PGS Đặng Hoành Loan: Nên có một bảo tàng mang tên GS Trần Văn Khê

(Dân trí) - Theo Phó Giáo sư, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, với những cống hiến và đóng góp của GS Trần Văn Khê chúng ta nên có một bảo tàng, giới thiệu trưng bày những tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học nghệ thuật của ông.


Giáo sư Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê ra đi để lại sự tiếc thương đối với gia đình và những người yêu mến ông. Theo PGS, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, hiếm có một GS nào có tình yêu âm nhạc truyền thống như GS Trần Văn Khê.

GS Trần Văn Khê được biết đến như một bậc đại thụ, trưởng bối với nhiều đóng góp và cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Chính vì thế, thông tin về sự ra đi của GS Khê khiến cho không ít người cảm thấy đau xót, bàng hoàng. Phó Giáo sư, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan - người từng có nhiều cơ hội được tiếp xúc, làm việc với GS Khê cũng không giấu nổi xúc động cho biết, ông cảm thấy mất mát và hụt hẫng như mất đi một người thân trong gia đình. 

Đối với nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, GS Trần Văn Khê vừa là một người thầy, vừa là một tấm gương mẫu mực về quá trình lao động nghệ thuật, sự đam mê và cống hiến hết mình cho công việc. Theo nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, cả cuộc đời GS Trần Văn Khê vẫn đeo đuổi chỉ một công việc: nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và góp phần vinh danh giá trị đó ở khắp mọi nơi trên thế giới. 

Với GS Trần Văn Khê, âm nhạc truyền  thống là một thứ quốc hồn, quốc túy. Ông không bỏ lỡ một dịp nào để đem lời ca, tiếng nhạc Việt Nam đến khắp năm châu dù đó là những lần thuyết trình trên các đài truyền thanh, truyền hình hay trong các chuyến đi tham dự hội nghị âm nhạc. Chính vì thế, nhắc đến GS Trần Văn Khê người ta nhắc đến một thư viện sống, một bách khoa toàn thư về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Chính Giáo sư Khê là người đã có công góp sức rất lớn vào việc thẩm định Hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế và được giao trọng trách thẩm định hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên.

Ông đã chứng minh được những nét đặc sắc, độc nhất vô nhị của hai loại hình nghệ thuật này. Không lâu sau đó, Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo GS Đặng Hoành Loan, phải nghe GS Khê nói về cội nguồn âm nhạc dân tộc, mới cảm được hết cái tình của một người nhạc sĩ suốt đời say mê nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông rất bác học, tinh tế nhưng lại rất mộc mạc, giản dị và đời thường. Hiếm có một vị giáo sư nào mà vừa có thể thuyết giảng, diễn thuyết minh họa về  chèo, tuồng, cải lương, hát bài chòi, hò Huế, hò lục tỉnh... lại vừa đàn, vừa ca “mượt mà” được như ông. 

PGS, Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan. (Ảnh: NNVN)

PGS, Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan. (Ảnh: NNVN)

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan xúc động kể:  “Điều rất khó tìm ra ở một Giáo sư như ông đó là tình yêu, sự hết mình với âm nhạc Việt Nam. Trong nhiều năm liền, bác miệt mài nghiên cứu, xây dựng những bộ đĩa âm thanh của những nghệ nhân như Quách Thị Hồ, ông Năm Ngũ… để đề cử với hội nghị âm nhạc thế giới. Cũng chính ông là người trực tiếp đề xuất hỗ trợ, trợ cấp cho các nghệ nhân ưu tú với mong muốn thúc đẩy, cổ vũ sự phát triển của loại hình nghệ thuât truyền thống đối với đông đảo tầng lớp xã hội. Rất nhiều học trò của ông trên khắp thế giới cũng được “truyền lửa” và có những đóng góp lớn cho nên âm nhạc Việt Nam”.

Trước đây, khi nhạc sỹ Đặng Hoành Loan còn công tác ở Viện âm nhạc Việt Nam cũng đã nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của GS Trần Văn Khê: “Hồi đó ông còn đang ở nước ngoài, nhưng hầu như lần nào về Việt Nam ông cũng đến Viện âm nhạc thăm, động viên tinh thần anh em ở đó. Tôi nhớ có lần, khi trông thấy kho tư liệu với rất nhiều băng đĩa, tài liệu cổ được chúng tôi cất giữ, bảo quản cẩn thận, ông đã nắm tay tôi xúc động và nói: Bằng mọi giá phải giữ được những thứ này, đó là tài sản vô giá mà không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì”.

GS Khê làm việc miệt mài, ngay cả khi sức khỏe kém phải ngồi xe lăn. Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan kể,  không chỉ là người đứng ra tổ chức, xây dựng các chương trình khơi lửa tình yêu âm nhạc truyền thống, ông còn dành nhiều thời gian cho các hội thảo khoa học trong nước, quốc tế. Căn nhà rộng gần 200m2 của ông tại quận Bình Thạnh được ông biến thành không gian sinh hoạt của những người yêu âm nhạc truyền thống. 

Cứ đều đặn hàng tuần nhiều thành phần, tầng lớp xã hội lại cùng gặp gỡ, trò chuyện. Họ đơn giản chỉ là sinh viên, người bán nước, hay đến cả giáo viên, kỹ sư nhưng cùng có chung niềm đam mê với các loại hình nghệ thuật truyền thống.

55 năm sống ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam, một đời GS Trần Văn Khê chỉ đau đáu nỗi niềm và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. Ở tuổi 94, trải qua nhiều thăng trầm; giáo sư vẫn minh mẫn, lạc quan và cho rằng đời sống của mình thế cũng là viên mãn lắm. 

Trong một lần trả lời phát biểu, khi được nói về mình ông cho biết: “Khê nghĩa là suối”, tôi ví mình như dòng suối chảy ra biển cả rồi lại ngược về nguồn, đã đậm đà vị mặn nhưng không hề bớt trong mát…” Những điều ích lợi mà ông đã làm cho dân tộc mình theo cách riêng của ông đã được quê hương xứ sở ghi nhận sau những năm dài.

Chính vì những đóng góp lớn lao và quá trình cống hiến không mệt mỏi của GS Trần Văn Khê, theo nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, Việt Nam nên có một bảo tàng, giới thiệu trưng bày những tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học nghệ thuật của ông. Đây cũng là một cách truyền lửa tình yêu âm nhạc truyền thống cho các thế hệ sau này.

Hà Trang