1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tái hiện cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bằng vở cải lương đồ sộ

(Dân trí) - Chiều 4/1, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã họp báo ra mắt vở cải lương “Hừng đông” của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên.

Vở cải lương “Hừng đông” là những câu chuyện xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Vở diễn hướng đến việc chào mừng đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô từ 7 đến 9/1 và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.

Toàn ảnh buồi họp báo giới thiệu vở diễn tại Hà Nội chiều 4/1. Ảnh: HTL.
Toàn ảnh buồi họp báo giới thiệu vở diễn tại Hà Nội chiều 4/1. Ảnh: HTL.

“Hừng đông” có khai từ và 7 cảnh, được xây dựng theo tiến trình thời gian, từ khi Phan Đăng Lưu đang làm nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba (Phú Thọ) về thăm nhà đến quãng thời gian ông từ bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy của thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng ở Nghệ An, Huế rồi bị bắt giam ở nhà tù Buôn Mê Thuột (1929 - 1936). Ngoài ra, những dấu mốc như: “Tòa Khâm sứ Trung Kỳ” đánh dấu việc Phan Đăng Lưu chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Huế (1936-1939); “Nam Kỳ” tái hiện bối cảnh xứ sở Nam Kỳ sục sôi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa và cảnh Phan Đăng Lưu ra Bắc dự “Hội nghị Trung ương ở Đình Bảng”, xin chủ trương đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cũng được tái hiện trên sân khấu để khán giả hiểu rõ hơn về sự nghiệp cách mạng của người chí sỹ cộng sản này.

Cảnh kết của vở diễn là “Hừng đông” tái hiện cảnh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man; Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…

Các nghệ sỹ sẽ góp mặt trong vở diễn. Ảnh: HTL.
Các nghệ sỹ sẽ góp mặt trong vở diễn. Ảnh: HTL.

Trong quá trình xây dựng kịch bản văn học và chuyển thể kịch bản văn học thành vở cải lương, các tác giả đã nêu bật được trí thông minh, bản lĩnh, hoài bão của Phan Đăng Lưu đặt trong bối cảnh truyền thống văn hóa, yêu nước của gia đình Phan Đăng Lưu ở Nghệ An.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, năm 2015, đất nước kỷ niệm 75 năm khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó nhà cách mạng Phan Đăng Lưu được Đảng giao trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này. Trong quá trình xây dựng hình tượng người Cộng sản ưu tú của Đảng ở giai đoạn lịch sử khó khăn, lúc ông đang nắm cương vị cao nhất của Đảng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm và chấp nhận hy sinh… PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi hoàn thành xong kịch bản văn học với độ dài hơn 100 trang ông lại cảm thấy rất mãn nguyện bởi toàn bộ cuộc đời của nhà cách mạng họ Phan đã được tái hiện rõ nét và chân thật nhất.

NSƯT Triệu Trung Kiên, người đã chuyển thể kịch bản văn học thành cải lương chia sẻ rằng, lâu lắm rồi Nhà hát mới dàn dựng được một vở về đề tài đấu tranh cách mạng. “Hừng đông” đề cập đến trang sử vàng của Đảng và hướng đến chào mừng đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng nên áp lực đối với êkíp là rất lớn. Những lo lắng đã sớm vơi khi Nhà hát tổ chức chạy buổi đầu tiên vào hôm 4/1 và nhận thấy mọi thứ đã đúng quỹ đạo như những gì êkíp mong muốn.

Demo sân khấu của vở Hừng đông. Ảnh: NHCLVN.
Demo sân khấu của vở "Hừng đông". Ảnh: NHCLVN.

Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, sau một loạt vở diễn cộng tác với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ như: “Chuyện tình Khâu Vai”, “Mai Hắc Đế”… gây sự chú ý của khán giả thì đến vở diễn này gánh nặng tâm lý khiến anh cảm thấy rất nặng nề.

“Tôi rất sợ bị công luận đánh giá là lặp lại, không có sự mới mẻ. Thêm vào đó, đây là một vở diễn về đề tài cách mạng nên vừa có sự mới mẻ, vừa lay động được tâm thức người xem, giữ chân được khán giả đến phút cuối quả là thử thách không hề nhỏ. Chúng tôi đã phải nhiều lần bàn bạc với nhau, với tác giả kịch bản để làm mới vở diễn. Và cuối cùng chúng tôi đã thống nhất được với nhau là sẽ mời một nhóm nhạc đường phố, toàn các bạn trẻ 9x tham gia trong vở diễn này”, đạo diễn Trung Kiên bật mí.

Theo đó, là một sự đan xen, hòa quyện nhiều loại hình nghệ thuật với nhau. Người trẻ, người già… cùng nhau kể, cùng bàn về một câu chuyện cách mạng. Sự trẻ trung và không phải dân chuyên của nhóm nhạc đường phố sẽ góp phần mang đến cho vở diễn hơi thở mới.

Hà Tùng Long