1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Scandal làm rung chuyển đế chế truyền thông BBC

(Dân trí)– Hàng loạt sự vụ bê bối liên quan tới lạm dụng tình dục trẻ em và đưa thông tin sai lệch đã khiến BBC rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Scandal làm rung chuyển đế chế truyền thông BBC


Dường như BBC đang “gặp hạn” khi hàng loạt những scandal liên tiếp xảy đến với hãng thông tấn lớn vào hàng nhất nhì thế giới.

Jimmy Savile và Michael Souter – những cựu nhân viên của BBC hiện là hai cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày này. Từng là những gương mặt nổi bật trên truyền hình, là người dẫn chương trình cho đài BBC, nhưng họ lại phảm phải những tội danh liên quan tới lạm dụng tình dục trẻ em.

Cơn chấn động này chưa qua thì scandal khác lại xảy tới. Ngay trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” này, ông George Entwistle - Tổng Giám đốc Hãng truyền thông BBC, đêm 10/11 lại phải đưa ra quyết định từ chức sau khi một bản tin trong chương trình trình thời sự Newsnight của hãng nhầm lẫn một cựu quan chức Anh là kẻ lạm phạm tội ấu dâm. Đồng thời, BBC cũng phải bồi thường cho vị chính khách bị tổn hại danh dự 300.000 đô la (tương đương 6,2 tỉ đồng tiền Việt). Chương trình Newsnight bị tạm dừng để đánh giá lại công tác biên tập.

Đứng trước những vụ bê bối lớn liên quan tới vấn đề tư cách, đạo đức và độ chính xác, tin cậy của thông tin, BBC đang thực sự lúng túng. Uy tín và hình ảnh chuyên nghiệp mà bấy lâu hãng thông tấn này xây dựng được đã bị thử thách dữ dội chỉ trong vài tháng qua. Chủ tịch hội đồng quản trị của hãng đã lên tiếng kêu gọi cải tổ sâu sắc để lấy lại danh tiếng cho BBC.

Không thể nói hết tầm quan trọng của đài BBC đối với xã hội Anh, tầm ảnh hưởng của nó bao trùm mọi mặt xã hội, “xuất khẩu” văn hóa Anh tới với khán giả thế giới. Sẽ không quá lời khi nói BBC góp phần làm nên một đế chế Anh hùng mạnh. BBC được coi là tiếng nói nước Anh.

Khi Chủ tịch Hội đồng quản trị của BBC kêu gọi cải tổ sâu sắc, nó mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn những lời ông đã nói. Một hãng truyền thông hùng mạnh vốn luôn ý thức được trọng trách của mình đối với cả quốc gia giờ đang lâm vào cảnh khủng hoảng.

Kể từ khi những vụ bê bối tình dục bị khui ra đã có hàng trăm cuộc gọi gọi tới cảnh sát để tố cáo về những hành vi đồi trụy của người dẫn chương trình từng được yêu thích một thời - Jimmy Savile. Câu hỏi tiếp tục được đặt ra là liệu trước đây lãnh đạo đài BBC có từng nhận được những lời tố cáo này và có phải họ đã cố tình che giấu hoặc lờ đi những lời tố cáo.

Biên tập viên kỳ cựu cho chuyên mục tin thế giới của đài – nhà báo John Simpson đã đưa ra nhận định về tình hình của BBC lúc này: “Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà tôi biết trong quá trình làm việc tại đài suốt gần 50 năm qua. Tôi nghĩ BBC đang xử lý khá vụng về. Tất cả những gì mà một hãng thông tấn có được là lòng tin của người dân, khiến người dân phải nghe, phải xem chương trình của mình. Nếu chúng ta bắt đầu khiến khán giả lung lạc lòng tin, đó sẽ là một viễn cảnh nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống truyền thông của BBC.”

BBC đang trải qua cơn rung động kinh hoàng nhất với những sự đảo lộn lớn lao về nhân sự, những cuộc điều tra từ phía cảnh sát và liên tiếp những email, điện thoại từ phía người dân gửi về.

Trong những ngày này, tin tức về những vụ scandal lớn của BBC vẫn tiếp tục thống trị dư luận Anh. Từ nhà riêng, nơi làm việc, trên xe buýt, quán cà phê, đâu đâu người dân cũng bàn luận về Jimmy Savile – gương mặt nổi tiếng trên truyền hình một thời lại có thể lừa dối sự yêu quý của người dân và gây ra nhiều chuyện khủng khiếp tới như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng do mức độ phủ rộng của hệ thống các chi nhánh con của đài BBC quá lớn và đài này cũng phát triển với tốc độ quá nhanh nên đã dẫn tới việc cấu trúc nhân sự bị phân tán. Họ đã không có được “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt để tập trung trách nhiệm quản lý một cách rõ ràng và hiệu quả.

Tuyên ngôn ấn tượng của đài BBC: “Nền tảng của chúng tôi chính là lòng tin của các bạn: Chúng tôi hoạt động độc lập, công bằng và trung thực”, nhưng dường như yếu tố lòng tin của khán giả mà BBC đưa lên hàng đầu đã suy giảm khá lớn trong thời gian qua vì hàng loạt những scandal chấn động dư luận.

Ông Kevin Marsh, từng là một biên tập viên hàng đầu tại đài BBC đã trả lời hãng tin AP rằng BBC cần giải thích rõ ràng và trung thực hơn nữa với người dân về những gì đã xảy ra và quan trọng nhất là phải thú nhận chân thành những lỗi lầm, sơ suất về quản lý. Dù rằng chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian để hình ảnh BBC có thể trở lại như xưa nhưng BBC cần phải trực diện đối mặt với thực tế rằng giờ đây đài phải bắt đầu xây dựng lại lòng tin của công chúng đối với mình vì quả thực nó đã sụt giảm nhiều.

 
Pi UyTheo Washington Times