1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

NSND Lê Khanh "sốc nặng" khi xem vở diễn đầu tay của đạo diễn Trần Lực

(Dân trí) - NSND Lê Khanh cho biết, chị đã “sốc nặng” khi xem vở diễn đầu tay và bất ngờ với tài năng đạo diễn của NSƯT Trần Lực.

“Quẫn” là một vở kịch kinh điển gắn liền với tên tuổi của cố tác giả Lộng Chương vào những năm 60 của thế kỷ trước. Vở kịch này từng được NSND Trần Hoạt dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam nửa thế kỷ trước. Và đạo diễn - NSƯT Trần Lực đã quyết định làm mới lại vở kịch này để công diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ vào 18/2 tới.

Trước đó, “Quẫn” cũng được công diễn trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 và đã đem lại giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho NSƯT Trần Lực, 1 giải Vàng, 2 giải Bạc cho các diễn viên. Vở diễn cũng đoạt giải Bạc tại Liên hoan.

Diễn viên của vở kịch là sinh viên năm thứ 4 khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ảnh: NHTT.
Diễn viên của vở kịch là sinh viên năm thứ 4 khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ảnh: NHTT.

Nhiều người cho rằng, làm mới một vở diễn kinh điển quả là không dễ bởi nếu không khéo sẽ biến từ “làm mới” thành “phá nát”. Ngay từ đầu, khi đạo diễn Trần Lực làm mới “Quẫn” theo phương pháp ước lệ chứ không theo phong cách hiện thực như các đạo diễn khác đã khiến nhiều người nghi ngờ cách làm mới của anh, lại cộng thêm việc anh giao vở này cho chính các học trò của mình là những sinh viên năm cuối của khoa Sân khấu trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thể hiện lại càng khiến người ta hoang mang hơn. Và thực tế là Trần Lực không những làm mới đúng nghĩa mà còn rất thành công với vở diễn này.

Không phải ai cũng biết, Trần Lực xuất thân từ sân khấu. Cha anh là GS.NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, còn mẹ anh là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Anh từng đi học đạo diễn sân khấu nhiều năm ở Bulgaria nhưng lâu nay Trần Lực có duyên với điện ảnh hơn. Từ làm diễn viên, đến đạo diễn và còn lập cả Hãng phim Đông A.

Quay trở lại sân khấu là mơ ước của Trần Lực, cũng là mong mỏi của cha mẹ muốn con nối nghiệp. Vở đầu tay, Trần Lực chọn ngay “Quẫn” - kịch bản nổi bật của tác giả Lộng Chương vang danh nửa thế kỷ trước. Trần Lực cũng chính là người hâm mộ vở kịch ấy từ thuở bé. Vì quá mê một kịch bản, một câu chuyện hay mà anh muốn dựng lại cho khán giả hôm nay được thưởng thức.

Mặc dù là vở diễn đầu tay nhưng Trần Lực đã khiến nhiều người phải tâm phục, khẩu phục. Ảnh: NHTT.
Mặc dù là vở diễn đầu tay nhưng Trần Lực đã khiến nhiều người phải "tâm phục, khẩu phục". Ảnh: NHTT.

Toàn bộ vở “Quẫn” tập trung vào diễn viên - những bạn trẻ thế hệ 9X, kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước. Đó là chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...

Đạo diễn Trần Lực chọn cách dựng kịch hiện thực ước lệ (tả ý) thường quen trong sân khấu kịch hát hơn kịch nói. Sân khấu mở ra tối giản hết mức, có lúc không thấy đạo cụ gì, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm. Trần Lực đưa được con mắt của điện ảnh vào sân khấu nên phần "nhìn" rất đẹp, có chiều sâu. Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra "tâm" của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau.

NSND Lê Khanh cho biết, chị đã sốc khi xem kịch của Trần Lực. Ảnh: NHTT.
NSND Lê Khanh cho biết, chị đã "sốc" khi xem kịch của Trần Lực. Ảnh: NHTT.

Chia sẻ cảm xúc về vở “Quẫn”, NSND Lê Khanh cho biết, chị đã “sốc” khi xem vở diễn và bất ngờ với tài năng đạo diễn của NSƯT Trần Lực. Chị cho biết, đã từng xem vở này nhiều năm trước, thậm chí đã xem phiên bản dàn dựng do cha mình là NSND Trần Tiến đảm nhận vai chính (ông Đại Cát) nhưng khi xem lại “Quẫn” qua bàn tay dàn dựng tài tình, sáng tạo của NSƯT Trần Lực, chị đã vỡ òa cảm xúc vì sung sướng.

Đạo diễn - NSƯT Trần Lực chia sẻ, kịch bản “Quẫn” của cố tác giả Lộng Chương nói về một giai đoạn lịch sử có thật. Trong thời đại ngày nay, làm sao để khán giả cảm nhận được ý nghĩa của vở cũng như thấy được một phần lịch sử trong đó không dễ. Anh hy vọng, với góc nhìn mới mẻ của mình, “Quẫn” sẽ được khán giả đón nhận.

Hà Tùng Long