Phát hiện khảo cổ nghi bia đã được làm từ 5000 năm trước

(Dân trí) - Món đồ uống ưa thích của hàng triệu người trên thế giới được nhận định là đã xuất hiện từ cách đây 5000 năm nhờ phát hiện khảo cổ mới đây.

Bia đã từng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử. Dựa trên những bằng chứng khảo cổ, đồ uống pha chế đã từng có ở Trung Quốc cách đây rất lâu, hơn cả những gì chúng ta được biết. Một bộ cổ vật pha chế đồ uống đã được tìm thấy bởi một nhóm nghiên cứu quốc tế. Họ chỉ ra rằng bia đã có mặt ở Trung Quốc từ 5000 năm trước, sớm hơn 1000 năm so với ước tính trước đây dựa trên việc trồng lúa mạch trong khu vực.

Hiện vật được tìm thấy tại nơi khai quật giúp xác định niên đại thật sự của bia.
Hiện vật được tìm thấy tại nơi khai quật giúp xác định niên đại thật sự của bia.

Tại địa điểm khai quật có tên Mijiaya, phía Bắc Trung Quốc, người ta đã tìm thấy những chiếc nồi đất và phễu có niên đại khoảng 3400 năm trước Công Nguyên, dường như được sử dụng để sản xuất bia. Các phân tích khảo cổ cho thấy bên trong các dụng cụ này từng chứa đầy lúa mạch, hạt kê, củ quả và các loại tinh bột khác mà có thể sử dụng trong quá trình nấu bia. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng của quá trình lên men. Người dân ở địa phương này đã ủ hỗn hợp bia cùng với những dụng cụ chuyên dụng và biết cách kiểm soát nhiệt độ ủ. Sự kết hợp của các loại tinh bột khác nhau được sử dụng trong bia cho thấy để có được công thức chuẩn, người ta đã phải thử rất nhiều mẻ trước đó. Các loại củ sẽ bổ sung hương vị ngọt ngào cho bia.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất mà con người đã biết thưởng thức đồ uống pha chế từ hàng thiên niên kỷ trước. Khoảng những năm 1990, các nhà khoa học cũng tìm thấy dư lượng bia làm từ lúa mạch sót lại ở Iran, có niên đại khoảng 3500 năm trước Công Nguyên.

Phan Hạnh

Theo Mentalfloss