Sân khấu kịch thành phố rộn ràng các vở diễn đón hè

(Dân trí) - Trong dịp hè, các sân khấu kịch tại TP.HCM đã cho ra mắt những vở diễn đặc biệt dành cho thiếu nhi.

Điểm danh những vở diễn mới

Chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” đã làm nên thương hiệu riêng cho sân khấu kịch Idecaf, các vở diễn của chương trình này luôn được đón nhận và yêu thích. Năm nay, sân khấu Idecaf ra mắt vở thứ 28 nằm trong chuỗi "Ngày xửa ngày xưa" mang tên Nàng công chúa đi lạc (tác giả: Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh). Câu chuyện kể về nàng công chúa ở xứ sở hạnh phúc bướng bỉnh, muốn thay đổi cuộc sống, thích được một lần làm người xấu. Vì mong ước này, nàng công chúa mất tích, các hoàng tử, đã phải vất vả thực hiện chuyến tìm kiếm cô em gái cá tính của mình.

Nàng công chúa đi lạc
Nàng công chúa đi lạc

5 năm thành lập, đều đặn mỗi năm, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đều đầu tư 1 vở dành cho thiếu nhi. Năm trước, do phải chuẩn bị cho việc dời địa điểm nên sân khấu không đầu tư cho ra mắt vở mới. Năm nay sân khấu Hoàng Thái Thanh giới thiệu vở kịch thiếu nhi Lọ Lem và Hoàng tử (tác giả: Hoàng Thái Thanh - Tấn Phát, đạo diễn: NSƯT Thành Hội - Tấn Phát). Kịch bản dựa theo truyện cổ Grimm với những nhân vật quen thuộc, thêm vào đó những yếu tố mới lạ tạo sự bất ngờ thú vị. 

Lọ lem và Hoàng Tử
Lọ lem và Hoàng Tử

Sân khấu Sao Minh Béo có vở kịch thiếu nhi Nữ thần Mặt trăng . Câu chuyện kể tạo được dấu ấn với người xem về tình mẫu tử thiêng liêng, sự đối đấu giữa điều thiện và cái ác, định hướng và giáo dục khán giả nhỏ đến với những việc làm tốt đẹp giữa cuộc sống đời thường.

n
Nữ thần mặt trăng
Nữ thần mặt trăng

Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cho ra mắt vở kịch xiếc rối Cậu bé người gỗ. Vở diễn được dàn dựng công phu với sự kết hợp cả ba loại hình kịch, xiếc và múa rối.

Cậu bé người gỗ
Cậu bé người gỗ

Khó khăn nhưng vẫn đầu tư chỉnh chu

Điểm nhấn của các vở đó chính là sự đầu tư về nội dung, hình ảnh và trang phục tạo sự mới lạ, cuốn hút và ở mỗi vở diễn đều có được thế mạnh cho riêng mình.

Trong vở kịch Lọ Lem và Hoàng tử, điểm nhấn là màn ca vũ kịch với những nhân vật diện trang phục sặc sỡ góp phần đem lại không khí sôi động, khiến thông điệp về lòng nhân ái của vở kịch không trở nên khiên cưỡng, giáo điều khi tiếp cận khán giả.

Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Thái Quốc, Quốc Thịnh, Lương Duyên, Thái Kim Tùng, Nhã Uyên, Tuyết Mai, Khánh Vân, Thanh Tuấn...

Sân khấu Idecaf luôn có lực lượng diễn viên hùng hậu hóa thân vào các nhân vật tạo sự hoành tráng cho vở. Vở diễn đánh dấu 15 năm chương trình "Ngày xửa ngày xưa" nên được đầu tư về trang phục và âm nhạc. Hơn 100 bộ váy áo xuất hiện trong vở diễn, nhiều màu sắc, kiểu dáng để thu hút các khán giả nhỏ tuổi đi vào thế giới cổ tích. Đặc biệt, nghệ sĩ Thành Lộc đảm nhận đến 4 nhân vật trong vở diễn này. Ngoài ra, vở diễn còn có sự tham gia của NSƯT Hữu Châu, Hoàng Trinh, Bạch Long, Đình Toàn…những diễn viên chủ lực của sân khấu Idecaf.

Vở kịch xiếc rối Cậu bé người gỗ cũng là vở diễn hấp dẫn. Đặc biệt, câu chuyện tạo sự cuốn hút với khán giả bằng những pha rượt đuổi, nhào lộn, đu bay, đấu võ trên không. Sự góp mặt vui nhộn của nhân vật trong câu chuyện quen thuộc này: dế già, sói hoang, mèo điên…

Nói về ý nghĩa của việc thực hiện các vở diễn nhân dịp hè phục vụ thiếu nhi, nghệ sĩ Ái Như cho biết: “Đối với thiếu nhi, các em chính là tương lai của đất nước, vì vậy, chúng tôi muốn dành cho các em những gì tốt đẹp nhất. Tâm hồn các em còn rất trong sáng, chính vì vậy cần gieo vào đầu các em những ước mơ tốt đẹp, kỷ niệm đẹp trong lòng, sự hướng thiện để các em lớn lên vẫn còn lưu giữ những điều ý nghĩa đó”.

Nghệ sĩ Ái Như
Nghệ sĩ Ái Như

Chính vì vậy, các vở diễn tại sân khấu được đầu tư ở mức không hề nhỏ về mặt nội dung lẫn hình thức, sự cố gắng hoàn thiện ở mức chỉn chu nhất. Hiện tại, tình hình chung của sân khấu kịch không khả quan và luôn gặp khó khăn về kinh tế, nhưng các sân khấu vẫn muốn đầu tư để cho ra mắt vở diễn thu hút và mới lạ.

Băng Châu