Tản mạn về nhạc xuân quê hương

(Dân trí) - Dọc đường xuân, có đi khắp các hội xuân ở làng quê đất Việt từ Bắc chí Nam, hẳn sẽ không thể không bị lôi cuốn vào những giai điệu âm nhạc trang nghiêm mà rộn ràng của phường bát âm trong các bản hòa tấu Tứ Qúy hay Lưu Thủy, Kim Tiền…

Ở nước Nam ta từ thời cha ông, dường như âm nhạc chính là một thứ đặc quyền được sinh ra để ban cho mùa xuân.

Dọc đường xuân, có đi khắp các hội xuân ở làng quê đất Việt từ Bắc chí Nam, hẳn sẽ không thể không bị lôi cuốn vào những giai điệu âm nhạc trang nghiêm mà rộn ràng của phường bát âm trong các bản hòa tấu Tứ Qúy hay Lưu Thủy, Kim Tiền… Nhạc xuân tham gia vào các nghi lễ, tín ngưỡng trong khi xứ ta lao động sản xuất gắn bó mật thiết với nông nghiệp cho nên về mọi mặt đời sống đều có sự gắn kết chặt chẽ với quy luật thời tiết thể hiện qua các mùa trong năm. Thường thì “xuân thu nhị kỳ”, vừa lúc mùa màng đã thu hoạch, thời tiết lại mát mẻ, các lễ hội diễn ra vào thời điểm này. Những bản nhạc được tấu lên trong ngày hội theo thời gian đã biến thành nếp nghe, nếp nghĩ để rồi được ấn định gắn cho mùa xuân.

Hát Xoan Phú Thọ (Ảnh: Nguyễn Quang Long)
Hát Xoan Phú Thọ (Ảnh: Nguyễn Quang Long)

Sức sáng tạo của cha ông ta không chỉ nằm ở những bản nhạc không lời, nhạc có lời mới thể hiện được sự sáng tạo và sự phong phú của nhạc Việt. Hát văn được sinh ra là một phần trong nghi lễ hầu đồng. Thú vị ở chỗ, hát văn chỉ dùng để phục vụ các vị thánh - thần được nhân dân tôn thờ. Và cũng vì nằm trong không gian nơi cửa đền nên mỗi khi những giai điệu âm nhạc của hát văn vang lên là một cảm giác chộn rộn về mùa xuân với sự giao hòa giữa đất trời với con người, giữa những cái gì đó thật xa xưa với người đương thời, giữa các vị thánh nhân với con người bình dân…

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Với sự sáng tạo tài tình, hát xoan đã có cả một chặng hát nghi lễ dâng vua và thờ thành hoàng làng được gọi là Qủa cách. Chặng hát này chỉ được diễn ra trong không gian của đình và miếu ở bốn làng xoan cổ nằm trên đất Việt Trì - Phú Thọ ngày nay. Có phần dành cho hát thờ rồi nhưng cha ông ta đã không quên sáng tạo thêm phần hát hội để đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần của đám thanh niên trẻ. Giúp họ có cơ hội để giãi bày tâm tư tình cảm và nguyện vọng gửi gắm cho nhau và thể hiện những ước mơ về cuộc sống. “Trầu anh trầu túi trầu khăn, trầu em dải yếm để lâu nó cũng tàn…” (bài Thết trầu) dùng để cho các cô gái gửi gắm tâm tư. Còn các chàng trai thì dí dỏm: “Đánh liếc ới ai đánh le, gọng giậm mà anh cứng anh đè rô giếc rô” (bài Mó cá).

Một canh hát Quan họ ở Hội Lim (Ảnh: Nguyễn Quang Hưng)
Một canh hát Quan họ ở Hội Lim (Ảnh: Nguyễn Quang Hưng)

Ca trù và quan họ cũng vậy. Dẫu là hai loại hình ca hát thiện về âm nhạc thưởng thức nhưng nó cũng được gắn tính thiêng khi đưa vào đó không gian hát thờ. Ít ai biết ca trù có cả một hệ thống bài dùng trong hát thờ nơi cửa đình và riêng phần hát này dàn nhạc mới có thêm chiêng và trống cái. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ (91 tuổi) cho biết, trước đây, các nhóm ca trù thường bắt đầu đi hát từ tháng 9 (theo âm lịch) cho đến 30 tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch) thì nghỉ giỗ tổ và sau tết nguyên đán lại tiếp tục đi hát hết ba tháng xuân. Ca trù hát cửa đình thường được bắt đầu từ lúc tế xong, vào khoảng 8 giờ tối vào kéo dài cho tới sáng hôm sau. Phải đủ 4 đôi (đào-kép) mới có thể đảm nhận được đủ một chầu hát. Mở đầu bao giờ cũng là bài Thét nhạc và kết thúc bằng bài Bỏ bộ.

Hội chơi Bài chòi Bình Định.
Hội chơi Bài chòi Bình Định.

Trong quan họ, dẫu chỉ là một loại hình ca hát đáp ứng nhu cầu tinh thần nhưng vì gắn với hội làng nên những câu hát cứ vang lên là thấy không khí xuân ngập tràn. Xuân còn ẩn chứa trong từng câu hát khi thể hiện những khát khao lứa đôi, khát khao hạnh phúc, khát khao ngày sum vầy được kéo dài mãi sau cả một năm cách xa… Quan họ cũng có quy định riêng, có 3 chặng là lề lối (mở đầu), vặt (những bài giao duyên đối đáp) và giã bạn (kết thúc - xin ra về). Những bài lề lối còn được dùng để hát thờ, hát ở trong đình làng với hàm ý khi các bọn quan họ gặp nhau, cùng vào đình làng dâng hương và xin phép thành hoàng làng cho được ca hát. Và để rồi sau đó là cả một thế giới của tâm trạng “Đêm qua nhớ bạn” thao thức suốt đêm trường, liền anh thì “Ngồi tựa mạn thuyền”, liền chị thì “Ngồi tựa song đào”.

Còn bài chòi cổ truyền ở vùng Nam Trung bộ được diễn ra vào đúng những ngày Tết Nguyên đán. Dù khai hội đúng những ngày thiêng liêng nhất của năm nhưng bài chòi không mang yếu tố tâm linh mà chỉ đơn thuần mang là hội chơi giải trí ngày xuân. Các anh hiệu (nghệ nhân bài chòi) chỉ hô (ca) lên những câu ca có nội dung gắn với một con bài Tam cúc cổ. Lời ca bài chòi rất cởi mở, đậm chất dân gian hóm hỉnh, thậm chí hơi tếu táo khi đề cập tới chuyện yêu đương:

“Cũng vì duyên nợ ba sinh

Sáng trăng câu hát huê tình mà theo”

(Câu thai Bạch Huệ)

Bài chòi vui, hóm hỉnh và lôi cuốn tới mức vùng Nam Trung bộ chẳng mấy ai không biết câu:

Rủ nhau đi đánh bài chòi

Để cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra

Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Nếu như bài chòi cùng các loại hình ca hát khác diễn ra nơi công cộng thì Đờn ca tài tử lại diễn ra ở không gian tư gia, là sinh hoạt văn hóa gia đình và giao lưu với bạn bè. Nó cũng được diễn ra vào những ngày nhàn rỗi, những đêm trăng thanh gió mát và những dịp Tết đến Xuân về.

Và như thế, âm nhạc cổ truyền không chỉ là một nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là sứ giả của mùa xuân quê hương, như sợi dây vô hình gắn kết tâm hồn Việt từ trong quá khứ đến hiện tại và tới tương lai.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long