Phiên dịch của Tổng thống Mỹ là người đề xuất 2 câu Kiều

Anh Phạm Tuấn Anh thẳng thẳn trao đổi: Anh chính là người đề xuất câu: “Rằng trăm năm kể từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” trong hai chuyến thăm cao cấp giữa hai nước Mỹ -Việt.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam vừa qua, cái tên Anh Phạm, nick của Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch của Tổng thống Mỹ, đã trở thành “hot” hơn bao giờ trên mạng xã hội, bởi những hình ảnh luôn “sát cánh’ bên người đàn ông quyền lực nhất hành tinh trong mọi sự kiện trên các kênh truyền hình cũng như báo chí.

Đặc biệt, clip bản dịch xuất sắc của anh Phạm Tuấn Anh khi Tổng thống Mỹ phát biểu tại Mỹ Đình (Hà Nội) đã lan truyền với tốc độ rất lớn.

Cách sử dụng từ ngữ phong phú cùng giọng nói truyền cảm, rất xúc động cũng như cách dịch lưu loát của anh Phạm Tuấn Anh đã góp phần không nhỏ cho thành công của bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Hà Nội, để không chỉ ông thấy tình cảm của người dân Việt Nam “đã chạm vào trái tim” ông, mà chính những người dân Việt Nam cũng cảm nhận được điều đó khi nghe ông nói.

Không chỉ làm người nghe xúc động, chính anh Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, anh đã vô cùng xúc động trong lần dịch đó.

Trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama, rất nhiều người ấn tượng với những câu trích trong ca khúc của Văn Cao, nhắc đến nhạc Trịnh Công Sơn, bài thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt và những câu Kiều được trích dẫn rất đúng hoàn cảnh nên có sức tải cảm xúc rất lớn.

Được biết, anh Phạm Tuấn Anh chính là một trong những người đã đóng góp công sức cho việc hoàn thành bài phát biểu của người đứng đầu nước Mỹ tại Mỹ Đình cũng như TP. Hồ Chí Minh và anh cũng chính là người đã đưa ra hai trích dẫn Kiều trong hai bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đã có người nghi ngờ về việc này, khi cho rằng,ở độ tuổi 40 của anh “chưa đủ thâm trầm để hiểu Kiều sâu sắc như thế”.

Tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, chiều 29/5, anh Phạm Tuấn Anh thẳng thẳn trao đổi: Anh chính là người đề xuất câu: "Rằng trăm năm kể từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” trong hai chuyến thăm cao cấp giữa hai nước Mỹ -Việt”.

Anh Phạm Tuấn Anh cho rằng, câu “Sen tàn cúc lại nở hoa /Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” mà Tổng thống Clinton dùng trước đó không thể đắt bằng câu “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương trước ngõ vén mây giữa giời”.


Anh Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho TT Mỹ trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo của 2 nước

Anh Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho TT Mỹ trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo của 2 nước

Theo anh Phạm Tuấn Anh, 2 năm trước, trong một lần gặp Tổng thống Mỹ Obama, anh từng bày tỏ sẽ rất vui nếu như được phiên dịch cho Tổng thống trong một chuyến thăm Việt Nam. Thật bất ngờ khi niềm mong muốn đó đã trở thành sự thật, dĩ nhiên, bằng chính năng lực của anh đã chinh phục được những phụ tá của Tổng thống Mỹ.

Trước đó, trong một vài chuyến thăm của các cán bộ cao cấp của Việt Nam đến Mỹ, anh Phạm Tuấn Anh cũng là người được mời phiên dịch cho Nhà Trắng. Vì thế, sau sự kiện phiên dịch thành công cho Tổng thống Obama, mọi người đang chờ đợi những “cuộc dịch” tiếp theo của Phạm Tuấn Anh với những nhân vật quan trọng khác, thì bất ngờ, ngay sau khi trở về Mỹ, Phạm Tuấn Anh đã chia sẻ một thông tin khiến nhiều người tiếc nuối: Anh đã bỏ dịch viết mấy năm và tiếp tục quyết định bỏ dịch nói.

Chuyến vừa rồi là đỉnh cao của nghề dịch của anh, một công việc anh đã gắn bó từ 1993 đến nay và anh đã thông báo với cơ quan chủ quản ở đây về việc anh sẽ “về hưu” nghề dịch.

Anh Phạm Tuấn Anh cho biết, anh sẽ tập trung vào chuyên môn làm chính sách đối ngoại/an ninh/kinh tế với Đông Á. Giải thích cho quyết định có vẻ như đường đột với nhiều người về việc từ bỏ "nghề tay trái mà mình yêu và làm như tay phải", Phạm Tuấn Anh cho rằng, anh muốn dừng lại và "đi làm việc gì đó khác để tái tạo mình".

Dù thế nào thì đây cũng là một lựa chọn dũng cảm của anh Phạm Tuấn Anh, nhưng cũng cho thấy, con người anh luôn tràn đầy năng lượng, sự sáng tạo và không ngừng khám phá chính bản thân.

Tuy nhiên, anh cho biết sẵn sàng chia sẻ với mọi người về khía cạnh dịch, các trải nghiệm, kinh nghiệm trong chuyến công tác vừa qua, ở các khía cạnh kỹ thuật của công việc và phạm vi cho phép.

Với những gì Phạm Tuấn Anh đã làm, giống như nữ phụ tá của Tổng thống Mỹ - bà Elizabeth Phu - anh đã cho thấy, người Việt có thể khẳng định mình ở nước ngoài, kể cả những cường quốc như Mỹ, trên nhiều vị trí, bằng trình độ, trí thông minh và năng lực tự thân.

Theo Thanh Hằng

Công An Nhân Dân