Phan Huy không làm thơ mới là sự lạ

(Dân trí) - Việc Phan Huy làm thơ rồi in thơ không khỏi khiến bạn bè anh ngạc nhiên bởi trong mắt họ, Phan Huy là nhà báo sắc sảo, với những bài viết giàu tính chiến đấu và nhất là chưa bao giờ thấy Phan Huy nói về thơ hay đọc thơ giữa đám đông.

 

49-6e2d8

Việc Phan Huy làm thơ rồi in thơ không khỏi khiến bạn bè anh ngạc nhiên. Nhà thơ Vũ Duy Thông, một người bạn thân thiết với anh từ 40 năm, đã từng có 5 năm sống cùng nhau cũng đã tỏ ra “ngỡ ngàng” khi cầm trong tay tập thơ mà Phan Huy gửi tặng. Nguyên nhân khiến Nhà thơ Vũ Duy Thông ngạc nhiên là bởi trong mắt ông, Phan Huy là nhà báo sắc sảo, với những bài viết giàu tính chiến đấu và nhất là chưa bao giờ thấy Phan Huy nói về thơ hay đọc thơ giữa đám đông.

Thật ra thì Phan Huy làm thơ không có gì đáng ngạc nhiên mà ngược lại, Phan Huy không làm thơ mới lạ, mới đáng ngạc nhiên. Lý do là bởi thứ nhất, Phan Huy là người Nghệ, một “dân tộc” từ xa xưa đã nổi tiếng về yêu mến, quý trọng văn chương hay nói cách khác, đã là người Nghệ thì ai cũng yêu thơ và mười người Nghệ “có chữ” thì có đến chín người rưỡi đã, đang hoặc sẽ làm thơ.

Thứ hai, Phan Huy sinh ra ở cái thời mà thi ca đang cao giá nhất. Hình ảnh một gã đàn ông mắt mơ màng, tay cầm cuốn sách mỗi khi nói chuyện thường lôi thơ ông “ép”, ông “ích” nào đó là có thể làm xiêu lòng một tiểu thư đài các hay một người đẹp cỡ hoa hậu báo Tiền phong.

Và thứ ba, Phan Huy lại là sinh viên Văn khoa khóa 6 của Đại học Tổng hợp, một trong những cái nôi “sinh sản” ra rất nhiều nhà văn, nhà thơ “có hạng” cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Vì vậy, Phan Huy không làm thơ mới là sự lạ.

 

Phan Huy không làm thơ mới là sự lạ - 2

Nhà thơ Phan Huy

Hành trình thơ Phan Huy chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là những năm tuổi trẻ, lấy mốc khoảng năm 1970 trở về trước, khi anh 30 tuổi (Phan Huy tuổi Canh Thìn, sinh năm 1940).

Ở giai đoạn này, như mọi chàng trai mới lớn, thơ Phan Huy giàu cảm xúc, nhất là những bài anh viết về tình yêu: “Ôi thăm thẳm mắt hiền cô gái – Đốt cháy lòng ta thủa mới biết yêu”. Hay : “Tình yêu em như cơn lốc trái mùa – Xoáy bùng lên rồi lặng lẽ đi qua – Để lại hồn anh, một cánh đồng trống trải – Hoa chưa thơm và cây chưa kết trái – Con bướm vàng không cành đậu bơ vơ…”.

Giai đoan thứ hai kéo dài từ thập niên 70 của thế kỉ 20 đến đầu thế kỉ 21. Ở thời điểm này, anh chuyên tâm vào công việc làm báo nên không có nhiều thời gian để “mơ mộng”. Những bài báo giàu sức chiến đấu đã có tác động đến thơ Phan Huy: “Gió đồng bằng đã thành đặc sản – Thời phố phường sắt thép đổ mồ hôi – Những cao ốc thăm thẳm chọc trời…”. Song, cũng không vì thế mà thơ anh bớt đi sự chiêm nghiệm nhiều khi đến xót xa: “Có nơi nào như đồng đất quê ta – Đãi cát trắng tìm cơm vàng trong cát – Mưa lo đói, nắng thì lo khát – Chắt mồ hội làm sữa mẹ nuôi con…”.

Ở giai đoạn này, thơ Phan Huy còn đảm đương sứ mệnh gánh vác những vấn đề mà báo chí chưa hoặc không tiện đề cập đến: “Có những kẻ hợm mình – Sống mờ như cái bóng – Luôn đóng vai quan trọng… và “Thường quên những điều đáng nhớ - Nhưng lại nhớ rất lâu những điều đáng quên”.

Giai đoạn thứ ba được tính từ sau khi anh làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ. Giai đoạn này, thơ Phan Huy chiêm nghiệm và khám phá. Bằng hình tượng nghệ thuật, anh xông thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội như bệnh già làng, trưởng bản, đó rách ngáng chỗ, tự coi mình là thần tượng. Đây là vấn đề báo chí nhưng Phan Huy đã nâng tầm lên thành triết lý trong thơ: “Ngôi chùa cổ - Không cổ hơn được nữa – khói tâm linh – xông đặc quánh thời gian – Pho tượng cổ - không già hơn được nữa – Vầng trán trăm năm – đau đáu nỗi nhân gian – Cây cổ thụ - bóng trùm không cổ thụ - Một cây cao – không che hết được sân chùa..”

Có thể nói để có một Phan Huy nhà thơ của hôm nay, đó là sự xếp đặt tất yếu của số phận. Khi về nghỉ hưu ở tuổi 65, ông Trưởng văn phòng Đại diện của báo Nhân dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long “bỗng nhiên” được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cần Thơ khiến chính anh cũng rất bất ngờ. Như mọi cuộc bầu bán ở hầu hết các hội địa phương, vốn nhiều “trúc trắc”, cuối cùng số phiếu tín nhiệm gần như 100% được bầu cho Phan Huy khi tân chủ tịch đang quần bò, áo phông đi dự đại hội.

Để cho lễ “đăng quang” được long trọng đúng với tầm cỡ của nó, Phan Huy điện cho cậu con trai út mang vào cho mình bộ com lê, đôi giày rồi vào… toa lét thay đồ để lên nhậm chức.

Nhiệm kỳ làm chủ tịch Hội, Phan Huy cũng gặp không ít sóng gió. Ví như khi tổ chức cuộc thi thơ Đồng bằng Sông Cửu Long, Hội đồng chung khảo đã bỏ phiếu cho bài thơ “Trăng nghẹn” nhưng ông Trưởng ban Tổ chức Phan Huy kiên quyết từ chối.

Lý do mà Phan Huy đưa ra là bài thơ không hội tụ đủ các yếu tố nghệ thuật hay nói cách khác, Phan Huy không thể trao giải nhất cho một tác phẩm thiếu tính nghệ thuật, cũ và có phần sáo: “Chả lẽ một tác phẩm như thế lại đại diện cho nền văn học Đồng bằng sống Cửu Long” như lời anh tâm sự.

Một Phan Huy thẳng thắn, một Phan Huy ngang tàng và một phan Huy thâm trầm và sâu sắc, đó là bởi anh đã được trui rèn của ba nền văn hóa: Miền Trung quê anh, Hà Nội những năm tháng thanh xuân và Đồng bằng sống Cửu Long, nơi anh đã có hơn 30 năm gắn bó. Quê hương Hà Tĩnh đã cho anh cái sự thẳng thắn đến quyết liệt. Thăng Long – Hà Nội, nơi anh từng 15 năm theo học và công tác cho anh sự sâu sắc lắng trầm và Đồng bằng Sông Cửu Long đã cho anh sự ngang tàng, phóng khoáng.

Chính ba đức tính ấy đã “ám” vào đời anh và cả thơ anh như anh tự bạch: “Thật thà không dễ làm quan - Bán buôn không đủ dối gian với đời - Dấn thân làm báo - Nghiệp đời - Khen chê yêu ghét, nói lời thẳng ngay”.

Giờ đây đã vào tuổi 75, anh rũ bỏ tất cả chỉ chuyên tâm làm thơ và nhiệm vụ Trưởng Văn phòng đại diện cho báo Dân trí điện tử ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngày ngày, anh vẫn xông xáo dọc ngang mảnh đất này để cùng phóng viên, cộng tác viên tìm kiếm tin bài và đặc biệt, anh có một niềm vui làm công tác từ thiện.

Đã có hàng chục chiếc cầu, ngôi nhà cùng hàng vạn suất học bổng mang thương hiệu Dân trí của bạn đọc và các nhà hảo tâm được chuyển đến với mảnh đất miền cực nam của Tổ quốc này mà anh chính là chiếc cầu nối.

Bùi Hoàng Tám

vanhoa-4fc8b