Tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của đồng bào vùng Đông Bắc

(Dân trí) - Trong không gian Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc 2015, tại nhà Văn hóa tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra triển lãm trưng bày, trình diễn nghi lễ sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống của các dân tộc trong vùng.

Trong không gian trưng bày triển lãm có trưng bày các tổ hợp chính, những nghi lễ, lễ hội tiêu biểu của đồng bào các dân tộc đại diện cho các vùng Đông Bắc Việt Nam. Ngoài trên 200 hiện vật gốc được mang đến từ Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên), triển lãm còn trưng bày rất nhiều tài liệu khoa học phụ trợ, trình diễn các tiết mục văn nghệ, dân gian để bổ trợ cho các tổ hợp trưng bày chính.

Vùng Đông Bắc gồm 10 tỉnh: Bắc Kạn, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc với 25 dân tộc cùng sinh sống. Tuy nhiên, mỗi tộc người lại có nét văn hóa đặc trưng khác nhau.

Tổ hợp triển lãm phiên chợ vùng cao trong khuôn khổ ngày hội.
Tổ hợp triển lãm phiên chợ vùng cao trong khuôn khổ ngày hội.

Điểm nhấn trong triển lãm lần này là lễ hội Lồng tồng, một lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Tày - Nùng ở vùng Đông Bắc. Lễ hội Lồng tông là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương; cầu mong cho cuộc sống khoẻ mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi... Những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hoá lâu đời của cư dân lúa nước.

Tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của đồng bào vùng Đông Bắc - 2

Triển lãm cũng trưng bày mô phỏng phiên chợ vùng cao và nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao trong nhóm người Dao đỏ.

Ngoài ra, nghi lễ “nàng hai” (hay còn gọi là nàng trăng) là nghi lễ đặc sắc nhất của dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc cũng được tái hiện trong không gian lễ hội. Trước đây, người Tày canh tác, sản xuất nông nghiệp và dựa vào thiên nhiên là chính. Lễ hội “Nàng hai” được nhân dân tổ chức nhằm cầu mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến nàng trăng đã mang đến một mùa màng tươi tốt, bội thu.

Nghi lễ Dâng tấm vải khô ướt để báo đáp công ơn cha mẹ được tái hiện trong không gian triển lãm.
Nghi lễ "Dâng tấm vải khô ướt" để báo đáp công ơn cha mẹ được tái hiện trong không gian triển lãm.

Từ xa xưa, việc tưởng nhớ, báo đáp công ơn cha mẹ đã được người Tày quan tâm, chú trọng đặc biệt. Điều này được thể hiện qua Nghi lễ “Dâng tấm vải khô ướt”, đây là một phong tục không thể thiếu trong tục cưới xin của người Tày. Từ câu dân gian người Tày “Bên ướt mẹ nằm, bên khô mẹ dành con ngủ”, trong lễ cưới, người con sẽ dâng tấm vải một bên để ướt và bên còn lại khô để tạ ơn người mẹ đã chăm sóc, nuôi nấng con từ lúc lọt lòng. Đây được đánh giá là một nét văn hóa, một trong những nghi lễ đặc sắc nhất của người Tày.

Trong khu vực trưng bày nghề dệt thủ công cũng thu hút rất đông du khách tham quan, thích thú. Trong số 25 dân tộc vùng Đông Bắc nước ta, tất cả các dân tộc đều có nghề dệt truyền thống khi công nghiệp chưa tiên tiến. Nghề dệt đã giúp họ tạo ra được những tấm vải, may được những tấm áo có tính thẩm mĩ cao.

Tổ hợp triển lãm nghề đánh cá ở Quảng Ninh.
Tổ hợp triển lãm nghề đánh cá ở Quảng Ninh.

Ngoài ra, triển lãm cũng trưng bày tổ hợp nghề rèn của người Nùng An ở xã Phú Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, nghề đánh bắt cá của địa phương miền biển Quảng Ninh, nghề làm gốm dân tộc Kinh ở Hương Canh, Vĩnh Phúc, nghề làm giấy bản của Dao đỏ ở Bắc Quang, Hà Giang…

Cũng trong không gian ngày hội, Ban tổ chức cũng trình diễn, giới thiệu trích đoạn nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc như sự tích khèn Mông của đoàn Hà Giang, tái hiện lễ cưới của người Dao đỏ ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, hát xoan truyền thống của Phú Thọ...

Trích đoạn sự tích cây khèn Mông của đoàn tỉnh Hà Giang.
Trích đoạn sự tích cây khèn Mông của đoàn tỉnh Hà Giang.

Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và đơn vị đăng cai là tỉnh Bắc Kạn. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông bắc diễn ra trong 3 ngày (từ 10/9 đến hết ngày 12/9) với sự tham gia của 10 tỉnh vùng Đông Bắc

Trong khuôn khổ ngày hội, sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc như trình diễn, giới thiệu những trích đoạn sinh hoạt văn hóa hoặc trích đoạn lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc; liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc vùng đông bắc, tổ chức tọa đàm liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đông Bắc, Hội chợ thương mại – Du lịch và các hoạt động thể dục - thể thao…

Tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của đồng bào vùng Đông Bắc - 6
Hai nghệ nhân quần chúng đến từ huyện Ba Bể, Bắc Kạn đang biểu diễn múa khèn Mông.
Hai nghệ nhân quần chúng đến từ huyện Ba Bể, Bắc Kạn đang biểu diễn múa khèn Mông.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông bắc là một hoạt động văn hóa chính trị quy mô lớn được tổ chức nhằm giới thiệu quảng bá với bạn bè trong nước và Quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc.

Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Nghề rèn truyền thống của người Nùng An tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng.
Nghề rèn truyền thống của người Nùng An tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng.

Ngày hội cũng là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh trong khu vực. Đây còn là dịp giới thiệu, quảng bá và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào các dân tộc và vùng Đông Bắc.

Xuân Thái

 

Tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của đồng bào vùng Đông Bắc - 9