Cám chết. Mụ gì ghẻ thấy vậy cũng lăn ra chết…”. Đúng là không tưởng tượng được trước sự đối xử thiếu văn hoá và chuyên môn của cơ quan làm sách đối với di sản văn hoá của cha ông.

Còn ở tác phẩm có cái tên dung dị “Chuyện cổ tích về các loài chim” của nhà xuất bản Văn hoá –Thông tin thì lại tả tỉ mỷ với ngôn ngữ dành cho người lớn một cách khiêu dâm, khiên cưỡng ” cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng , cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ chĩa mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hoá đá…”….Chưa hết khi kể về Thánh Gióng thi in nhà xuất bản không lấy bản kể theo phong cách cổ tích truyền thống mà lại lấy bản tuỳ hứng, suy tư cá nhân của nhà văn khi ông tưởng tượng “ tuy thế chàng trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhẩy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thươnglên ngực tìm một rừng cây âm u nào , dấu kín nỗi đau của mình mà chết…”…

Không chỉ ấn phẩm của hai nhà xuất bản lớn ở giữa Thủ đô sai lầm trong cách biên soạn truyện cổ tích, soạn sách cho thiếu nhi mà không ít nhà xuất bản khi xuất bản những tác phẩm dành cho các lứa tuổi học trò còn lộ ra không ít những sai lầm nguy hại, ảnh hưởng đến sự giáo dục, hình thành nhân cách của thế hệ nhi đồng, thiếu nhi.

Cuốn
“

Cuốn “109 câu chuyện và bài học dành cho bé” của nhà sách Fahasa ( Quận Bình Thạnh-TPHCM) được viết bằng giọng văn mù mờ, khó hiểu. Nhiều đoạn “lập lờ đánh lận con đe”n vượt qua tầm hiểu biết non nớt của độc giả thiếu nhi. Cuốn “chuyện đố không nhịn được cười” nhà sách Văn Lang (Quận 1-TPHCM) có mẩu chuyện kể về một chiến sĩ A cứu một người dân, khi thủ trưởng hỏi sao không lăn lộn được thì chiến sĩ A trả lời “em bất lực với cô ấy”. Người dân – tức cô gái lại hỏi chiến sĩ A “anh không muốn sướng hay sao?”. Rồi cũng trong cuốn sách này lại có lời bà mẹ dặn con bằng câu nói gần như đánh đố với độc giả còn non dại “nhận được thứ gì cũng đồng nghĩa với việc mất đi thứ đó”.

Cuốn “101 câu chuyện giáo dục” của nhà sách Thăng Long Quận 1-TPHCM) bên cạnh những sai sót quá sơ giản thì nhiều đoạn nội dung phi lý, phản cảm kiểu như “hỏi: làm thế nào để không ngủ gật trong lớp?”. Đáp án: Cho nghỉ học”.. Ở một chỗ khác. Nguyên văn “hỏi : anh Phong, chị Vân đã kết hôn rồi, nhưng tại sao lúc hẹn hò họ lại lén lén, lút lút?”. Đáp án “ vì mỗi người đều hẹn với người khác”.

Trở lại nhà xuất bản Kim Đồng một nhà xuất bản chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi thì gần hai chục năm nay dường như rất hiếm hoi in các tác phẩm của tác giả trong nước dành cho các lứa tuổi này mà có lẽ vì lấy lợi nhuận trong kinh doanh làm mục tiêu trọng tâm, nên xem nhẹ nếu không muốn nói là bỏ qua việc đầu tư cho các tác giả chuyên viết cho thiếu nhi mà chỉ chạy theo in lại các sách truyện tranh của nước ngoài như Đô rê môn, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử lừng danh Co nan, Bộ thần thoại Hi Lạp gồm 20 tập… Cũng vì chạy theo lợi nhuận nên hầu hết các sách tranh chuyện này in chữ quá nhỏ kèm các hình vẽ bé xíu lại là sách nước ngoài khiến sự đọc của các cháu chẳng những vất vả mà còn làm tăng thêm nguyên nhân khiến các cháu bị cận thị.

Một cháu nội của người viết bài này vì quá ham mê tranh chuyện chữ nhỏ dịch từ nước ngoài của NXB Kim Đồng đã bị cận thị nặng. Thêm vào đó NXB Kim Đồng còn tỏ ra vô trách nhiệm và vô cảm trong bộ tranh truyện Hy Lạp đã in không chọn lọc các hình vẽ khoả thân, kích động bạo lực. Xin đơn cử ở tập 7 của bộ Thần thoại Hi Lạp dưới tiêu đề “ số phận và bi kịch” đã in nguyên xi tượng khoả thân của một nữ thần với lời chú “Pine me li ông sung sướng ôm ghì pho tượng hôn tới tấp”… Đúng là một sự đầu độc ác hại đối với đầu óc thơ dại của con trẻ ở một nhà xuất bản được giao trách nhiệm in sách góp phần giáo dục thế hệ trẻ…

Dư luận phản đối của các nhà chuyên môn cũng như của các bậc phụ huynh đối với một số ấn phẩm kể cả các ấn phẩm cần phải hết sức thận trọng trong khi biên soạn như sách giáo khoa vừa qua của một số nhà xuất bản theo tôi nghĩ không chỉ lên án sự vô trách nhiệm, làm ăn cẩu thả của các nhà xuất bản này đối với độc giả thiếu nhi mà lớn hơn nữa là sự cảnh tỉnh đối với xã hội ta trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ .

Ở lứa tuổi thất thập như tác giả bài viết này, chúng tôi còn nhớ thế hệ cách đây hơn nửa thế kỉ chẳng những việc soạn sách giáo khoa dành cho các cấp rất được lưu ý không chỉ ngành giáo dục và còn với các cơ quan chức năng của nhà nứơc. Các sách giáo khoa về văn được chọn lọc kĩ lưỡng và định hình hàng vài chục năm (Thời gian đó sách giáo khoa được phát không cho học sinh các cấp).

Bên cạnh đó việc bồi dưỡng và đầu tư để có số lượng đông đảo các tác giả viết cho thiếu nhi, nhi đồng cũng như việc duy trì hệ thống báo chí từ báo in, báo nói dành cho các lứa tuổi này rất được nhà nước quan tâm với chế độ ưu đãi đặc biệt. Ngay hội Nhà văn Việt nam cũng có Ban văn học thiếu nhi với chương trình hoạt động cụ thể. Vì vậy trong giai đoạn đó sáng tác nghệ thuật cho thiếu nhi được khuyến khích nên đã tạo ra một lực lượng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… dành tâm huyết và tài năng sáng tác cho thiếu nhi, nhi đồng như: Tô Hoài, Vũ Hùng, Phạm Hổ, Bắc Thôn, Phong Thu, Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Hoàng Long- Hoàng Lân, Phong Nhã, Văn Chung, Hàn Ngọc Bích, Lê Lực, Xuân Giao… Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng có gần trăm ca khúc dành cho thiếu nhi, nhi đồng.

Không ít tác phẩm văn học, âm nhạc dành cho lứa tuổi này đã trở thành kinh điển góp phần hình thành nhân cách cho lứa tuổi trẻ như “Dế mèn phiêu lưu kí”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Thú rừngTây nguyên”, “Bí mật miếu hai cô”, “Hai làng Tà Phình và Động Hía”, tập thơ “Hoa và quả”…

Đáng tiếc gần đây vì sự thiếu quan tâm của nhà nước, các nhà xuất bản kể cả nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản Giáo dục… chuyển sang kinh doanh. Các cơ quan chức năng cũng nặng phát biểu về giáo dục thiếu niên mà không đề ra các biện pháp cụ thể. Hàng loạt các Ban chịu trách nhiệm giáo dục thiếu niên, nhi đồng, các cơ sở văn hoá như các rạp dành cho thiếu nhi, nhi đồng như rạp Kim Đồng bị giải thể chuyển chức năng, Hội nhà văn Việt nam cũng giải thể Ban văn học thiếu nhi… Đây chính là tình trạng tổng hợp để nói lên rằng việc in các tác phẩm phản cảm đối với thiếu nhi, nhi đồng của một vài nhà xuất bản vừa qua chỉ là thêm một lần nữa chứng tỏ sự khiếm khuyết quá lớn của xã hội ta trong sự quan tâm đối với việc giáo dục lứa tuổi trẻ này.

Nhà văn Nguyễn Hiếu