Khánh Hòa:

Phố biển đông nghẹt khách, bảo tàng vẫn trầm lắng

(Dân trí) - Mùa này các điểm tham quan ở Nha Trang đang đông nghẹt khách nhưng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa mặc dù tọa lạc tại khu “đất vàng” đường Trần Phú (TP Nha Trang) nhưng lại trầm lắng khách.

Chiều 7/8, lãnh đạo Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết, vừa qua sở này đã cử cán bộ đi thực tế, tham quan một số bảo tàng ở các tỉnh bạn để học tập, đúc rút kinh nghiệm.

“Mời khách mà người ta còn chưa vào”!

Thời gian gần đây, khắp các điểm tham quan ở TP Nha Trang luôn nhộn nhịp du khách, thậm chí có nơi quá tải nhưng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa lại khá vắng vẻ, trầm lắng. 14h30 ngày 31/7, chúng tôi đến thăm bảo tàng thì cũng là những vị khách đầu tiên trong chiều hôm đó.

Chúng tôi tham quan gần một giờ đồng hồ và đến khi sắp ra về thì mới có thêm 2 vị khách khác xuất hiện. Điều đáng nói, tình trạng này đã kéo dài lâu nay mặc dù bảo tàng này mở cửa tự do. “Bảo tàng miễn phí vé nên ai muốn tới thì tới. Giờ mời khách vào mà người ta còn chưa vào thì bán vé ai vào?”, nữ cán bộ, phó phòng trưng bày tuyên truyền tại bảo tàng ngậm ngùi.

Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa nằm trên đường Trần Phú (TP Nha Trang) với không gian chật hẹp, không có nơi trưng bày hiện vật
Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa nằm trên đường Trần Phú (TP Nha Trang) với không gian chật hẹp, không có nơi trưng bày hiện vật

Theo nữ phó phòng này, mỗi tuần bảo tàng đón khoảng 3-4 đoàn khách đến thăm, đa phần là học sinh, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn. Trong khi đó, mặc dù Nha Trang đang có một lượng lớn khách quốc tế nhưng du khách đến bảo tàng là du khách vãng lai.

Ông Lê Chí Hướng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, cho biết, bảo tàng tỉnh này chỉ có diện tích hơn 2.000m2 trên hiện trạng từ Ty giao thông công chính thời Pháp để lại. Do diện tích hạn hẹp, chỉ có 2 phòng trưng bày nên mỗi năm bảo tàng trưng bày từ 4-5 chuyên đề, với mỗi chuyên đề 2- 3 tháng.

Ông Hướng cho rằng, ở các tỉnh khác, bảo tàng rộng ít nhất cũng 3 ha nhưng với điều kiện hiện nay, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa “chưa phải là bảo tàng đúng nghĩa”. Do đó, việc trưng bày chuyên đề chủ yếu nhằm hướng đến tuyên truyền giáo dục, đối tượng phục vụ chủ yếu là học sinh các cấp, người đam mê văn hóa, lịch sử.

Theo ông Hướng, với mỗi chuyên đề, bảo tàng làm văn bản thông báo đến các trường học để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu. “Khách đến tham quan cũng tùy từng chuyên đề và do không kinh doanh nên việc thống kê lượt khách cũng không yêu cầu. Nhìn chung, khách đến lai rai, còn du khách đi qua thấy thì người ta vào”, ông Hướng cho biết.

Không phải chuyện “một sớm một chiều”

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Chí Hướng, do không gian bảo tàng chật hẹp, không có nơi trưng bày nên bảo tàng này có khoảng 10.000 hiện vật về văn hóa, lịch sử vùng đất Khánh Hòa đang lưu giữ trong kho. Ông Hướng đánh giá, hiện nay ở các tỉnh khác đều có bảo tàng tổng hợp và đa phần rơi vào tình cảnh vắng vẻ khách tham quan.

Do đó, với hơn 10.000 hiện vật đang có thì đây là “cơ sở ban đầu” nếu xây dựng một bảo tàng mới trong tương lai. Tuy nhiên, ông Hướng cho rằng, nếu làm bảo tàng trong tương lai nên hướng đến tính đặc trưng, đặc sắc riêng về văn hóa, lịch sử của vùng đất Khánh Hòa, mang tính đột phá. Theo đó, bảo tàng đó phải giải quyết được bài toán không vắng khách, làm cho người tham quan hứng thú, ấn tượng nhưng mức đầu tư cũng phải phù hợp.

Những ngày đầu tháng 8 này, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đang trưng bày chuyên đề về văn hóa Tây Nguyên
Những ngày đầu tháng 8 này, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đang trưng bày chuyên đề về văn hóa Tây Nguyên

Theo ông Hướng, nếu làm bảo tàng nên đi theo hướng sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ. "Tôi nghĩ đó là sáng tạo trong trưng bày và sáng tạo trong thuyết minh, chứ không phải trưng bày theo cách truyền thống và thuyết minh theo cách áp đặt. Người ta vào bảo tàng là phải được tương tác, trải nghiệm, tự cảm nhận và nhận xét”, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa trăn trở nói.

Chia sẻ về câu chuyện Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, một lãnh đạo Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa rồi sở có cử cán bộ đi một số tỉnh để học tập kinh nghiệm về mô hình bảo tàng và đang làm báo cáo, chứ cũng chưa định hình mô hình trong tương lai như thế nào.

“Về mặt chính thức thì văn bản cũng chưa có mà bây giờ giao cho sở thì sở lo phần hồn, còn phần xác, vị trí đâu thì tỉnh sẽ lo. Tức là sở tham mưu xây hướng như thế nào, trưng bày cái gì, còn phần xác có các ngành khác tham gia, sở cũng có tham gia nhưng không phải là chính”, lãnh đạo này nói.

Theo lãnh đạo này, chuyện làm bảo tàng mới không phải chuyện “một sớm một chiều” vì để thông qua đề án bảo tàng thì phải qua nhiều cấp, đưa ra các ngành góp ý và tuyển chọn ý tưởng kiến trúc. Trước mắt, đang có kế hoạch ưu tiên sửa chữa một số phòng làm việc tại bảo tàng này.

Phố biển đông nghẹt khách nhưng bảo tàng vẫn trầm lắng

Viết Hảo