Quảng cáo phim "cấp 3" cho… trẻ em

Không chỉ xuất hiện quảng cáo về phim cấp 3 trên thuê bao điện thoại di động, giờ đây chuyện quảng cáo văn hóa phẩm đồi trụy này còn lấn sang cả đối tượng trẻ em.

Quảng cáo phim cấp 3 cho… trẻ em

Những hình ảnh mát mẻ, và tên những bộ phim nghe rất “nóng” được in ngay trên bìa đĩa dành cho thiếu nhi (ở góc bên trái phía dưới)

Trên thị trường hiện nay, không khó bắt gặp những hình ảnh “nhạy cảm” và những lời mời “có cánh” ở bìa sau của các băng đĩa; trong đó có rất nhiều loại băng đĩa dành cho thiếu nhi cũng được tận dụng để quảng cáo phim cấp 3 và những vấn đề liên quan đến tình dục…

Đi một vòng quanh các quầy bán băng đĩa của TP Huế và hỏi về các đĩa ca nhạc thiếu nhi, phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, chúng tôi đều được giới thiệu rất nhiệt tình. Nhưng khi cầm trên tay các đĩa VCD, DVD ca nhạc thiếu nhi bé Xuân Mai, phim hoạt hình Tom & Jerry… người mua mới giật mình vì bìa sau của chúng đều có in hình những cô gái ăn mặc gợi cảm, kèm theo đó là những lời mời rất “nóng” như: bí quyết “lên đỉnh”, phim nóng bỏng nhất, phim tải nhiều nhất, phim sexy mới nhất… và tiếp đó là tên của một loạt bộ phim kèm theo mã số.

Chúng tôi đã thắc mắc và yêu cầu được đổi đĩa khác, nhưng chọn đĩa thiếu nhi nào hay cũng gần như có loại quảng cáo nói trên. Theo các chủ cửa hàng băng đĩa, những đĩa có quảng cáo “mát mẻ” này là hàng lấy từ TP. Hồ Chí Minh; dù có không thích cũng phải nhận vì đó là đầu mối làm ăn lâu năm. Một chủ hàng băng đĩa ở đường Bến Nghé, TP Huế cho biết, nhiều khi các bậc phụ huynh đến mua đĩa thiếu nhi và thắc mắc vấn đề này, anh cũng rất ngại; nhưng nếu gỡ bỏ bìa giới thiệu đi để đĩa không thì chẳng ai mua cả.

Loại đĩa này các cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh không chỉ cung cấp ở Huế mà còn cho nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Nếu mình có lên tiếng “góp ý”, hay cố gắng khắc phục gì đi nữa thì ở địa phương khác cũng có loại đĩa này thôi; khó dẹp hết được. “Tôi cũng đã từng lấy kéo cắt cái góc quảng cáo “bậy bạ” kia đi, cũng khó khi là lấy bút màu bôi đen. Nhưng nhìn vào thì lại mất thẩm mỹ, và cũng không có đủ thời gian để tẩy xóa hàng ngàn băng đĩa như thế được”, chủ hàng băng đĩa cho biết.

Chị Nguyễn Thị Minh, một phụ huynh bức xúc: “Không hiểu các cơ quan chức năng có kiểm tra các cơ sở in đĩa này không, chứ để làm kiểu ni thì khác nào nhồi “độc hại” cho trẻ con. Mấy đứa nhỏ chưa biết đọc, biết viết thì còn được, chứ đứa lớn hơn nếu nhìn vào những hình ảnh “mát mẻ” và lời lẽ “mời chào” này sẽ có suy nghĩ gì, hành động gì… Hậu quả thật khó lường”. Một phụ huynh khác cho biết, từ những hình ảnh và mã số quảng cáo trên đĩa, đã có trẻ em lấy điện thoại của cha mẹ để gọi điện theo số này. Do không biết nhắn tin (loại quảng cáo này là nhắn tin) nên cháu này chỉ ấn số liên tục và gọi… đến khi cuối tháng, cha mẹ cháu nhận được hóa đơn điện thoại lên đến hơn 2 triệu đồng?

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế thừa nhận trên địa bàn hiện nay có rất nhiều quầy băng đĩa có những quảng cáo như thế. Nhưng đây là hàng từ chỗ khác chuyển về bởi ở Huế vẫn chưa cấp phép cho cơ sở nào in đĩa giải trí (trừ các cơ sở in băng đĩa đám cưới, liên hoan…). Việc này, ngành thanh tra đã kiểm tra nhiều lần và nhắc nhở các chủ hàng phải có biện pháp để “ẩn” các quảng cáo “mát mẻ” đó đi.

Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, những băng đĩa nói trên đều không có tem nhãn, mà người địa phương thường gọi là “đĩa lậu”. Chính vì không có tem nhãn nói trên nên giá rất rẻ, nhiều cửa hàng nhận về hàng nghìn đĩa. Nhiều lần cơ quan chức năng kiểm tra nhưng cũng khó xử phạt, vì nếu tịch thu thì tịch thu gần như toàn bộ băng đĩa của các cửa hàng. Và phải chăng cũng chính vì sự “thả tay” của cơ quan chức năng mà loại hình quảng cáo phim cấp ba này xuất hiện và ngày càng nhiều trên các băng đĩa giá rẻ này (!?).

Theo Sơn Thùy

Văn hóa