1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Sự trượt dốc không ngờ của cô gái thất bại tại cuộc thi ca hát

(Dân trí) - Câu chuyện có thật dưới đây xảy ra với một cô gái đã thất bại tại một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát. Cô gái bị suy sụp và thay đổi hoàn toàn sau khi đi thi, khiến mẹ của cô cho rằng quyết định đi thi của cô chính là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời.

Mới đây, một bà mẹ của một thanh niên mắc chứng tự kỷ ở Anh đã lên tiếng chia sẻ về việc con gái mình đã thay đổi hoàn toàn sau khi trải qua một phần thử giọng thất bại tại một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát đình đám tại Anh. Đối với bà mẹ này, việc con mình tham gia thi thố trên truyền hình là “điều tệ nhất mà con bé từng làm”.

Hiện tại, danh tính của người mẹ và cô con gái được giữ kín để bảo đảm cuộc sống của họ không trải qua thêm sóng gió nào nữa. Bà mẹ thú nhận rằng con gái mình vốn bị ám ảnh với việc trở nên nổi tiếng, khi phải đối diện với sự thật mình không có tài năng và cảm thấy quá đỗi xấu hổ về phần thi thử giọng của mình, cô gái đã suy sụp.

Ngay sau đó, cô đã rời trường đại học, bắt đầu dễ dãi trong các mối quan hệ với người khác giới, thậm chí còn trải qua những mối quan hệ đồng giới.

Những sự thay đổi chóng mặt của cô gái đã khiến những nhân viên xã hội vốn đã được biết về tình trạng sức khỏe tâm thần của cô lo sợ rằng cô gái đã dần đánh mất đi khả năng tỉnh táo trong việc đưa ra các quyết định trong cuộc sống riêng của mình.

Vì vậy, trường hợp của cô đã được đưa ra tòa án ở thành phố Newcastle upon Tyne, Anh để xem có nên đưa cô vào diện cần quan tâm đặc biệt hay không.

Cô gái trong câu chuyện này đã tham gia một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát khá nổi tiếng ở Anh hồi năm 2012.
Cô gái trong câu chuyện này đã tham gia một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát khá nổi tiếng ở Anh hồi năm 2012.

Mẹ của cô gái cho biết sau khi phần thi rớt của cô được phát sóng trên truyền hình, cô đã nhận được những email, tin nhắn trên mạng với lời lẽ xúc phạm, gây tổn thương, kể từ đó, cô nhanh chóng bị suy sụp và thay đổi phong cách sống một cách chóng mặt.

Thẩm phán xử lý vụ việc của cô gái (hiện giờ đang ở tuổi 20) cho rằng trong những năm trở lại đây, cô đã hành xử rất tệ, tự đẩy mình trượt dốc theo một lối sống “liều lĩnh, dễ dãi và tự hủy hoại bản thân”, rằng cô đang rơi vào một con khủng hoảng tâm lý, đánh mất niềm tin vào chính mình sau những gì đã xảy ra. Tất cả xảy đến vì cô đã quá thất vọng về bản thân sau cuộc thi.

Tuy vậy, thẩm phán cho rằng trong tình trạng hiện tại, cô vẫn là một cá nhân có khả năng tự đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống riêng của mình và không cần có sự can thiệp, bảo trợ nào. Trong các thông tin công bố cho báo chí, tòa án cũng giữ kín danh tính của cô gái.

Các nhân viên xã hội đã được mẹ của cô liên hệ nhờ giúp đỡ sau khi cô đe dọa tự kết thúc cuộc sống của mình.

Sự trượt dốc không ngờ của cô gái thất bại tại cuộc thi ca hát - 2

Báo chí phương Tây từ lâu đã quan tâm tới việc một số chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng đã cố tình lợi dụng những phần thi “thảm họa” nhằm mục đích gây cười, tăng tính giải trí bên lề cho chương trình. Điều này thoạt tiên tưởng chỉ “vui vui”, vô hại, nhưng đằng sau đó là những hệ lụy khó lường xảy đến với cuộc sống riêng của thí sinh.

Những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng đôi khi có những thí sinh “kỳ lạ” đến dự thi, họ là những người có nét tâm lý hơi khác thường, hoặc do tính cách riêng hoặc do bản thân thí sinh có những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đôi khi những thí sinh này có phần thi khá tệ và một số chương trình đã cố tình xoáy sâu vào những tiết mục như vậy.

Một trường hợp tương tự từng xảy ra tại cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Anh năm 2009 khi Á quân của cuộc thi - nữ ca sĩ Susan Boyle - đã phải trải qua “sự suy sụp, kiệt quệ về tinh thần và cảm xúc”.

Năm 2013, nữ ca sĩ người Anh đã chia sẻ công khai rằng thực tế bà bị mắc hội chứng Asperger (một dạng tự kỷ nhẹ) từ nhỏ, và trải nghiệm tại cuộc thi dường như vượt quá sức chịu đựng của bà. Bản thân nhà sản xuất chương trình cũng cho biết trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, nữ ca sĩ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn tâm lý.

Vì vậy, sau khi trượt ngôi vị Quán quân và dừng lại ở vị trí Á quân 2, Susan Boyle đã phải nhập viện điều trị tâm lý một thời gian.

Sự trượt dốc không ngờ của cô gái thất bại tại cuộc thi ca hát - 3

Hiện hai chương trình truyền hình thực tế lớn của Anh là Tìm kiếm Tài năng Anh và Nhân tố bí ẩn đều có bác sĩ tâm lý sẵn sàng phục vụ bất cứ ứng viên nào trong suốt quá trình tham gia chương trình. Những thí sinh nhỏ tuổi phải có người lớn đi cùng và mọi thí sinh đều được khuyến khích tiết lộ bất cứ khó khăn nào của bản thân khi đến với cuộc thi.

Một số tổ chức chăm sóc sức khỏe tâm thần đã từng lên tiếng chỉ trích các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng hiện nay đang có xu hướng lợi dụng những thí sinh có vấn đề về tâm lý - tâm thần để khiến chương trình của họ thú vị hơn.

Các bác sĩ tâm lý khẳng định rằng những vấn đề tâm lý - tâm thần tồn tại ở con người nói chung rất đa dạng với những mức độ và biểu hiện khác nhau. Các chương trình truyền hình nên cẩn trọng trong cách ứng xử với thí sinh để tránh gây cho họ những hệ lụy trong cuộc sống riêng.

Trở lại với trường hợp của cô gái kể trên, tòa án chịu trách nhiệm xử lý trường hợp của cô cho rằng việc mạo hiểm một cách có suy xét ở lứa tuổi thanh niên là rất thường thấy và có thể đưa lại nhiều lợi ích bởi nó giúp người trẻ học được nhiều bài học quý giá.

Vỗn dĩ việc mạo hiểm đã luôn tiềm ẩn những nguy cơ, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi và cũng là một phần cần thiết trong cuộc sống cũng như sự trưởng thành. Sau khi cô gái xuất hiện tại tòa để thể hiện sự hối hận vì những sai lầm đã qua, đồng thời thể hiện mong muốn sống có trách nhiệm hơn với bản thân trong tương lai, tòa án đã quyết định không đưa cô gái vào diện cần chăm sóc đặc biệt.

Phần thi thử giọng đầy ấn tượng của Susan Boyle tại Tìm kiếm Tài năng Anh 2009

Bích Ngọc
Theo Daily Mail