Phim Việt vẫn là "con bài" quan trọng nhất

(Dân trí) - Ông Lê Đức Hùng - Giám đốc Truyền hình cáp TP HCM nói về tầm quan trọng của phim Việt đối với thị hiếu khán giả Việt và những khó khăn, thách thức trong việc sản xuất phim truyền hình.

Theo đề án số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình mặt đất tới năm 2020, toàn quốc sẽ chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất. Theo đó, khoảng 8,5 triệu ti vi của các gia đình sẽ không thu được tín hiệu nếu không lắp thêm đầu thu hình số mặt đất. Một trong những doanh nghiệp lớn đang sở hữu hơn 1.000.000 thuê bao truyền hình trả tiền phủ sóng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1.200.000 thuê bao của các dịch vụ khác truyền dẫn phát sóng gói kênh HTVC tại các tỉnh thành trên phạm vi cả nước, HTVC đã sẵn sàng cho lộ trình số hóa như thế nào? Buổi trao đổi cùng ông Lê Đức Hùng – Giám đốc Truyền hình Cáp Thành phố Hồ Chí Minh (HTVC) chia sẻ!

Lộ trình số hóa theo chủ trương của Chính phủ, là môt trong những doanh nghiệp dịch vụ truyền hình trả tiền đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh, HTVC đã chuẩn bị cho cuộc thay đổi này như thế nào? Trong thời gian bao lâu?

Từ năm 2006 HTVC đã cho đầu tư Headend số và đã cho triển khai thử nghiệm phát sóng tín hiệu số đến thuê bao, qua đó HTVC đã chuẩn bị cho những kinh nghiệm thực tiễn về truyền dẫn và phát sóng số trên mạng truyền hình cáp nhằm chuẩn bị cho lộ trình số hóa của chính phủ. Hiện nay HTVC đã chuẩn bị thiết bị để có thể phát hơn 200 kênh truyền hình theo tiêu chuẩn SD (Standard Digital) và HD (High Definition)... Ngoài ra HTVC cũng chuẩn bị lượng STB (set-top-box) đủ để cung cấp cho 1 triệu thuê bao của mình.

Theo đó, khách hàng của HTVC được gì? Hay mất gì? 

Khách hàng HTVC sẽ được cung cấp STB đề có thể xem nhiều kênh truyền hình hơn, chất lượng hình ảnh sẽ tốt hơn và sẽ tiếp cận nhiều dịch vụ mới hơn nhờ tận dụng thế mạnh của kỹ thuật số. Tuy nhiên khi thay đổi công nghệ mới chắc chắn người xem cần thay đổi thói quen truyền thống, do đó HTVC đã chuẩn bị những chương trình giới thiệu hướng dẫn khách hàng khi xem truyền hình qua STB một số điều cần biết cơ bản để xử lý nhanh trong quá trình sử dụng nếu gặp phải như cách dò kênh mới hay bị treo hình...và một số tính năng mới mà khán giả truyền hình analogue (kỹ thuật tương tự) chưa bao giờ quan tâm như EPG (Electronic Programme Guide)...
 

Phim Việt vẫn là con bài quan trọng nhất

Vừa qua, việc ký kết hợp tác truyền hình trả tiền Truyền hình Việt Nam và Truyền hình TP.Hồ Chí Minh là một tín hiệu tốt, hứa hẹn sẽ giúp cho người xem nhiều lợi ích hơn, cụ thể là sẽ có nhiều kênh phong phú khác để giải trí.
 
HTVC sẽ cho tiếp gói kênh VCTV vào mạng HTVC và ngược lại, tiếp theo HTVC sẽ ký hợp tác với VTC để tiếp gói kênh VTC vào mạng HTVC, như vậy dự kiến số kênh chương trình HTVC sau khi tiếp gói kênh VCTV sẽ lên đến hơn 200 kênh, để làm được việc này, HTVC sẽ tiến hành lộ trình số hóa sớm và để phát được số lượng kênh mới vào. Khách hàng sẽ được trang bị thiết bị đầu thu kỹ thuật số (STB) như đã trình bày.

Có một sự thật là các kênh truyền hình trả tiền của Việt Nam hiện tại có nội dung không quá... khác biệt. Các kênh truyền hình rất ít có những kênh riêng, tự sản xuất mà thường đi mua lại sóng. Trong thời gian tới, HTVC sẽ làm gì để thay đổi thực trạng này?

Từ khi thành lập HTVC đã có chủ trương thiết lập các kênh truyền hình cho từng nhóm đối tượng khán giả riêng biệt và theo tiêu chí rõ rệt, theo chủ trương của chính phủ khuyến khích việc cho ra những kênh truyền hình trong nước có nội dung phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính, ngành nghề… HTVC sẽ phối hợp cùng các đối tác để đầu tư những kênh truyền hình có tạo sự khác biệt như kênh ca nhạc Trữ tình, Cải lương, Giao thông, Hài, Ẩm thực… Tuy nhiên việc sản xuất kênh cũng tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, đa số các kênh truyền hình sống nhờ quảng cáo, tiền thu phí thuê bao hiện nay chỉ đủ để thực hiện việc bảo dưỡng hệ thống kỹ thuật và các chi phí như thuê trụ điện và bản quyền nước ngoài… sắp tới theo lộ trình sẽ giãm dần kênh nước ngoài và tăng cương đầu tư vào nhóm kênh trong nước và đặt hàng sản xuất những chương trình truyền hình mới phù hợp với từng nhóm khán giả mục tiêu.

Phim Việt vẫn là một trong những “con bài” quan trọng để các đài truyền hình thu hút khán giả, đặc biệt là đối tượng nội trợ. Có thể nói HTVC đã có một hướng đi rất hay khi đầu tư kênh phim Việt, tuy nhiên chất lượng phim vẫn chưa thể nói là cao? Ông nói sao về điều này?

Muốn phim Việt chất lượng cao cần rất nhiều sự đầu tư về kịch bản, đào tạo và phát triển đội ngũ diễn viên cũng như đạo diễn, điều này cần có thời gian và ngân sách đầu tư, hiện nay do các Đài Truyền hình nở rộ nhu cầu sản xuất cao hơn khả năng cung ứng đẩy tình trạng phát triển quá “nóng” dẫn đến chất lượng không đảm bảo. HTVC sẽ mạnh dạn đầu tư vào mua kịch bản hay và tìm nhà sản xuất có chất lượng cũng như cùng các đơn vị này tổ chức đào tạo và phát triển lực lượng diễn viên Việt Nam thế hệ mới để cung ứng cho nguồn lao động nghệ thuật đang thiếu hụt.

Ông đánh giá thế nào về phim truyền hình Việt Nam hiện tại, thực trạng tự sản xuất còn đắt tiền hơn rất nhiều phim mua bản quyền?

Phim Việt Nam tuy vẫn còn những hạt sạn, tuy nhiên qua các đóng góp của khán giả và những phản ánh của báo chí, phim Việt đã dần lấy lại vị trí trong lòng khán giả, một số đơn vị đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên để duy trì và ổn định, phim Việt cần tiếp tục được trao dồi qua các cuộc giao lưu quốc tế, cần được tái đầu tư xứng đáng. Nếu so sánh giữa mua bản quyền phim về phát chắn chắn sẽ rẻ hơn… nhưng nếu ai cũng có thể mua và tranh mua đến mức giá bản quyền ngang hoặc hơn chi phí sản xuất thì chắc chắn các Đài truyền hình sẽ chuyển vào sản xuất nhiều hơn, tuy nhiên như phân tích ở trên nếu không chuẩn bị lực lượng sản xuất phù hợp thì chất lượng phim sẽ là vấn đề cần quan tâm.

Nghị định số 54/2010/NĐ-CP có tác động thế nào tới HTVC? Tình trạng phim nước ngoài tràn lan trên các kênh truyền hình (đặc biệt là phim Trung Quốc và Hàn Quốc) hiện nay, theo ông nên làm thế nào để thay đổi.

Xu thế là phải đầu tư vào chương trình Việt Nam, vì tâm lý khán giả vẫn yêu thích chương trình của Việt Nam vì gần gủi và phù hợp tâm lý, văn hóa, hình ảnh… Việc khéo léo cân đong tỉ lệ giữa nước ngoài và trong nước là một nghệ thuật kinh doanh, không thể duy ý chí áp đặt chủ quan, do nhu cầu của khán giả là phong phú và đa dạng, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cộng động người nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập.

Sự hợp tác của VTV và HTV trong bối cảnh hiện tại mang ý nghĩa thế nào?

Trong bối cạnh nhiều dịch vụ ra đời, và nhu cầu xã hội tăng việc hợp tác VTV và HTV là tất yếu, khán giả của hai dịch vụ sẽ có nhiều sản phẩm, nhiều kênh truyền hình để lựa chọn và đặc biệt là không cần phải thay đổi nhà cung cấp, khách hàng không cần phải đầu tư thêm thiết bị trong nhà để có thể xem được hết các kênh truyền hình đang có trên hai hệ thống theo đúng chủ trương sử dụng hạ tầng chung của chính phủ.

VTV là nhà sản xuất nội dung lớn nhất Việt Nam hiện tại, tuy nhiên họ cũng có một vài đơn vị truyền hình cáp của riêng mình hoặc hợp tác. Ông có lo ngại tâm lý cạnh tranh giữa “những đứa con của VTV?”

Việc hợp tác với VCTV cho thấy không có sự chèn ép mà là trên cơ sở hai bên cùng có lợi , vẫn giữ được thương hiệu dịch vụ riêng, hai đơn vị cùng nhằm đến việc làm hài lòng khán giả và chăm sóc khách hàng cho nhau, HTVC hy vọng sẽ hợp tác sâu rộng hơn với các đơn vị khác của Đài Truyền hình Việt Nam cũng như các đơn vị Truyền hình khác trên cả nước. 

Xin cảm ơn ông rất nhiều!
 
Bình Yên