Giới trẻ Việt, văn hóa đọc và sự “khủng hoảng” (I)

“Sách ngôn tình kích thích bản năng, thỏa mãn tâm sinh lý như… ma túy”?

(Dân trí) - Trước đây, người ta “phàn nàn” rằng giới trẻ ngày càng không chịu đọc sách. Tỷ lệ sách trên đầu người ở Việt Nam quá thấp. Bây giờ, người ta lại “phàn nàn”, giới trẻ chỉ đọc rác ngôn tình- những cuốn “cố súy hiếp dâm” và là “truyện sex trá hình”… Tại sao?

Sách ngày càng là thứ… xa xỉ

Một khoảng thời gian dài, chuyện người Việt “lười” đọc sách (với tỷ lệ sách trên đầu người vào diện thấp trên thế giới) từng được xem là nỗi… hổ thẹn, và từng là đề tài “nóng” trên các diễn đàn. Có muôn vàn lý do được đưa ra để giải thích cho việc… “lười” đọc sách của người Việt. Trong số những người Việt “lười” đọc sách, rất đông giới trẻ được lấy ra như một ví dụ tiêu biểu. Người ta đặt ra nhiều câu hỏi, vì sao “bọn trẻ” bây giờ không chịu đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách có giá trị.

Khi sách ngôn tình nở rộ, khi hàng loạt cuốn bị đình bản vì “cố súy hiếp dâm”, vì là “truyện sex trá hình”, dư luận lại được phen giật mình trước “văn hóa đọc” của một bộ phận không nhỏ giới trẻ bây giờ.

Sách ngôn tình tràn ngập
Sách ngôn tình tràn ngập

Đứng trước sự “bùng nổ” của dòng sách ngôn tình, của các tin lá cải, giật gân đăng nhan nhản khắp các website, các trang mạng xã hội, nhiều người lớn đã phải giật mình.

Trước câu hỏi, “Liệu có hay không “sự khủng hoảng” trong văn hóa đọc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt?”, nhà văn Trần Thị Trường phân tích, “Ngày nay, do sự khắc nghiệt của cường độ lao động nên dường như quỹ thời gian dành cho vui chơi giải trí của con người ngắn bớt đi, hoặc nói cách khác nó được chia ra cho nhiều loại hình giải trí khác nhau, khiến cho đọc sách là một thú vui bị đặt lên bàn lựa chọn. Không ít người chỉ coi sách là thứ giết thời gian chờ tầu xe, hoặc thỏa chí tò mò. Vì thế, sách mỏng, sách vui vẻ, sách có vẽ nhiều tranh hơn ngôn ngữ miêu tả được người đọc tìm đến”.

Theo nhà văn Trần Thị Trường, ““Chủ nghĩa nghe nhìn” lấn át thời gian, (mặt tích cực của “nghe nhìn” ai cũng biết, nhưng mặt trái của “nghe nhìn” là làm giảm khả năng tưởng tượng và hình dung) cho nên người ta thích nghe nhìn hơn là đọc sách vì đọc sách phải vận dụng trí tưởng tượng. Con người hiện đại không cần biết đến từ đâu, và sau này sẽ về đâu, sau hóa thân tro bụi sẽ là gì, tư duy triết học ấy khiến con người xơ cứng, những trí thức trẻ chỉ quan tâm đến “Ta làm gì để tồn tại? Có tên trên Google là một tồn tại dù đó là một thế giới ảo”, câu hỏi cũ không còn khiến con người hiện đại bận tâm. Số còn lại, không quan tâm đến tồn tại hay không tồn tại, sự có mặt của họ là ngẫu nhiên, họ ra đi không để lại dấu vết, thì họ cần gì phải tư duy, họ ăn, mặc, ngủ, hưởng thụ. Hưởng thụ của họ cũng đơn giản, họ tìm cái đơn giản để hưởng thụ. Có cung thì có cầu, những cái đơn giản ra đời mang danh văn hóa…”.

Những cái đơn giản ra đời, mang danh văn hóa
"Những cái đơn giản ra đời, mang danh văn hóa"

“Sách ngôn tình kích thích bản năng thấp, gây hiệu ứng thỏa mãn tâm sinh lý tức thì”

Việc giới trẻ “ồ ạt” đọc sách ngôn tình, nhà văn Trần Thị Trường cho rằng, “Khi bản lĩnh văn hóa yếu ớt, khi không tự mình thẩm định và đặt ra được thang giá trị thì con người rất hay nhầm lẫn và nảy sinh tính a dua, hùa theo số đông”.

“Từ một vài người, hay một vài dòng tin trên mạng nói về cuốn sách nào đó hay, thế là lao theo tìm đọc, có khi đọc được nửa chừng thì chán nhưng đã trót mua (việc này khiến cho người bán sách hoặc tác giả của nó tưởng là loại sách đó ăn khách). Lý do nữa khiến tuổi trẻ thích tiểu thuyết yêu đương sướt mướt, là vì nó dễ đọc, nó chẳng bắt người đọc phải tư duy nhiều, ngoài ra những ngôn ngữ dùng trong loại tiểu thuyết này nó kích thích phần bản năng thấp, gây hiệu ứng thỏa mãn tâm sinh lý tức thì ( nhưng giống như ma túy, rất có hại cho tương lai của bản thân người đó)”- Nhà văn Trần Thị Trường khẳng định.

Nhà văn Trần Thị Trường
Nhà văn Trần Thị Trường

Lao vào những cuốn sách “kích thích phần bản năng thấp” và có thể “gây hiệu ứng thỏa mãn tâm sinh lý tức thì”, sẽ không mang lại bất kỳ giá trị nào về mặt thẩm mỹ cũng như “nhân học” cho người đọc.

Và cũng giống như một loại ma túy, để “thoát” ra khỏi những thể loại sách như thế, sẽ không phải là chuyện dễ dàng.

(Còn tiếp)

Nhà văn Trần Thị Trường nhắc nhớ lại vị trí và giá trị của những cuốn sách hay đối với quá trình hình thành nhân cách con người- “Ngày xưa, nhân loại coi giá sách (tủ sách) là vật trang trí tao nhã nhất trong ngôi nhà. Sách hay là vật bất ly thân, đọc sách là niềm vui đầu đời của con người ý thức bởi từ sách con người hình thành tư duy thẩm mỹ, phát triển trí tưởng tượng. Tuổi nhỏ đọc sách với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi cốt truyện đơn giản nhưng giàu hình ảnh, lớn lên đọc những cuốn sách trữ tình (romantic), sử, dã sử… Rồi câu hỏi: “Ta là ai, ta từ đâu đến, ta sẽ đi về đâu” xuất hiện.

Con người đi tìm câu trả lời trong những cuốn sách kinh điển, khó đọc hơn. Khó đọc, và rất cần vận động tư duy một cách ráo riết, nhưng sau khi đọc, bản lĩnh văn hóa được hình thành dần dần, con người trở nên có nhân tính và có thẩm mỹ, có khả năng phân biệt đúng sai, một cách tự nhiên và dễ dàng khước từ những gì xấu xa bỉ ổi, có xúc cảm xấu hổ và biết xấu hổ. Như vậy, từ việc đọc sách để giải trí, kiến thức sẽ đến với con người”.

Nhóm phóng viên Văn hóa