Quảng Nam:

Phá giếng cổ để mở rộng đường bê tông

(Dân trí) - Những ngày qua, một số nhà nghiên cứu rất bức xúc trước việc Ban dân chính thôn Trà Châu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đập phá giếng cổ để mở rộng đường bê tông nông thôn.

Theo người dân cho biết, cách đây vài ngày, Ban dân chính thôn Trà Châu tổ chức mở rộng đường giao thông nông thôn nối từ đường Hùng Vương (khu vực Trà Kiệu, xã Duy Sơn, Duy Xuyên) dẫn vào làng.

Giếng cổ bị đập phá để mở rộng đường bê tông nông thôn
Giếng cổ bị đập phá để mở rộng đường bê tông nông thôn

Trên đường bê tông cũ này tồn tại một giếng cổ, thành giếng làm bằng đá nguyên khối, có gắn bia ghi bằng chữ Hán và Nôm gồm 4 dòng, toàn văn có 70 chữ, không có hoa văn, 1 mặt, kích thước 44 x 60cm.

Do con đường không đủ tiêu chuẩn 3m nên Ban dân chính thôn phá thành giếng để làm đường. Việc phá giếng cổ này gặp sự phản ứng của người dân nên chính quyền địa phương dừng phương án lấp giếng và làm đường lệch sang một bên. Tuy nhiên, toàn bộ thành giếng làm bằng đá nguyên khối bị đập phá tan tành, vứt lung tung một bên.

Chiều ngày 10/4, theo ghi nhận của PV Dân trí, giếng cổ này có đường kính khoảng 1,8m, nằm chệch bên một con đường bê tông cũ rộng khoảng 2m. Hiện đường bê tông đã được mở rộng thêm 1m. Chiếc giếng cổ đã bị đập toàn bộ thành giếng và được che đậy bằng một tấm bê tông.

Tấm bia của giếng cổ ghi niên đại từ đời Minh Mệnh thứ 3 (1822)
Tấm bia của giếng cổ ghi niên đại từ đời Minh Mệnh thứ 3 (1822)

Anh Nguyễn Văn Vĩnh Điền - một người dân địa phương - cho biết, sau khi Ban dân chính thôn đập phá thành giếng và có ý định lấp giếng thì anh và một số người khác không chịu vì đây là giếng cổ nên anh đứng ra vận động và xin đất của cụ Nguyễn Thị Hường để làm đường né một bên.

Anh Điền cho biết, anh dự định vận động bạn bè và hàng xóm phục hồi lại thàn giếng nhưng chính quyền xã Duy Sơn cho biết hiện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên đã tiếp nhận và báo cáo lên Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam để có phương án phục hồi.

Theo Tiến sĩ chuyên ngành Hán - Nôm Nguyễn Hoàng Thân (Phó Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết, nội dung bia ghi niên đại là Minh Mệnh thứ 3 (1822), chủ đề là “Xây dựng, trùng tu di tích”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân cho biết, việc Ban dân chính thôn đập phá giếng cổ để làm đường giao thông nông thôn vô tình đã xâm hại những di tích có giá trị. Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành văn hoá của tỉnh nên giữ lại và cho phục hồi lại thành giếng này.

Trong chiều ngày 10/4, trao đổi với PV Dân trí, bà Lương Thị Hiền Phương - Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Duy Xuyên - cho biết, sau khi nhận được thông tin Ban dân chính thôn đập phá giếng cổ để mở rộng đường bê tông, Phòng làm việc với UBND xã Duy Sơn và yêu cầu không được lấp giếng. Sau đó, phòng đã cử cán bộ đến ghi nhận hiện trạng và báo cáo lên Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam để có phương án xử lý.

Bà Phương cho hay, khu vực Trà Kiệu (xã Duy Sơn) có rất nhiều giếng cổ tương tự nhưng chưa có hồ sơ quản lý và cũng chưa xác định được là giếng của người Chăm hay người Việt. Sắp tới, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên sẽ đi kiểm đếm, lập danh sách và gửi lên Trung tâm quản lí di tích và danh thắng Quảng Nam để có phương án bảo vệ, bảo tồn.

Ngày 10/4, Trung tâm quản lí di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, các đơn vị chức năng đã phát hiện một giếng cổ Chămpa có tuổi đời khoảng 1.000 năm ở gần tháp Chăm Khương Mỹ, thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Giếng cổ Chămpa có độ tuổi khoảng 1.000 năm ở gần tháp Chăm Khương Mỹ
Giếng cổ Chămpa có độ tuổi khoảng 1.000 năm ở gần tháp Chăm Khương Mỹ

Theo đó, giếng cổ Chămpa này nằm gần tháp Chăm Khương Mỹ và ra đời khoảng từ cuối thế kỷ 10. Giếng cổ có cấu trúc hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 1,3m và độ sâu gần 15 mét. Ngoài ra, xung quanh thành giếng được làm bằng gạch. Đặc biệt, nguồn nước ở trong giếng rất trong.

Hiện Trung tâm quản lí di tích và danh thắng Quảng Nam và phối hợp các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn để phát huy những giá trị di sản về những dấu tích Chămpa ở trên địa bàn Quảng Nam.

Công Bính