Tết Mậu Thân 1968: Những chiến sĩ tạc hình “Dáng đứng Việt Nam ”

(Dân trí) - Từ hình ảnh 2 người lính Tiểu đoàn 16 chết trận, thi thể tì trên xác thiết giáp, tay vẫn ôm chặt súng hướng nòng về phía địch, nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết nên bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ.

“Anh tên gì hỡi anh yêu quý!”

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt

Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn

Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công”

(trích bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân)

Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà thơ Lê Anh Xuân. Trong di sản của mình, có lẽ đây là tác phẩm đã làm nên tên tuổi Lê Anh Xuân trở thành một cây đại thụ trong làng thơ ca Việt Nam cận hiện đại. “Dáng đứng Việt Nam” cũng đã trở thành hình tượng người anh hùng, đại diện cho chí khí chiến đấu bất khuất của bộ đội cụ Hồ cho đến ngày hôm nay.

Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông, rất nhiều thế hệ đã yêu và say mê những câu từ chân chất mà đầy hình tượng bi tráng của bài thơ, đặc biệt là với người lính. Thế nhưng, ít ai biết hình tượng ấy có nguyên mẫu từ đâu, đến chính nhà thơ Lê Anh Xuân khi viết bài thơ này cũng không biết người chiến sĩ bất khuất, kiên cường ấy là ai. Bởi thế, nhà thơ mới viết:

“Anh tên gì hỡi Anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ”

(trích bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân)

Cựu chiến binh Vũ Chí Thành - nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên - Tiểu đoàn 16, tiết lộ: “Nguyên mẫu của người chiến sĩ trong bài thơ này là anh Nguyễn Công Mẹo, nguyên quán ở thôn Đồng Vinh 1, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và 1 chiến sĩ nữa mà anh em chứng kiến không biết tên”.

Theo ông Thành, sau trận đánh vào Tân Sơn Nhất, 2 đại đội đánh sâu vào sân bay chỉ còn vài người còn sống và bị thương nặng. Sau khi về đến bộ chỉ huy có kể lại tình hình chiến đấu cho chỉ huy, trong đó có nhà báo - nhà thơ Hoài Vũ đang theo đoàn quân chiến dịch.

Trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân đã đi vào lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam như 1 trong những trận đánh ác liệt nhất
Trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân đã đi vào lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam như 1 trong những trận đánh ác liệt nhất

Dựa vào lời kể của các chiến sĩ vừa về từ chiến địa, nhà báo - nhà thơ Hoài Vũ viết bài ký “Thư Tân Sơn Nhứt” vào ngày 2/2/1968 với nhiều câu chuyện chiến đấu quả cảm của các đơn vị tham chiến như Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 12 đặc công, Biệt động thành Gò Môn...

Trong bài ký này có đoạn miêu tả về 2 người chiến sĩ kiên cường, đã chết nhưng vẫn tì thân trên xác xe thiết giáp M41 đã bị bắn cháy. 2 anh đã chết nhưng tay vẫn ôm chặt súng, thân tì trên xác xe nên không ngã xuống.

Sau đó, từ cảm hứng này, nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết thành bài thơ về hình tượng 2 người chiến sĩ trên vào tháng 3/1968. Ban đầu, bài thơ có tên là “Anh giải phóng quân” được lưu truyền rộng rãi trong anh em bộ đội và nhân dân Long An, sau đó mới được đổi tên thành “Dáng đứng Việt Nam” khi in thành sách. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi viết bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”, ngày 5/6/1968, nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh tại chiến trường Cần Đước, Long An.

Người lính già kể về những đồng đội đã làm nên "Dáng đứng Việt Nam" (Clip: Phạm Nguyễn)

Còn sống còn hy vọng đi tìm đồng đội...

Ông Vũ Chí Thành chia sẻ: “Trận chiến đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Mậu Thân quá ác liệt, 2 đại đội của Tiểu đoàn 16 đánh sâu vào sân bay chỉ còn 6, 7 người còn sống nên thông tin rất ít. Các đồng chí còn sống kể có thấy hình ảnh 2 đồng đội mình hy sinh như thế nhưng không biết là ai vì tình hình chiến đấu quá ác liệt, không còn thời gian để quan sát người nào còn sống, người nào đã chết nữa. Mãi sau này, một số đồng chí bị thương nên không rút lui được, bắn hết đạn nên không thể chống trả và bị địch bắt, đày đi Côn Đảo được giao trả về mới biết được lai lịch 2 đồng đội là nguyên mẫu trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”.

Cựu chiến binh Vũ Chí Thành là người dành nhiều công sức để sưu tầm sử liệu về Tiểu đoàn 16 vì tiểu đoàn đã xóa phiên chế nên không còn bộ phận làm truyền thống đơn vị
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành là người dành nhiều công sức để sưu tầm sử liệu về Tiểu đoàn 16 vì tiểu đoàn đã xóa phiên chế nên không còn bộ phận làm truyền thống đơn vị

Theo ông Thành, 2 chiến sĩ này tì trên xác chiếc thiết giáp M41 chứ không phải xác trực thăng như trong bài thơ. Lúc này, liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo ôm khẩu AK, còn 1 chiến sĩ thì tì khẩu 12 ly 7 lên xác chiến xa làm điểm tựa. Tên lính Mỹ theo đoàn xe tăng phản kích bị xác chiến xa che khuất nên không thấy, khi vượt qua chiến xa thì thấy bóng dáng 2 khẩu súng chỉa thẳng về phía mình nên giật mình ngã ngữa về sau, súng rơi khỏi tay nên tên Mỹ vội vàng ôm đầu để đầu hàng. Mãi không thấy động tĩnh, khi tên lính Mỹ đứng dậy đến gần mới phát hiện 2 anh giải phóng quân đã chết, chỉ là chưa ngã xuống và súng vẫn trên tay…

Những chiếc thiết giáp bị bắn cháy tại Tân Sơn Nhất trong trận Tết Mậu Thân (ảnh tư liệu)
Những chiếc thiết giáp bị bắn cháy tại Tân Sơn Nhất trong trận Tết Mậu Thân (ảnh tư liệu)

Ông Thành cho biết: “Do người chứng kiến đứng gần liệt sĩ Mẹo hơn nên nhận ra anh, còn chiến sĩ còn lại bị khuất sau lưng liệt sĩ Mẹo nên người này không nhận ra. 1 phần vì ở xa, 1 phần anh Mẹo là Chính trị viên phó Đại đội 1 nên nhiều người quen thuộc với anh, nhận ra anh. Còn anh chiến sĩ còn lại thì hơi lạ mặt nên anh em không nhận ra. Đến nay tôi tìm hiểu khắp lượt vẫn chưa hỏi ra được anh tên gì”.

Trong những năm qua, ông Thành cũng đã cất công đi tìm hiểu, viết lại chiến tích của liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo, tìm về quê quán của liệt sĩ để xác minh lý lịch nhân thân gia đình, xin xác nhận của địa phương để làm hồ sơ xin truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo.

Quyển sách cũ có in Thư Tân Sơn Nhứt là tư liệu mà ông thường xem
Quyển sách cũ có in "Thư Tân Sơn Nhứt" là tư liệu mà ông thường xem
Bản tài liệu thành tích của liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo mà ông dày công sưu tập, tìm hiểu, chấp bút để xin truy tặng danh hiệu Anh hùng cho đồng đội mình
Bản tài liệu thành tích của liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo mà ông dày công sưu tập, tìm hiểu, chấp bút để xin truy tặng danh hiệu Anh hùng cho đồng đội mình

Cựu chiến binh Vũ Chí Thành nói: “Trường hợp hy sinh của đồng chí Nguyễn Công Mẹo là rất anh dũng, xứng đáng được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng bản thân tôi và nhiều cựu chiến binh Tiểu đoàn 16 - Phân khu 2 còn sống ở cả 2 miền Nam - Bắc đều nhất trí đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét. Anh em chúng tôi đang cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng để làm việc này. Rất tiếc là chiến sĩ còn lại chưa rõ tên tuổi, quê quán nên chúng tôi chưa làm được gì cho anh!”.

Ước nguyện cả đời của người lính già này là được thấy các đồng đội được về bên nhau và truy tặng Anh hùng cho những đồng đội xứng đáng là anh hùng
Ước nguyện cả đời của người lính già này là được thấy các đồng đội được về bên nhau và truy tặng Anh hùng cho những đồng đội xứng đáng là anh hùng

Theo cựu chiến binh Vũ Chí Thành, việc đi các nơi để thu thập thông tin, giấy tờ, xác nhận để truy tặng danh hiệu cho các đồng đội đã ngã xuống cũng quan trọng như việc đi tìm kiếm di hài của các anh đưa về quê hương bản quán. Bởi đó là trách nhiệm, là nghĩa tình của người còn sống đối với người đã khuất. Bởi thế, ông hy vọng khi mình còn sống sẽ được thấy tất cả 380 anh em của Tiểu đoàn 16 đã mất trong trận đánh Tân Sơn Nhất được quy tập về 1 nơi, ít ra cũng có cái tên cùng nhau trên bia kỷ niệm. Ông cũng hy vọng mình đủ sức khỏe để đi làm thủ tục xin truy tặng danh hiệu anh hùng cho những đồng đội xứng đáng là anh hùng đã ngã xuống của ông…

Những ước nguyện đó của ông vẫn còn đầy trắc trở. Bởi các đồng đội của ông cũng như rất nhiều chiến sĩ anh hùng khác đã hy sinh mà “… chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ!”.

Bài: Tùng Nguyên - Quốc Anh
Ảnh & Clip: Phạm Nguyễn