NSƯT Chí Trung: "Kể cả phim tôi đóng tôi cũng không xem vì rất vớ vẩn"

(Dân trí) - “Nguyên văn điều tôi muốn nói khi trả lời báo chí là tôi không thích xem phim Việt Nam, kể cả phim tôi đóng vì phim tôi đóng cũng rất vớ vẩn. Nghĩa là tôi có nhận về phần mình chứ không phải hàm hồ nói về toàn bộ phim Việt Nam”, NSƯT Chí Trung chia sẻ.

Xốc lại thời hoàng kim của âm nhạc ở Nhà hát Tuổi trẻ

Đã 3 tháng kể từ ngày anh lên làm “sếp” to nhất của Nhà hát Tuổi trẻ, vậy nhà hát đã có những thay đổi gì đáng kể?

Nhà hát cũng có một số thay đổi nhưng đáng kể hơn cả vẫn là chuyện làm sống lại sân khấu âm nhạc từng rất hoàng kim cách đây 40 năm. Thời điểm đó, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ không chỉ có kịch mà còn có cả âm nhạc với một ban nhạc rất “chất”. Ban nhạc thời đó có 4 nhạc công chơi violin, saxophone và trumpet. Những nhạc công thời đó giờ đã già lắm rồi, có người cũng đã đi xa.

Ban nhạc thời đó chơi “chất” lắm! Ngoài âm nhạc ra còn có cả kịch câm và múa hát theo làn gió mới mang từ Nga về của anh Lê Hùng, Phúc Dĩ, Đặng Dũng, Thọ Hoà, chị Ái Vân… Đó là những chương trình mà những năm 82, 85, 87… cứ nhắc đến Nhà hát Tuổi trẻ là khán giả rất thích. Nhưng sau đó, kịch lên ngôi làm cho âm nhạc lụy dần. Những người trong đoàn ca nhạc cứ rơi rụng dần. Cho đến cách đây 15 năm, khi nhìn lại thì đoàn ca nhạc chẳng còn gì nữa, chỉ còn mỗi một tốp diễn viên từ lúc vào thì trẻ măng mà bây giờ đều đã lớn tuổi.

NSƯT Chí Trung.
NSƯT Chí Trung.

Vì thế mà trước khi về hưu anh Trương Nhuận - Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ có gửi lại mong muốn tôi sẽ cùng anh em trong Nhà hát xốc lại phong trào âm nhạc mạnh mẽ trước đây. Tôi cũng có hứa với anh Nhuận là sẽ bắt tay vào làm điều đó ngay. Suy cho cùng, chỉ có âm nhạc mới mở được trái tim xã hội thôi, kịch khó mở lắm.

Mỗi lần muốn kể một câu chuyện gì, kịch phải huy động tới 3 - 4 người và phải có đủ khoảng rộng. Còn ca múa nhạc đôi khi chỉ một nhận vật, trong một không gian hẹp cũng có thể làm khán giả hứng thú rồi. Mà ca múa nhạc dễ khiến người ta sung hơn là các lĩnh vực khác. Vì lẽ đó nên tôi chủ trương thay đổi theo hướng 50/50 chia đều cho ca (ca hát) và kịch. Mặc dù vậy, nói thật lòng là khi bắt tay vào chia đều như thế tôi cũng run lắm.

Mở đầu cho chuỗi sự kiện âm nhạc chính là các đêm nhạc đồng hành cùng 100 năm âm nhạc Việt Nam với đêm nhạc Lam Phương mang tính “mở hàng”. Tới đây, chúng tôi lại tiếp tục tổ chức đêm nhạc Lam Phương 2 vào ngày 29/9 tới với những tình khúc sâu lắng mang hơi thở mùa Thu, được thể hiện theo phong cách khác đêm 1.

Trong thời điểm nhiều sân khấu lớn đang “chết” với các chương trình ca nhạc vì không bán được vé, không kiếm được nhà tài trợ và bị truyền hình thực tế đè bẹp… mà Nhà hát Tuổi trẻ lại muốn xốc lại âm nhạc, anh có nghĩ việc làm này hơi mạo hiểm?

Đúng là thời điểm này, tất cả các “món ăn tinh thần” đều bị bão hoà. Bản thân truyền hình cũng bị bão hoà. Các gameshow bây giờ không đi vào lòng người, không lúc cười lúc khóc, không có tính triết lý nhân sinh, không có chút hài miền Bắc dính tý miền Nam… nghĩa là gameshow cũng đã tự đào thải mình rồi.

Ở các tụ điểm ca nhạc lớn của Hà Nội như: Nhà hát Lớn, Cung Việt Xô, Trung tâm Hội nghị quốc gia… họ dồn các ca sỹ “xịn”, âm thanh “xịn”, ánh sáng “xịn” để tổ chức nhạc nhưng vì thế mà giá vé của họ rất cao. Và phải là những gia đình có điều kiện lắm mới có cơ hội đến những chỗ đó nghe nhạc, xem nhạc. Vậy thì một tầng lớp khán giả khác chẳng nhẽ lại bỏ quên họ?

Chúng tôi có thuận lợi về sân khấu, nhân lực, chương trình… để có thể tạo ra được những đêm nhạc với giá vé vừa phải mà ai cũng có thể đến xem được. Có thể, âm nhạc ở đây không “xịn” bằng hoặc ca sỹ không nổi tiếng bằng những sân khấu lớn nhưng chúng tôi lại có các chương trình dễ nghe, dễ gần và dễ cảm.

Tóm lại là sự khởi sắc của đoàn ca nhạc ở Nhà hát sau khi sốc lại là có. Các bạn ấy đã bắt kịp guồng quay và đã tham gia biểu diễn cho nhiều chương trình. Sắp tới đây mà một loạt chương trình dành cho thiếu nhi dịp Trung thu.

Nhiều người tỏ ra băn khoăn trước ý tưởng chọn Bolero “mở hàng” cho chuỗi sự kiện đồng hành cùng 100 năm âm nhạc Việt Nam khi dòng nhạc này đã dấy lên những tranh cãi trái chiều ở Nhà hát Tuổi trẻ?

Tôi nghĩ là trong khi cả xã hội đang nhao nhao lên cãi nhau “Bolero khiến người ta tiến lên hay thụt lùi” thì bản thân dòng nhạc này lại tạo ra một sức “hot” mới. Đấy là một thuận lợi.

Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ rằng, Bolero đơn thuần là một dòng nhạc tựa như một “món ăn tinh thần” của mọi người. Có người thích nghe Pop, Jazz, Rock… thì cũng có người thích nghe Bolero.

Thêm nữa tôi cũng xác định, hướng xây dựng chương trình là các theo hướng đại chúng, phổ cập, dễ nghe… Ai đến đây, kể cả người sang kẻ hèn đều cảm thấy âm nhạc gần gũi với tâm hồn họ. Ngay như đêm nhạc Lam Phương vừa rồi, 25 bài hát ra thì khán giả hát theo đến 24 bài luôn. Âm nhạc mà cao xa quá, xa cách quá… nó khiến người ta xa cách theo. Mình là nhà tổ chức chương trình, mình không được quyền tạo ra khoảng cách đó.

"Những phim tôi đóng cũng rất vớ vẩn"

Nghe những gì anh chia sẻ, người ta có cảm giác anh rất tâm huyết với sân khấu nhưng lại quay lưng với phim ảnh. Anh nói sao về điều này?

Nói đúng thâm tâm là tôi chưa bao giờ xem phim Việt Nam cả, kể cả phim tôi đóng. Vì tôi không thích tiết tấu dựng. Những phim ngày xưa như: Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao… tôi cũng thích nhưng đạo diễn bây giờ không còn “đất” để trưng trổ như thế nữa rồi.

Thời gian gần đây chúng ta nổi lên nhiều phim truyền hình nhưng tôi không có thời gian xem. Kể cả “Ghét thì yêu thôi” do tôi đóng hoặc "Sống chung với mẹ chồng”, "Người phán xử”... tôi thấy nhiều bạn nói tốt lắm nhưng tôi cũng chưa xem. Tôi cũng không đầy đủ tâm huyết và thời gian để xem một bộ phim dài tập. Bản thân tôi chỉ thích xem phim Mỹ.

Nguyên văn điều tôi muốn nói khi trả lời báo chí là tôi không thích xem phim Việt Nam, kể cả phim tôi đóng vì phim tôi đóng cũng rất vớ vẩn. Nghĩa là tôi có nhận về phần mình chứ không phải hàm hồ nói về toàn bộ phim Việt Nam.

Không phải tôi quay lưng với phim Việt hoặc nói xấu thế này để được thế kia. Tôi không có tính móc méo, bắc cầu kiểu đó… Tôi thấy cũng có nhiều người phản ứng về điều tôi nói nhưng mà cũng có nhiều người thừa nhận đúng vì thực tế nó là như thế.

Anh thừa nhận phim do anh đóng cũng rất vớ vẩn mà anh vẫn nhận lời đóng phim. Anh không sợ người ta nghĩ anh vì ham hố mà “bán rẻ” thanh danh?

Như tôi đã nói rồi, đó là công việc của tôi. Thậm chí, tôi không những đóng phim mà còn đóng rất hay ho nữa. Nghệ sỹ Trung Anh mắng tôi là “Cứ diễn xong rồi nhận tiền đó là thợ diễn”. Thì đúng, mọi người ghét thì có quyền nói thế nhưng bản thân tôi thấy mình khi vào phim vẫn ra tấm ra món, vẫn có những vai diễn thành công.

NSƯT Chí Trung trong hậu trường phim Ghét thì yêu thôi.
NSƯT Chí Trung trong hậu trường phim "Ghét thì yêu thôi".

Nghĩa là anh cũng thừa nhận mình là “thợ diễn”?

Tôi nghĩ, trên công thức thì anh Trung Anh nói như thế là đúng. Nhưng trong ngôn ngữ nghệ thuật và trong phát biểu của nghệ sỹ thì không phải hai với hai là bốn. Mỗi câu chuyện liên quan đến một ngữ cảnh nào, thời điểm nào, bạn muốn nói cái gì…. Bản thân tôi muốn để mọi người thấy là đừng nghiêm trọng hóa vấn đề. Nhiều bạn nói vì tôi chưa xem phim do họ đóng nên cứ phát biểu bừa. Đúng là tôi chưa xem nhưng thiện cảm dành cho bộ phim hoặc vai diễn đó không có. Đó là cảm giác của tôi chứ không phải tôi thay mặt nhà phê bình hoặc đưa ra tiếng nói quyết định.

Tất nhiên, với một người yêu đất nước, yêu dân tộc thì phải dùng hàng Việt Nam, câu này không đúng. Rồi có người còn “quặc” sang nhà quản lý, giám đốc… lại càng không đúng. Tôi không phải tuýp người dễ bị dao động trước những lời bình luận đó. Tôi chỉ nói những điều tôi nghĩ thôi mà phàm nói điều mình nghĩ có thể có khi nghịch chiều với mọi người, nhưng đấy là Chí Trung.

Thời gian gần đây có nhiều phát ngôn của nghệ sỹ khiến cho nhiều người nghĩ nghệ sỹ phía Bắc trước mặt thì thế nhưng sau lưng chẳng ai ưa gì nhau cả, sẵn sàng “ném bom” vào nhau… bất kể lúc nào. Anh nghĩ sao về chuyện này?

Tôi không hiểu điều này lắm và cũng không thấy chuyện này.

Rõ ràng mới đây dân mạng lại dậy sóng khi xuất hiện đoạn trò chuyện của anh với một người nào đó, trong đoạn “chat” này anh có gọi một Nghệ sỹ Nhân dân là “thằng” và còn nói hiểu rõ bản chất của người đó 35 năm qua. Đây hình như không phải là câu chuyện trang cá nhân bị hack?

Trang cá nhân của tôi vẫn hoạt động bình thường nhưng câu chuyện bạn nêu tôi không có gì để nói cả.

Anh nghĩ sao khi người ta nói anh thích tạo scandal để với những chuyện gây sốc?

Cũng có thể, đấy là một cách truyền thông ngược. Nhiều người học truyền thông thì sẽ biết, trước khi tổ chức chương trình, người ta thường tạo ra các scandal để gây sự chú ý. Ca sỹ này, ca sỹ kia trách mắng nhau loạn xạ cả lên. Trên lý thuyết là thế nhưng tôi không phải thế. Còn ai muốn nói gì về Chí Trung cứ việc nói chứ sao mình cấm họ được. Người ta được quyền nói những điều họ thích chứ.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long