1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Việt Nam thân thương:

Tết khác ở Sài Gòn

(Dân trí) - Có một cái tết khác ở Sài Gòn: tết của những người xa quê. Thực ra, họ vốn không dây mơ rễ má gì với Sài Gòn, song vì mưu sinh, vì công việc, vì hoàn cảnh, vì một lúc nào đó chợt nghĩ: thử một lần ăn tết xứ này xem sao.

 Thế là thành tết xa quê...

Cậu thợ lắp đèn trang trí cho một cửa hàng đèn lớn trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 bảo: "Em vào đây làm 4 năm rồi, thu nhập mỗi tháng có 4 triệu, vừa thuê nhà vừa ăn đã gần hết, về thì lấy đâu tiền biếu bố mẹ ông bà ăn tết, năm nay thử ăn một cái tết Sài Gòn xem thế nào".

Cậu bạn gọi điện: “Này, thế ấy nhất quyết không về Hà Nội à? Cứ thử một lần đi, rồi lần sau đố dám. Tớ đã từng ngồi điều hòa, cởi trần ăn chân giò ninh măng sáng mồng một tết ở Sài Gòn đấy. Buồn phát ốm, từ năm sau hết tết này là đặt luôn vé cho cả nhà tết sau...”. Cậu kẻ cả, còn không nỡ gác máy vì thương cho đứa bạn mới chân ướt chân ráo vào xứ này đã “phải” ăn tết Sài Gòn.

“Năm nay á, em chả dại, sau rằm tháng Giêng em mới về, đi lại, tàu xe cũng đỡ bon chen hơn”, cô hàng giò chả rất tâm đắc với lựa chọn của mình.

Chợ hoa tết ven sông, đường Trần Xuân Soạn, quận 7. (Ảnh: thesaigontimes.vn)


Chợ hoa tết ven sông, đường Trần Xuân Soạn, quận 7. (Ảnh: thesaigontimes.vn)

Ở lại Sài Gòn ngày tết, mới thấy bao nhiêu người đã đánh đổi vì một cái tết thế nào. Người đi nghỉ, người đi chơi xa, người về quê sum họp bà con, người ở lại thành phố… nhưng tất cả họ đều cân lên đặt xuống kỹ càng. Trước cửa nhà tôi có con đường nội bộ lớn, song ít xe to qua lại vì không phải đường chính. Ngày áp tết, các loại xe khách đường dài tấp vào để “đổi” khách, chuyển khách xuống, nhồi khách lên. Khách đi xe chủ yếu là các công nhân làm ở khu công nghiệp Tân Thuận. Nhìn họ không mấy dư dả. Giữa cái nắng 27 độ C mà ai cũng khoác sẵn chiếc áo khoác dày sụ để về đến miền Trung khỏi lạnh vì nhà xe tuyên bố trước “Ngày tết nhớ, sẽ chạy một mạch, không dừng lại cho ai lấy đồ ấm trong hành lý”. Mỗi người được ngồi một chỗ bằng nửa cái mông, tay lăm lăm điện thoại vì còn biết làm gì ngoài nghịch điện thoại và ngủ trong hai ngày đi đường ra Bắc. Mặt họ chẳng mấy nụ cười vì ai cũng chuẩn bị tâm thế cho thời gian dài chịu cực hình trên xe. Cô hàng giò chả chỉ tay chứng minh hùng hồn: “Đấy, nhà em năm nào chả thế, về nhà mà như đi đánh giặc. Lại còn lạnh quá, cả mẹ cả con ốm liểng xiểng”.

Còn người “đúng là” Sài Gòn thì lại vui, háo hức đợi một tuần duy nhất trong năm mà thành phố không kẹt xe, ít bụi bặm, đường sá quang đãng, thời tiết cực kỳ dễ chịu. Dễ thương nhất là nắng. Nắng hanh hao vàng ruộm khắp nơi nhưng lại không quá nóng nực như các mùa khác. Nắng dịu nhẹ rất giống với những vạt nắng thu Hà Nội. Có lẽ đó là cái nắng đã đi qua những mùa mưa xối xả, những ngày nóng hầm hập không tha mọi xó xỉnh, những ngày bụi bặm nhưng cả thành phố vẫn lao đi trong vội vã và bực bội. Cái nắng cuối năm giống như một người từng trải, bình thản nhìn cuộc đời và đem cho những món quà mình có một cách vô tư.

Mọi nhà dần mở rộng cửa đón chờ vạt nắng nhẹ tênh lung linh trong tiết trời dịu dàng rải vàng trên khắp nhà cửa, đường phố, ngõ hẻm, ruộng vườn, dòng sông, cây cầu. Lần đầu tiên ăn tết ở Sài Gòn, tôi mới hiểu thế là nào “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn” (Lời bài hát Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao). Và cái tết của người Sài Gòn, rất khác Hà Nội, vì rực rỡ màu vàng của nắng, của hoa mai, hoa cúc.

Sài Gòn dễ thương, thật thương trưa 30 tết, hoa vàng rực khắp mọi nẻo đường. Những chậu cúc vàng ngược xuôi hối hả trên mọi chuyến xe, trước mỗi cửa nhà, con hẻm. Những thứ mà đến tết người Bắc vẫn quý hóa đem biếu nhau như hoa Mai, bưởi thì ở Sài Gòn rẻ và đẹp, ngon, đến nỗi… chẳng ai nghĩ đến việc biếu nhau.

Chiều tối giao thừa, trời se lạnh, đêm đến chỉ cần chiếc chăn mỏng để có cái gọi là nhớ quê. Nỗi nhớ mùa đông vẫn ám ảnh tất cả những người gốc Bắc xa quê, như một dư vị vừa ngọt ngào, vừa xót xa trong lòng khi nghĩ đến bạn bè, người thân đang chịu cái rét cắt da cắt thịt.

Sẵn nhất là tiếng chim sẻ, cứ líu ríu bên hiên nhà từ sáng sớm mồng một tết. Trước tịnh xá bên kia đường, thóc đã rắc sẵn từ bao giờ. Bọn sẻ kéo nhau đến ồn ào như chưa bao giờ được “nói”. Chúng ngang nhiên làm chủ một dọc vỉa hè sạch sẽ mà hàng ngày chúng phải cố rình rập mọi kẽ hở không người để lao xuống nhặt một hạt gạo.

Nắng vàng rụng bồng bềnh khắp quanh nhà đầu ngõ và gió hanh hao mát nhẹ. Sung sướng nhất là cái điện thoại đã bớt kêu inh ỏi, và mình được làm chủ mình đến ba ngày. Mới nhận ra sự bình yên của ngày tết quý giá đến nhường nào. Con người ai cũng thèm sự tĩnh lặng, vậy mà vẫn đua nhau đổ xô đến đô thị ồn ào… cũng như mình đã đến Sài Gòn vậy.

Hồng Phúc