Tại sao “túi đựng thức ăn thừa” bỗng xuất hiện trở lại ở Ý?

(Dân trí) - Túi đựng thức ăn thừa đã từng được sử dụng phổ biến ở Ý, để thực khách có thể mang thức ăn không dùng hết ở tiệm về nhà. Dù vậy, đời sống khá lên, người Ý hầu như quên mất thói quen này. Giờ đây, họ bỗng tích cực sử dụng túi đựng thức ăn thừa, vì sao?

Người Ý vốn nổi tiếng là yêu ẩm thực, sành ăn, và sáng tạo ra nhiều món ăn trứ danh trong nền ẩm thực thế giới, tuy vậy, giống như nhiều quốc gia Châu Âu khác, thức ăn bị bỏ phí là một sự lãng phí khủng khiếp mà người Ý vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết thỏa đáng.
Người Ý vốn nổi tiếng là yêu ẩm thực, sành ăn, và sáng tạo ra nhiều món ăn trứ danh trong nền ẩm thực thế giới, tuy vậy, giống như nhiều quốc gia Châu Âu khác, thức ăn bị bỏ phí là một sự lãng phí khủng khiếp mà người Ý vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết thỏa đáng.

Chấm dứt cảnh “người ăn không hết, người lần không ra”

Mới đây, nhà chức trách ở Ý đã thông qua một số điều luật nhằm đưa ra những giải pháp giúp giảm lượng thực phẩm bị bỏ phí tại nước này mỗi năm. Những điều luật mới này được kỳ vọng sẽ giúp giảm lượng thực phẩm bị lãng phí tại Ý từ 5 triệu tấn/năm xuống còn khoảng 1 triệu tấn/năm.

Tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế Expo Milano 2015 (Ý), chủ đề về an ninh lương thực trên thế giới đã từng rất thu hút sự chú ý. Giờ đây, chủ đề này đã được nhà chức trách ở Ý tiếp tục nghiên cứu triển khai, đưa ra những giải pháp đương đầu tích cực.

Báo chí quốc tế khen ngợi những điều mà nhà chức trách Ý đang thực hiện, coi đây là “một trong những động thái nhân văn và thực tế nhất”. Gần đây, tại một số quốc gia Châu Âu, câu chuyện về lãng phí thực phẩm đang thu hút sự quan tâm của nhà chức trách và công chúng.

Theo thống kê của nhà chức trách Ý, việc lãng phí thực phẩm ở Ý khiến nước này mỗi năm vứt vào thùng rác (theo đúng nghĩa đen) hơn 12 tỉ euro (gần 300.000 tỉ đồng), tương đương hơn 1% GDP của Ý. Tuy vậy, đây không phải câu chuyện chỉ xảy ra ở riêng nước Ý.

Tại sao “túi đựng thức ăn thừa” bỗng xuất hiện trở lại ở Ý? - 2

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 1/3 số lương thực trên toàn thế giới bị bỏ phí, ở những nước giàu, con số cụ thể còn lớn hơn, chẳng hạn như tại Châu Âu, số lương thực bị bỏ phí lên tới 40%. Theo FAO, số lượng thực phẩm hiện tại bị bỏ phí ở Châu Âu có thể nuôi sống 200 triệu người nghèo đói.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên nhà chức trách Ý hành động quyết liệt nhằm xử lý vấn nạn lãng phí thực phẩm.

Cách đây 3 tháng, tòa án tối cao của Ý đã đưa ra một điều luật khá lạ, tuyên bố rằng việc lấy một lượng thức ăn (không trả tiền) ở các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, để đem cho người nghèo đang đói lả, không bị xem là một tội.

Chẳng hạn, nếu trước đây, một người lấy đi một ổ bánh mì trong cửa hiệu mà không trả tiền, để đem cho một người vô gia cư đang đói lả trên đường phố, có thể bị khép vào tội ăn cắp, nhưng giờ đây, theo điều luật mới, việc ra tay hành động khẩn cấp giúp người nghèo đói hoàn toàn không bị xem là một tội.

Thực tế, ở Ý vẫn có hàng triệu người sống trong nghèo đói, vậy nhưng đất nước nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, mỗi năm đều bỏ phí 5 triệu tấn thức ăn.
Thực tế, ở Ý vẫn có hàng triệu người sống trong nghèo đói, vậy nhưng đất nước nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, mỗi năm đều bỏ phí 5 triệu tấn thức ăn.

Văn minh - nhân ái hơn trong cách sử dụng lương thực

Trước đây, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ẩm thực ở Ý thường phải đối diện với những nguy cơ và rào cản khi muốn quyên góp thực phẩm.

Họ e ngại rằng thực phẩm thừa đem quyên góp có thể không đảm bảo chất lượng, vi phạm những tiêu chuẩn an toàn, vì vậy, để khỏi gặp rắc rối với nhà chức trách và làm giảm uy tín thương hiệu, thường họ lựa chọn cách vứt bỏ thực phẩm thừa.

Quy trình quyên góp thực phẩm ở Ý trước đây cũng rất phức tạp với nhiều chuẩn mực khắt khe về vệ sinh an toàn và nguồn gốc xuất xứ thực phẩm.

Tại sao “túi đựng thức ăn thừa” bỗng xuất hiện trở lại ở Ý? - 4

Với luật mới, việc quyên góp thực phẩm sẽ dễ dàng hơn nhiều, khi các tiêu chuẩn khắt khe được giảm bớt, bởi suy cho cùng, việc người vô gia cư phải đến các bãi rác gần siêu thị, hoặc bới thùng rác bên cạnh các quán ăn để tìm thực phẩm thừa lót dạ còn kinh khủng hơn việc đưa cho họ những thực phẩm sạch - sắp hoặc vừa mới hết hạn sử dụng.

Giờ đây, các doanh nghiệp ở Ý sẽ không gặp rắc rối nếu đem quyên góp thực phẩm vừa mới quá hạn sử dụng. Doanh nghiệp nào càng quyên góp nhiều thực phẩm sẽ càng được giảm trừ tiền thuế.

Bộ Nông nghiệp Ý đã quyết định chi ra 1 triệu euro (25 tỉ đồng) để nghiên cứu những phương thức tiên tiến nhất nhằm đóng gói thực phẩm trong quá trình di chuyển, phân phát, sao cho tránh khỏi việc làm hỏng thực phẩm và giúp kéo dài thời hạn sử dụng an toàn của thực phẩm.

Đồng thời, một chiến dịch truyền thông sẽ được tiến hành để nâng cao nhận thức toàn dân xoay quanh việc giảm lượng thực phẩm bị lãng phí.

Tại sao “túi đựng thức ăn thừa” bỗng xuất hiện trở lại ở Ý? - 5

Mỗi cá nhân được khuyến khích sử dụng “túi thực phẩm”

Đối với những người đi ăn hàng, Bộ Nông nghiệp Ý khuyến khích sử dụng “túi thực phẩm” để đựng các món thực phẩm dư thừa, đem quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc người vô gia cư. Chi tiết này đã rất thu hút sự quan tâm của người dân Ý - một đất nước có rất nhiều nhà hàng, quán ăn và người dân cũng có thói quen thường xuyên đi ăn tiệm.

Nếu những chuyển biến này được thực hiện hiệu quả, dự đoán đời sống văn hóa Ý sẽ có những biến đổi lớn theo hướng nhân văn, sẻ chia hơn.

Từ rất lâu, người Ý đã có ý tưởng về “túi thực phẩm” để các thực khách có thể mang về nhà những thực phẩm dư thừa từ bữa ăn mà họ không dùng hết tại nhà hàng, cửa hiệu.

Tuy vậy, khi đời sống ngày càng được nâng cao, hình ảnh những thực khách bước ra khỏi nhà hàng với “túi thực phẩm” không còn xuất hiện nữa, người ta không ngần ngại bỏ lại những thực phẩm thừa, để mặc nhân viên nhà hàng tự xử lý.

Tại sao “túi đựng thức ăn thừa” bỗng xuất hiện trở lại ở Ý? - 6

Giờ đây, những chiếc “túi thực phẩm” sẽ được đưa vào sử dụng trở lại tại các nhà hàng, kết hợp với chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân, nhằm khuyến khích họ cất thức ăn thừa vào túi sạch và đem cho những người vô gia cư trên đường phố.

Tại Châu Âu, hiện tại, ngoài Ý, còn có Pháp cũng đang tiến hành những biện pháp tích cực tương tự. Đầu năm nay, Pháp đã thông qua hàng loạt những biện pháp nhằm giảm lượng thực phẩm bị lãng phí. Tuy vậy, cách làm của hai quốc gia có khác nhau.

Tại Pháp, nếu một siêu thị bị phát hiện vứt bỏ thực phẩm thừa, siêu thị đó sẽ bị phạt tiền. Trong khi nhà chức trách Ý khuyến khích thiện tâm trong hành động của các bên, từ các nhà hàng, siêu thị cho tới cụ thể từng người dân, khơi dậy trong họ cảm nhận về lòng nhân ái. Không có bất cứ hình phạt nào đưa ra trong chiến lược của nhà chức trách Ý.

Hiện tại, Pháp và Ý được xem là hai quốc gia đi tiên phong trong những chính sách văn minh, hướng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn lương thực. Hai quốc gia này sẽ là những ví dụ điển hình với những kinh nghiệm điển hình.

Bích Ngọc
Tổng hợp